Phó Chủ tịch Bình Định: "Chậm giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia, đổ lỗi để làm gì?"

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 22/11/2023 06:30 AM (GMT+7)
"Các dự án dễ, có quyền lợi thì làm, còn dự án làm cho dân thì các đồng chí lại triển khai ì ạch, đổ lỗi hết xuống xã, rốt cuộc đổ lên người dân. Nói như vậy để thấy rằng, trách nhiệm của lãnh đạo với nhân dân, với xã hội thế nào?", ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn.
Bình luận 0

'Đổ lỗi qua lại cho nhau, để làm gì?'

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, các địa phương tập trung giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và phải làm, vì trách nhiệm với nhân dân, xã hội.

"Bây giờ đổ lỗi qua đổ lại cho nhau làm gì, địa phương nào giải ngân không hết thì phải chịu trách nhiệm", ông Tuấn Thanh nhấn mạnh. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, tổng kế hoạch vốn được giao thực hiện 3 Chương trình MTQG (bao gồm ngân sách Trung ương và tỉnh năm 2022 kéo dài và năm 2023) là hơn 974 tỷ đồng.

Thế nhưng, số vốn sự nghiệp còn vướng cơ chế, chờ hướng dẫn của Bộ ngành Trung ương không thực hiện được là hơn 44 tỷ đồng. Vì vậy, kế hoạch vốn được giao triển khai thực hiện năm 2023 là gần 930 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/11, tỷ lệ giải ngân thực hiện 3 Chương trình MTQG là hơn 379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ  40,8%, thuộc tốp thấp so với cả nước.

Thực hiện 3 Chương trình MTQG, huyện Vân Canh được phân bổ 78 tỷ đồng, bao gồm cả vốn kéo dài năm 2022 và vốn bố trí năm nay. Tuy nhiên, đến nay huyện mới giải ngân được trên 35 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 44%.

Phó Chủ tịch Bình Định: 'Dự án làm cho dân triển khai ì ạch, đổ lỗi hết xuống xã, rút cuộc đổ lên người dân' - Ảnh 1.

Bình Định yêu cầu tập trung giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: D.N.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp do vướng một số văn bản Trung ương hướng dẫn chung chung, gây lúng túng cho địa phương thực hiện. 

Ngoài ra, có nguồn vốn không thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

"Dù lãnh đạo địa phương xuống tận nhà vận động nhưng 1 lớp đào tạo nghề chỉ 7-8 người đăng ký học. Một số bà con đồng bào đi học, một số khác không đi, bởi vì đi học không có tiền, trong khi làm rẫy kiếm được mỗi ngày 200.000-250.000 đồng tiền công. Tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm, địa phương nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng người dân cũng ít tham gia", ông Việt nói.

'Triển khai ì ạch, đổ lỗi hết xuống xã, rốt cuộc đổ lên người dân'

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, đến nay các nội dung, vướng mắc mà các địa phương kiến nghị được các Bộ ngành Trung ương tiếp nhận và chờ được hướng dẫn cụ thể bằng văn bản. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng cơ bản tháo gỡ, các vướng mắc nhưng tỷ lệ giải ngân vốn vẫn thấp.

Đơn cử việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất của dự án 1 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã được phân bổ nguồn vốn từ tháng 3 và Trung ương hướng dẫn cụ thể. 

Tuy nhiên, đến nay có địa phương chưa giải ngân, tỷ lệ giải ngân là 0%, có địa phương giải ngân đạt tỷ lệ thấp, gần 15%.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các chủ dự án, các địa phương phải phấn đấu giải ngân 100% vốn năm 2022 kéo dài (vốn đầu tư) trong năm 2023 thuộc các Chương trình MTQG.

Phó Chủ tịch Bình Định: 'Dự án làm cho dân triển khai ì ạch, đổ lỗi hết xuống xã, rút cuộc đổ lên người dân' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.

Phát biểu tại cuộc họp chủ trì về tiến độ giải ngân các nguồn vốn thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm nay, hôm 20/11, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn nhìn nhận, trách nhiệm này trước hết là lãnh đạo các địa phương, sở ngành, đãlàm chưa đến nơi đến chốn, chưa hết trách nhiệm với nhân dân.

"Các dự án dễ, có quyền lợi thì làm, còn dự án làm cho dân thì các đồng chí lại triển khai ì ạch, đổ lỗi hết xuống xã, rốt cuộc đổ lên người dân. Nói như vậy để thấy rằng, trách nhiệm của lãnh đạo với nhân dân, với xã hội thế nào?", ông Tuấn Thanh thẳng thắn.

Tại cuộc họp, ông Tuấn Thanh cũng phê bình, UBND huyện Vân Canh do thực hiện giải ngân vốn rất thấp.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu, trong thời gian tới, ưu tiên nguồn vốn Trung ương, trong đó nguồn vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023, các địa phương phải cam kết giải ngân hết.

"Vướng chỗ nào tháo gỡ chỗ đó, làm cho đến khi nào xong thì thôi. Bà con đồng bào ở nhà xập xệ mà không thể giải ngân. Việc này không có gì khó, giờ cứ hỗ trợ người dân, còn thủ tục bà con không biết thì hướng dẫn", ông Tuấn Thanh đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem