Những ngày đầu tháng Năm, nắng đầu Hạ trải vàng khắp các cánh rừng già thuộc huyện Sơn Động (Bắc Giang), bỏ lại sau lưng bao ồn ào, rừng xanh đón chúng tôi bằng những vạt hoa dại đang đua hương, khoe sắc.
Khu rừng nguyên sinh rộng hơn 5ha được bao bọc bởi các khu rừng kinh tế và bản, làng dân tộc Tày, Nùng.
Hàng trăm năm qua, rừng Pò Chùa được chính quyền và cộng đồng trên địa bàn xem như “báu vật”. Nơi đây có những cây gỗ quý, to lớn như lim, dẻ, trám hồng, đa và nhiều măng trúc, mai...
Đưa chúng tôi đi thăm rừng, anh Vi Văn Tiến, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã Hữu Sản, người dân tộc Tày cho biết, từ xa xưa người dân trên địa bàn xã đã ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, làm việc xấu trong khu rừng.
Rừng có nhiều cây gỗ dù để khô nhưng không ai dám lấy về. Nơi đây có nhiều cây lim hàng trăm năm tuổi, mấy người ôm không xuể.
"Đồng bào còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về khu rừng này và từng có một số cá nhân phạm vào điều cấm kỵ bị thần Rừng trừng phạt. “Có người lấy gỗ ở rừng Pò Chùa về làm nhà cũng không thể ở được”, anh Tiến nói...
Trẻ em từ nhỏ đã được ông bà, bố mẹ khuyên dạy rất kỹ những điều cấm đó, tuyệt đối không được làm điều xấu ảnh hưởng đến rừng xanh.
Điều đặc biệt, tại khu vực cao nhất của cánh rừng có một phế tích với nhiều chân tảng đá, nền móng công trình kiến trúc quy mô lớn và một số vật liệu xây dựng cổ như gạch, ngói, các sản phẩm làm từ gốm còn sót lại.
Theo suy đoán của người dân địa phương, rất có thể đó là nền móng của một ngôi chùa cổ. Nhiều người dân trong vùng cho biết, mỗi khi đi làm rừng qua đây họ đều mang theo hương để thắp, thể hiện lòng tôn kính với thần linh.
Chính quyền địa phương cùng người dân nơi đây mong rằng công trình kiến trúc cổ này sớm được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá, làm sáng tỏ những giá trị, qua đó làm cơ sở khoa học để phục dựng lại di tích.
Hiện khu rừng già được giao cho Hội Người cao tuổi xã Hữu Sản trực tiếp quản lý, trông coi, giáo dục con cháu có trách nhiệm giữ rừng.
Hằng tháng vào ngày mồng một Âm lịch và ngày Rằm, người cao tuổi địa phương tổ chức lên thắp hương tại khu di tích, phát quang bụi rậm, cây tạp.
Theo đại diện lãnh đạo xã Hữu Sản, ngoài quan tâm phát triển rừng kinh tế, công tác bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn xã thời gian gần đây đạt nhiều kết quả tích cực. Việc lấn chiếm, khai thác rừng tự nhiên đã được hạn chế, qua đó góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Ở cả 4 thôn trên địa bàn xã Hữu Sản đã thành lập các tổ bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, canh gác, tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức về việc bảo vệ rừng nên những năm qua việc khai thác gỗ, phát lấn chiếm rừng tự nhiên không còn xảy ra phổ biến như trước đây.