Phút 39, từ tình huống phản công nhanh, Tấn Tài tắc bóng chuẩn xác ngay trước phần sân của Oman. Hậu vệ mang áo số 13 sút bóng căng khiến thủ môn Oman phải đẩy ra.
Ngay lập tức, Tiến Linh đệm bóng vào gôn trống. Tuy nhiên, sau khi các cầu thủ Việt Nam ăn mừng bàn thắng mở tỷ số, trọng tài dừng trận đấu để xem kỹ lại các góc máy về pha va chạm giữa Tấn Tài và cầu thủ đội chủ nhà. Tình huống tham gia pha tấn công của Công Phượng cũng được xem xét.
Vị vua áo đen người Jordan đã xem rất kỹ tình huống dẫn đến bàn thắng của Tiến Linh. Tuy nhiên, sau khi tham khảo VAR, ông Makhadmeh trở lại sân, ra dấu cho Oman giao bóng và công nhận bàn thắng hợp lệ của ĐT Việt Nam. Theo xác định của trọng tài người Jordan, không có lỗi tranh chấp của Tấn Tài, Công Phượng cũng không việt vị.
Đánh giá về tình huống này, trọng tài FIFA Việt Nam Hoàng Ngọc Hà cho rằng: "Ông Makhadmeh không có lý do gì bắt lỗi ĐT Việt Nam. VAR cũng không thể bắt lỗi được. Đây là bàn thắng hoàn toàn hợp lệ của chúng ta".
Đây là lần thứ 2, ĐT Việt Nam được hưởng lợi từ các quyết định của VAR. Trước đó, tại tứ kết Asian Cup 2019, VAR cũng từng giúp ĐT Việt Nam tránh khỏi quả penalty trong trận đấu với Nhật Bản. Trong khi đó, kể từ vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ĐT Việt Nam có 2 lần chịu bất lợi trước quyết định của VAR.
Đầu tiên là tình huống Duy Mạnh để bóng chạm tay trong vòng cấm dẫn đến quả penalty và trung vệ này phải nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân. Tiếp sau đó là trận đấu với Australia, VAR cũng từ chối quả penalty cho Việt Nam sau tình huống hậu vệ đội khách để bóng chạm tay trong vòng cấm sau cú dứt điểm của Hồng Duy.
Tuy nhiên sau đó, ĐT Việt Nam bắt đầu bất lợi bởi VAR. Phút 49, VAR xác nhận tình huống dàn xếp đá phạt góc thành bàn của Oman nâng tỷ số lên 2-1 là hợp lệ. Đến phút 60, Duy Mạnh khi nhảy lên tranh bóng đã dùng tay va vào mặt cầu thủ Oman dẫn đến việc trọng tài lại tham khảo VAR. Một lần nữa, VAR xác định đó là penalty cho đối thủ.