Phát triển nhà ở xã hội vùng Đông Nam bộ (Bài 1): Địa phương quyết liệt, nhà ở xã hội vẫn xa tầm với?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 27/03/2024 16:34 PM (GMT+7)
Việc xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương khu vực Đông Nam bộ chưa thể khởi sắc khi nhiều chủ đầu tư vẫn còn loay hoay gỡ vướng pháp lý, thủ tục trong khi người có nhu cầu mua lại khó tiếp cận vì nhiều quy định tréo ngoe.
Bình luận 0

Khu vực Đông Nam bộ là trung tâm đô thị, công nghiệp của cả nước và luôn thu hút rất đông người nhập cư theo dòng chảy việc làm. Chính vì thế, chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực này nhiều năm qua đã rất nỗ lực trong việc phát triển nhà ở xã hội cho người dân, nhưng "cung vẫn không đủ cầu".

Hiện, các tỉnh, thành đã và đang đặt ra nhiều giải pháp để góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội, hướng đến phát triển đô thị thông minh.

Báo cáo mới đây với UBND TP.HCM, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030" của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 26.200 - 35.000 căn NƠXH.

Theo đó, TP.HCM sẽ đưa vào kế hoạch triển khai 37 dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (tháng 3/2024), chỉ có 1 dự án NƠXH được hoàn thành, trong khi 36 dự án còn lại có 6 dự án đang thi công và 30 dự án chờ… hoàn tất thủ tục pháp lý.

Phát triển nhà ở xã hội vùng Đông Nam bộ (Bài 1): Địa phương quyết liệt, nhà ở xã hội vẫn xa tầm với? - Ảnh 1.

Một dự án NƠXH trên địa bàn TP.HCM đang triển khai xây dựng. Ảnh: Quang Duy

Các địa phương quyết liệt làm Nhà ở xã hội

Không chỉ TP.HCM, các địa phương khác trong khu vực Đông Nam bộ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển NƠXH. Nhưng chính quyền các địa phương này cũng đang quyết liệt triển khai đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội" của Thủ tướng Chính phủ.

Chẳng hạn, tại Bình Phước, UBND tỉnh này đã bố trí 9 khu đất để triển khai thực hiện các dự án NƠXH, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư xây dựng khoảng 10.996 căn hộ trên diện tích đất khoảng 55,59ha. Giai đoạn 2026 - 2030 xây dựng khoảng 33.248 căn hộ với diện tích đất khoảng 173,2ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Phước mới chỉ hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án NƠXH với 800 căn hộ.

Theo lý giải của Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước, thủ tục để đầu tư xây dựng dự án NƠXH trên địa bàn còn nhiều bất cập bởi phải thực hiện qua rất nhiều trình tự, quy định pháp luật khác nhau về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đầu tư, đấu thầu… nên thời gian để thực hiện được dự án NƠXH rất mất thời gian.

Tại Đồng Nai, NƠXH cũng là vấn đề được cả hệ thống chính trị trong tỉnh chú ý phát triển. Toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.270 ha. Trong đó, 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tổng số người lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở hiện nay khoảng 410.000 người.

Sắp tới, nhiều khu công nghiệp mới sẽ được đầu tư, số lượng công nhân và nhu cầu nhà ở cho công nhân sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo đến năm 2025 nhu cầu về chỗ ở công nhân khoảng 450.000 người.

Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai đang muốn xây khoảng 10.000 căn NƠXH đến 2025. Đến nay, 12 dự án được đề xuất hồ sơ chủ trương đầu tư, quy mô gần 21.000 căn, gấp đôi mục tiêu của tỉnh đến 2025. Trong đó, tỉnh đã duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án, với 9.000 căn.

"Đồng Nai đã dành hơn 1.000 ha đất làm NƠXH. Trong đó 5 dự án sẽ khởi công trong năm nay. 7 dự án còn lại dự kiến xây trong năm 2025", ông Đức nói.

Phát triển nhà ở xã hội vùng Đông Nam bộ (Bài 1): Địa phương quyết liệt, nhà ở xã hội vẫn xa tầm với? - Ảnh 2.

Các tỉnh khu vực Đông Nam bộ là trung tâm đô thị, công nghiệp của cả nước nên nhu cầu nhà ở rất cao. Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đánh giá tiến độ triển khai phát triển NƠXH thời gian qua còn chậm do vướng về đấu thầu chọn nhà đầu tư, thẩm định hay điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện, 5 địa phương chưa trình hồ sơ chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, có 2 dự án đã được duyệt sơ bộ năng lực chủ đầu tư, nhưng chưa có hướng dẫn làm hồ sơ mời quan tâm mới theo Nghị định 23. Vì thế, dự án dù được duyệt sơ bộ năng lực chủ đầu tư cũng chưa thể triển khai do thiếu thủ tục.

Trong số các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh được ghi nhận quyết liệt nhất trong phát triển NƠXH là Bình Dương. Hiện, tỉnh này đang có khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó hơn 50% lao động đến từ các tỉnh, thành khác sinh sống và làm việc. Với tốc độ tăng dân số cơ học cao, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung, công nhân nói riêng luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Vì vậy, để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, Bình Dương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có thêm 172.879 căn NƠXH, tổng diện tích đất khoảng 612 ha. Với diện tích sàn xây dựng ước đạt khoảng hơn 10 triệu m2, đáp ứng cho khoảng trên 678.000 người với tổng mức đầu tư khoảng 92.661 tỷ đồng (cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao).

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến sẽ bố trí 158 ha diện tích đất đầu tư hoàn thành trên 42.000 căn NƠXH với diện tích sàn xây dựng đạt 2,7 triệu m2, đáp ứng cho khoảng 163.476 người. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh dự kiến sẽ bố trí khoảng 454 ha diện tích đất đầu tư hoàn thành khoảng 130.623 căn NƠXH với diện tích sàn xây dựng đạt 7,4 triệu m2, đáp ứng cho khoảng 514.831 người.

Nhiều rào cản với người mua nhà

Đầu tháng 3 vừa qua, anh Huỳnh Minh Chính (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tìm đến dự án khu NƠXH phục vụ công nhân (Thu Thiem Green House, chủ đầu tư là Công ty CP Thu Thiem Group) tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức để tìm hiểu cơ hội mua nhà. Tuy nhiên, tìm hiểu gần 1 tuần thì anh Chính nản lòng vì "không đủ tiêu chuẩn".

Cụ thể, theo anh Chính, anh được đưa cho các mẫu tờ khai trong phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Theo đó, anh phải có xác nhận của UBND cấp xã (nơi mà người này thường trú hoặc tạm trú 1 năm trở lên) về 3 nội dung: "Là đối tượng được hưởng chính sách NƠXH; chưa có sở hữu nhà thuộc hộ gia đình; chưa được hưởng chính sách về nhà ở của Nhà nước".

Tuy nhiên, sau nhiều lần đi đến UBND xã xác nhận những vấn đề này đều không được, anh Chính đành từ bỏ vì không thể hoàn tất hồ sơ của mình theo quy định, nộp cơ quan xét cấp.

Ngoài ra, một trong những cản trở lớn của người mua NƠXH hiện nay là thu nhập hơn 11 triệu đồng/tháng không được mua nhà. Đây cũng là quy định làm "nghẽn" việc tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp. Bởi, với mức thu nhập dưới 11 triệu đồng/người/tháng, sau khi trừ sinh hoạt phí rất khó mua nhà.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), những người trẻ hiện nay có mức thu nhập khoảng 13 - 14 triệu đồng/tháng rất khó mua đất, nhà ở thương mại. Trong trường hợp này, họ phải tìm cách tiếp cận NƠXH nhưng lại không thuộc đối tượng được mua vì phát sinh thuế thu nhập cá nhân.

"Theo tôi, định mức đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã không còn phù hợp với chi tiêu tại các thành phố lớn, giá NƠXH cũng tăng nhiều so với 5 năm trước", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cũng thẳng thắn, quy định hiện hành đang "đánh đố" người mua NƠXH. Thu nhập thấp quá thì không được vay vốn hoặc được vay vốn nhưng ít so với nhu cầu, còn thu nhập khá đóng thuế thu nhập cá nhân lại không được mua nhà.

Theo vị này, việc nâng mức thu nhập của người mua là phù hợp với thực tế và đây cũng là động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn phát triển nhà ở giá rẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem