Phó chủ tịch Quốc hội "sốt ruột" với ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội

Thành An Thứ ba, ngày 03/12/2019 15:55 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng ùn tắc giao thông là vấn đề lớn, đề nghị chính quyền Thành phố Hà Nội cần có những giải pháp rất tích cực nhằm tiếp tục giảm thiểu phương tiện cá nhân, kể cả ô tô và xe máy.
Bình luận 0

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP.Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước những áp lực và thách thức nhất định trong quá trình đổi mới phát triển, đặc biệt là ùn tắc giao thông.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, ùn tắc giao thông là vấn đề rất lớn, Hà Nội đã nhiều lần bàn các giải pháp để giảm thiểu, giải quyết tốt vấn đề này, song do dân số quá lớn, áp lực của sự phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa, phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều, trong khi hạ tầng còn mức độ, giao thông công cộng thì hạn chế. 

“Vì vậy, Uỷ ban nhân dân Thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện cần có những giải pháp rất tích cực nhằm tiếp tục giảm thiểu phương tiện cá nhân, kể cả ô tô và xe máy”, ông Lưu nói.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Hà Nội đang đứng trước thách thức nữa là ô nhiễm môi trường, không khí, nhất là đang rất sốt ruột về bụi mịn. "Cứ mở trang mạng ra rất sốt ruột với ô nhiễm bụi mịn", ông Lưu nhấn mạnh và lưu ý "Hà Nội là thành phố du lịch nhưng môi trường không được trong sạch nên rất hạn chế khách du lịch trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân".

img

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP. Hà Nội.

Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội, Thành phố Hà Nội đang có những giải pháp, đề án để làm sạch các dòng sông, ao, hồ, nhưng bụi bẩn ở đường phố do các công trình xây dựng, phương tiện giao thông cũ nát, bà con dùng than tổ ong nhiều… đã tác động đến môi trường không khí. Đây là những vấn đề rất cụ thể, TP cần có giải pháp. "Ô nhiễm không khí, bụi bẩn như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn hạn chế lượng du khách đến với Hà Nội", ông Lưu nhận xét.

“Tôi tán thành tại Kỳ họp này và tới đây, HĐND Thành phố chọn 3 lĩnh vực để tập trung giám sát, chất vấn, là quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý các trường ngoài công lập, vi phạm pháp luật và tội phạm - những vấn đề được xác định rất trúng mà Thành phố cần tập trung giải quyết, có các giải pháp hiệu quả. Trong đó, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng đưa vào nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội các vấn đề trật tự xây dựng, quy hoạch, lấn chiếm đất đai tại nông thôn hiện nay trong quá trình phát triển đô thị hóa. Tôi tin rằng ở Hà Nội, những vấn đề lớn đó đang đặt ra.... HĐND cần đưa vào Nghị quyết những giải pháp để cùng UBND Thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ”, ông nhấn mạnh.

Cùng với đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND Thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động của HĐND các cấp để nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp, giám sát, giải trình và quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND Thành phố; tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban, các tổ đại biểu của HĐND; phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh chính trị của các đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm…

Trong một diễn biến liên quan, báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội gửi đến kỳ họp HĐND Thành phố cho thấy, thời gian qua phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 đạt trên 20%.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông nhằm phát huy tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Đối với đề án phân vùng hoạt động, tiến tới cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố  Hà Nội xác định "đây là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân"; do vậy đề án sẽ được triển khai thận trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem