Dân Việt

Cây mơ vàng-cây đặc sản giúp nông dân tỉnh Bắc Kạn trước giảm nghèo, sau là làm giàu

Chiến Hoàng 12/12/2020 06:06 GMT+7
Cây mơ vàng trồng ở tỉnh Bắc Kạn sau khoảng 5 năm trồng đã cho quả, nếu chăm sóc tốt, cây sẽ thu hoạch được hơn 10 năm.

CLIP: Trồng cây mơ vàng tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Dẫn chúng tôi lên cánh rừng Nà Bây, anh Lăng Văn Thụy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bạch Thông cho biết, cây mơ vàng được trồng tại đây đang là loài cây được huyện Bạch Thông kỳ vọng sẽ giúp nông dân giảm nghèo bền vững.

Vì sao cây mơ vàng được kỳ vọng là cây giúp nông dân Bắc Kạn giảm nghèo bền vững? - Ảnh 1.

Cây mơ vàng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Bạch Thông nên phát triển rất tốt.

Theo anh Lăng Văn Thụy, dự án cây mơ vàng đang được thực hiện khá tốt, gần như 100% cây con đều sống khỏe. Nếu trồng cây mỡ, cây keo hay cây quế, người dân chỉ khai thác được một lần, sau đó lại trồng và chăm sóc một quy trình mới. 

Trong khi đó, chỉ sau 5 năm trồng, cây mơ vàng đã cho quả và có thể khai thác được hơn 10 năm. Cây mơ vàng có thể cho thu hoạch 40-50kg quả/cây/vụ.

Thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương rất phù hợp với trồng cây mơ vàng. Trước đây, cây mơ vàng đã được trồng trên địa bàn huyện rất nhiều. Hiện nay, trung tâm đang tiếp tục mở rộng diện tích, dự tính mỗi năm phấn đấu sẽ trồng mới từ 20ha trở lên.

"Tổng diện tích cây mơ vàng cũ và trồng mới trên địa bàn huyện Bạch Thông đang có khoảng trên 100ha, phân bố chủ yếu ở các xã Nguyên Phúc, Quân Hà, Đôn Phong, một số ít rải rác ở các xã còn lại. Riêng năm nay, chúng tôi thực hiện trồng mới được hơn 23ha", anh Thụy cho biết thêm.

Cũng theo anh Lăng Văn Thụy, cây mơ vàng được trồng theo dự án tại huyện Bạch Thông, có nguồn gốc từ Vườn ươm, trại giống Cao Kỳ (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Tại vườn ươm này có những cây bố mẹ đã được công nhận là cây đầu dòng, có đầy đủ giấy tờ liên quan, đảm bảo hợp lệ và yên tâm về chất lượng cây giống.

Vì sao cây mơ vàng được kỳ vọng là cây giúp nông dân Bắc Kạn giảm nghèo bền vững? - Ảnh 2.

Cây mơ vàng được cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Bà Hứa Thị Vy (thôn Ngoàn, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là người đang thực hiện trồng cây mơ vàng dự án theo Nghị quyết của HĐND huyện Bạch Thông. Bà Vy cho biết, gia đình bà mới trồng được 4 tháng, tuy nhiên cây đã lên khá cao, không cây nào bị chết.

"Có hai cây mơ vàng bị tôi lỡ phát trúng khi phát cỏ thì hiện nay tại gốc cũng đã bật mầm, lên nhánh. Cây mơ vàng trước kia ở địa phương nhiều lắm, sau không được giá nên chặt bớt đi, mới trồng lại thôi, giờ có dự án nên người dân cũng yên tâm", bà Vy cho biết thêm.

Bà Triệu Thị Cói (thôn Nà Muồng, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, gia đình bà cũng đang thực hiện trồng cây mơ dự án theo Nghị quyết HĐND huyện Bạch Thông. Nhìn chung, cây mơ vàng của gia đình khỏe mạnh, mọc đều.

"Trong thôn có mấy nhà có cây đã cho thu hoạch, nếu xuống phân đúng kỹ thuật cây sẽ rất sai quả, giá cả mấy năm nay rất ổn định. Chính vì vậy mà nhiều hộ gia đình trong thôn đã tự mua giống cây mơ vàng về trồng. Thực hiện dự án, gia đình tôi rất yên tâm về đầu ra, theo hướng dẫn, chăm sóc tốt thì 5 năm cây sẽ cho quả", bà Cói chia sẻ.

Không chỉ bà Cói, phần lớn các hộ dân đang thực hiện dự án cây mơ vàng tại huyện Bạch Thông đều tin tưởng vào sự sinh trưởng, phát triển cũng như đầu ra của quả mơ vàng. Cây mơ vàng được kỳ vọng sẽ là cây giúp người nông dân giảm nghèo.

Vì sao cây mơ vàng được kỳ vọng là cây giúp nông dân Bắc Kạn giảm nghèo bền vững? - Ảnh 4.

Vì sao cây mơ vàng được kỳ vọng là cây giúp nông dân Bắc Kạn giảm nghèo bền vững? - Ảnh 5.

Công ty TNHH Việt Nam Misaki là nơi sẵn sàng liên kết bao tiêu sản phẩm, đảm bảo nguồn đầu ra ổn định cho quả mơ vàng tại Bắc Kạn.

Ông Hoàng Văn Kiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết, huyện Bạch Thông hiện có khoảng 50ha diện tích cây mơ vàng đã cho quả. 

Những năm gần đây, giá của quả mơ vàng khá ổn định, trung bình từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Nhờ vậy, người trồng mơ vàng trên địa bàn huyện có thu nhập khá tốt. 

Cũng theo ông Hoàng Văn Kiệm, trước đây, có thời gian bà con trên địa bàn huyện chặt bỏ cây mơ vàng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có Công ty TNHH Việt Nam Misaki sẵn sàng ký kết đầu ra cho sản phẩm quả mơ vàng nếu đảm bảo chất lượng. Do vậy, huyện muốn trồng mới, mở rộng thêm diện tích để giúp người dân có thêm thu nhập.

"Tuy là cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, nhưng cây mơ vàng còn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc của người dân. Trước đây, tuy trồng bằng cây ghép, nhưng quá trình thực hiện, người dân không bẻ lộc nên bị chết nhiều. Hiện nay, người dân cũng trồng bằng cây ghép nhưng được hướng dẫn về kỹ thuật nên cây mơ vàng sinh trưởng, phát triển tốt chứ không như một số trồng tự phát trước đó", ông Kiệm cho biết thêm.

Vì sao cây mơ vàng được kỳ vọng là cây giúp nông dân Bắc Kạn giảm nghèo bền vững? - Ảnh 3.

Diện tích đất để thực hiện trồng cây mơ vàng tại huyện Bạch Thông còn khá nhiều, tuy nhiên nguồn lao động đang rất thiếu.

Theo người dân ở đây, nhiều hộ dân muốn phát triển thêm diện tích cây mơ vàng nhưng lại khó thực hiện do thiếu lao động. 

Ông Lăng Văn Thụy nhận định, việc chuyển dịch lao động địa phương ra khỏi tỉnh đang thực sự khiến các hộ làm nông nghiệp gặp khó.

"Nguyên nhân chủ yếu, do phần lớn người đang trong độ tuổi lao động đi làm công nhân cho các công ty tại khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động. Huyện Bạch Thông quỹ đất hiện vẫn còn nhiều, tuy nhiên lao động thực hiện lại đang rất thiếu", Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông bộc bạch.