Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Tỉnh Bắc Kạn nên gắn sản phẩm du lịch với thương mại

Chiến Hoàng Thứ bảy, ngày 07/11/2020 19:52 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đề xuất Bắc Kạn gắn sản phẩm du lịch với thương mại thông qua các sản phẩm nông sản OCOP.
Bình luận 0

Chiều 7/11, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn. Đây là sự kiện nhằm kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế của tỉnh Bắc Kạn với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề xuất gắn sản phẩm du lịch với thương mai - Ảnh 1.

Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, mục tiêu hướng đến của hội nghị là: Giới thiệu, tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng để có kế hoạch phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn tại địa phương, kết nối đơn vị sản xuất và đơn vị kinh doanh, phân phối giữa các tỉnh, thành phố, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa chính.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đỗ Thị Minh Hoa, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 đạt 5,3%/năm, ước đạt 12.840 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với 2015; thu nhập bình quân đầu người tỉnh Bắc Kạn đã có cải thiện, đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề xuất gắn sản phẩm du lịch với thương mai - Ảnh 2.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề xuất gắn sản phẩm du lịch với thương mai - Ảnh 3.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề xuất gắn sản phẩm du lịch với thương mai - Ảnh 4.

Một số sản phẩm OCOP 3-5 sao cấp tỉnh, nông sản an toàn, sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu... được trưng bày tại hội nghị.

"Trong 5 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các Nghị quyết, chính sách, đề án để triển khai thực hiện và đã có nhiều thay đổi, có trên 100 sản phẩm nông nghiệp được thị trường đánh giá tốt, được tham gia các chuỗi cung ứng; bên cạnh đó tập trung xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh, hệ thống Big C…

Sản phẩm hàng hóa Bắc Kạn bước đầu được ghi nhận và được công nhận thương hiệu, tham gia các chuỗi cung ứng lớn như Big C, Vinmart; những sản phẩm chế biến mức độ cao như từ nghệ được quảng bá rộng rãi.

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất tự nhiên 485.996ha, trong đó 459.390ha là đất nông nghiệp, 19.340ha đất phi nông nghiệp và 7.266ha đất chưa sử dụng, vậy nên Bắc Kạn là tỉnh có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp", quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định.

Bà Hoa mong muốn, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, miến dong Bắc Kạn với vùng nguyên liệu gần 500ha bước đầu đã xuất khẩu được ra thị trường châu Âu.

Cây nghệ đã trở thành cây tiềm năng của Bắc Kạn, mang lại thu nhập cao cho người dân. Ngoài ra, Bắc Kạn còn có các cây thế mạnh như: Chè, gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo nếp thơm Khẩu nua Lếch Ngân Sơn, cam, quýt Bắc Kạn, hồng không hạt, bí xanh thơm…

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề xuất gắn sản phẩm du lịch với thương mai - Ảnh 5.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạn đề nghị được chính quyền, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Hội Doanh nhân OCOP, các HTX để phát triển các sản phẩm OCOP, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tại hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chúc mừng Bắc Kạn có 107 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Bà Nga đề xuất, Bắc Kạn cần gắn sản phẩm du lịch với thương mại thông qua các sản phẩm đặc sản của Bắc Kạn, nhất là khi Bắc Kạn có vùng nguyên liệu sạch, hữu cơ.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề xuất gắn sản phẩm du lịch với thương mai - Ảnh 6.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa.

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp Việt Nam nhận định, Bắc Kạn ruộng đất còn manh mún, điều kiện khí hậu đặc biệt, độ dốc cao, nếu sản xuất các sản phẩm bình thường sẽ không sánh được với các tỉnh khác, nên phải sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

"Bao bì của chúng ta chưa đẹp, chưa bắt mắt, chúng ta cũng nên lưu ý quảng cáo chất lượng phải đi đôi với chất lượng thực thông qua quản lý pháp lý. Bắc Kạn nhiều cái làm được mà tỉnh khác chưa làm được, hy vọng bà con nhân dân, các doanh nghiệp, phát huy lợi thế, phấn đấu, quyết tâm hơn nữa. Chúng tôi cam kết tích cực tham gia với bà con sản xuất nông nghiệp để có nhiều thắng lợi hơn", ông Duy nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CPTM và Du lịch HAH Việt Nam cho biết, các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đuối về bao bì. Là doanh nghiệp mua trực tiếp, công ty mong Bắc Kạn quan tâm chất lượng, hình ảnh sản phẩm của tỉnh, có hướng quy hoạch vùng hợp lý...

Tại hội nghị, đã có 5 doanh nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa với 5 HTX của tỉnh Bắc Kạn về các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem