Phú Yên: Lạ, trồng mía lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thế nào?

Thứ bảy, ngày 07/11/2020 13:15 PM (GMT+7)
Hội đồng KH-CN cấp tỉnh đã đánh giá, nghiệm thu đề tài “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh” do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên làm chủ nhiệm.
Bình luận 0

Đây là ứng dụng công nghệ có khả năng phát huy hiệu quả trồng mía, giúp tăng năng suất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người trồng nếu được nhân rộng tại các vùng nguyên liệu.

Hiệu quả thực tế

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Phú Yên nằm trong vùng nguyên liệu mía Trung Trung Bộ và mía là 1 trong 3 cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, năng suất mía bình quân vẫn còn rất thấp do chưa áp dụng thâm canh tổng hợp kết hợp với tưới nước; phần lớn diện tích trồng mía chủ yếu nhờ nước trời, chưa chủ động khâu tưới nước. 

Phú Yên: Lạ, trồng mía lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thế nào? - Ảnh 1.

Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt ở vùng nguyên liệu mía xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV

Qua nắm bắt tình hình thực tế tại các vùng nguyên liệu, tiếp thu công nghệ…, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã xin chủ trương, mạnh dạn triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía, với mục đích tăng năng suất, chất lượng cây trồng, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân.

Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Phú Yên thuộc Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi được UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện từ tháng 7/2017-3/2020 với kinh phí trên 380 triệu đồng. 

Mô hình này được áp dụng thử nghiệm đối với mía gốc giống Khonkean 3 (KK3), trồng trên diện tích 3ha tại hai vùng đất trồng mía khô hạn ở huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. 

“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức hội nghị đầu bờ, tập huấn chuyển giao công nghệ tưới phối hợp với tuyên truyền để nông dân có thể ứng dụng vào sản xuất thâm canh mía. Qua 2 vụ, mặc dù thời tiết nắng nóng, khô hạn nhưng năng suất mía cây đều đạt trên 100 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với năng suất trồng theo hình thức truyền thống; chất lượng cây mía cũng tốt hơn, chi phí trồng giảm; lợi nhuận bình quân đạt hơn 20 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên nói.

Là người trực tiếp ứng dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây mía, bà Trần Kim Tuyến ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết: Khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, mía được tưới đầy đủ nước trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển, lá xanh tốt, ruộng mía không mọc cỏ như các ruộng đối chứng khác. Mô hình tưới này áp dụng hiệu quả khi thời tiết nắng hạn, kể cả ở những khu vực gò đồi, chỗ đất cao. 

Còn ông Đoàn Đắc Miên ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú yên thì cho hay: Bình quân mỗi năm, tôi trồng 12ha mía. Từ năm 2018 đến nay, tôi dành 1ha để trồng theo mô hình tới nhỏ giọt. Trước đây, mía trồng đại trà, sử dụng công nghệ tưới bằng phun trực tiếp, ăn theo nước trời không mấy hiệu quả, thậm chí có năm giá mía hạ, người trồng lỗ vốn. 

Còn trồng mía tưới nước theo mô hình nhỏ giọt thì cho năng suất cao hơn 30-40%, chi phí cũng giảm hơn 50% và cho thu nhập cao. Vấn đề là nếu trồng 1ha mía, vốn ban đầu mà người dân phải đầu tư là khoảng 40 triệu đồng để làm đường ống. Tuy nhiên, hệ thống ống này có thể sử dụng trên 5 năm, tính ra 1 năm tốn chưa đến 10 triệu đồng nhưng hiệu quả kinh tế cao, không tốn nhiều công sức.

Tính toán trong quá trình nhân rộng

Liên quan đến vấn đề sâu bệnh, theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, từ thời điểm bắt đầu trồng đến nay, chưa phát hiện sâu bệnh gây hại trên diện tích mía của các hộ tham gia (rải rác xuất hiện rệp gây hại nhưng tỉ lệ không đáng kể). 

Các hộ tham gia mô hình không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý các loại sâu bệnh trong suốt vụ sản xuất. 

Ứng dụng tưới nhỏ giọt sử dụng lượng nước ít, phân bón cũng được hòa tan và tưới theo hệ thống nhỏ giọt nên nước, phân bón được cây mía hấp thụ với tỉ lệ lớn, giúp tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thất thoát nước. 

Ngoài ra, vùng đất ngoài rễ mía không được cung cấp nước nên “hãm” được cỏ dại, giảm chi phí phun thuốc trừ cỏ, qua đó hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo đại diện các địa phương, ứng dụng mô hình tưới này có thể giải hạn cho vùng trồng mía khi gặp thời tiết nắng nóng. 

Nếu mô hình được nhân rộng, vùng nguyên liệu mía sẽ phát triển ổn định, tăng năng suất, chất lượng cây trồng; mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, cải thiện đời sống nông thôn. 

Do vậy, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ vật tư, kỹ thuật cho nông dân để nhân rộng mô hình, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên Trương Văn Tuấn cho biết: Với vùng nguyên liệu mía của tỉnh thì việc triển khai ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh cây mía là yêu cầu cấp thiết để giải quyết vấn đề nước tưới cho cây trồng. 

Đáng mừng là qua 2 năm triển khai thử nghiệm, mô hình tưới nhỏ giọt đã cho kết quả ngoài mong đợi, giúp nâng cao giá trị cây trồng, nhất là trong thời kỳ hội nhập, ứng phó biến đổi khí hậu như hiện nay. 

Chất lượng mía tăng, giá trị vùng nguyên liệu mía được nâng cao sẽ góp phần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản và tiến đến thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

TS NGUYỄN VĂN MINH, PHÓ TRƯỞNG KHOA NÔNG, LÂM NGHIỆP TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY NGUYÊN: Cần hướng dẫn cụ thể để người dân áp dụng:

“Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh” là dự án triển khai thực tế tại vùng trồng. Do đó trong những niên vụ tiếp theo, nếu đưa vào triển khai ở các địa phương, các đơn vị cần hướng dẫn cụ thể để người dân có thể áp dụng được. Cùng với đó, vấn đề lắp đặt, vận hành quy trình hệ thống tưới, duy trì lượng nước, sâu bệnh, khả năng kháng bệnh,... cũng cần được tính toán chặt chẽ hơn; đồng thời tăng cường cung cấp thông tin, khuyến cáo người trồng trong quá trình thực hiện.

ÔNG DƯƠNG BÌNH PHÚ, GIÁM ĐỐC SỞ KH-CN: Đánh giá thêm tác động môi trường, hiệu quả kinh tế:

Qua nhận định ban đầu của các đơn vị triển khai, đơn vị đánh giá chuyên môn thì việc triển khai ứng dụng tưới nhỏ giọt trong thâm canh mía cho hiệu quả kinh tế, phù hợp với nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh và có tính khả thi nếu được nhân rộng. Ứng dụng này cũng phù hợp với chủ trương của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Song với đặc thù địa hình, thời tiết ở vùng nguyên liệu thì yếu tố về giống, tác động môi trường, hiệu quả kinh tế cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm tránh thất thoát cho người dân.

Võ Phê (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem