Tuy đông nhất, nhưng ngặt một nỗi, hiện tại, ngôi làng này có thể xem là vắng nhất, bởi thành phần cư dân chính đều chưa quay lại do dịch bệnh.
Làng gì mà kỳ lạ vậy. Xin thưa rằng, đấy chính là Làng Đại học Thủ Đức.
Làng Đại học Thủ Đức đã trở thành một cái tên không mấy gì xa lạ đối với các bạn học sinh, sinh viên. Bởi vì đây là nơi tập chung các trường đại học danh tiếng hàng đầu của TP.HCM.
Thử điểm danh đã có hàng loạt tên tuổi: Bách khoa, Kinh tế - Luật, Khoa học Tự nhiên, Quốc tế, Công nghệ Thông tin, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Y – Đại học Quốc gia TP.HCM. Các trường như vừa nêu đều thuộc hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ngoài ra còn phải tính thêm 2 trường khác, dù không thuộc hệ thống Đại học Quốc gia, nhưng nằm chung một làng: Đại học Thể dục Thể thao và Đại học Nông Lâm.
Với tầm cả chục trường đại học như thế, làng đại học cũng đâm ra thành ngôi làng trí thức nhất cả nước với vài vạn sinh viên, những hiền tài của đất nước trong tương lai gần.
Kể về cuộc sống sinh viên, có thể nói rằng khó có nơi đâu giàu trải nghiệm như ở đây. Anh Phan Duy (Quảng Ngãi), cựu sinh viên từng ở làng đại học cho biết: "Cuộc sống sinh viên xa nhà quả thật rất áp lực, nhiều cạm bẫy... Sẩy cái là hỏng ngay.
Tôi từng chứng kiến nhiều bạn bè đồng trang lứa đã phải bỏ học vì những lý do hết sức trời ơi: chơi game bỏ học, lo đi làm bỏ học, áp lực kinh tế bỏ học, nghiện ngập bỏ học, sống thử - mang bầu rồi bỏ học. Đủ trăm sắc màu.
Nhưng đọng lại hết là tình cảm anh em bạn bè, ở đây được nghe giọng nói từ mọi miền đất nước, ai cũng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sống có nghĩa có tình... Đến nay, chúng tôi vẫn duy trì các mối quan hệ bạn bè từ hồi học chung".
Đời sống sinh viên khó khăn, vả lại phải bươn chải để chuẩn bị cho giai đoạn ra đời, thành thử rất nhiều sinh viên phải làm thêm. Thậm chí, có anh làm thêm vì cơm gạo, sau thành đam mê, nay đã phất lên từ những công việc làm thêm ngày trước, nghề nghiệp được đào tạo cũng bỏ luôn.
Như anh Trường Giang (33 tuổi) cho biết: "Ngày mới vào trường tôi đã làm đủ công việc. Việc ở làng đại học có rất nhiều. Ăn thua có dám làm không thôi. Đầu tiên là phụ tiệm photocopy, phụ các quán cà phê, quán bi da, quán ăn, quán karaoke.... Sau có vốn liều lĩnh mở luôn cửa hàng photocopy. Dần dà bán thêm cả đồ si đa, mở luôn xe trà sữa.
Đến ngày tốt nghiệp, có mấy đứa cùng trường còn ngớ hết cả người, bảo tôi rằng chẳng hiểu sao thằng cha bán sinh tố lại học chung trường lúc nào không biết. Ra trường, vẫn cứ lề lối kinh doanh đó, mở rộng ra... Không chừng tôi có cuộc đời ở làng đại học thuộc tầm lâu năm nhất. Nay cuộc sống tuy chưa giàu nhưng cũng khá giả".
Bởi buôn bán tấp nập, cần gì cho đời sống sinh viên cũng có, học thêm tiếng Anh, vi tính... cũng rất nhiều, nên thành thử, có ông suốt mấy năm đại học toàn ở trong làng đại học, rất ít khi léo hánh đến khu vực trung tâm. Nên tuy mang tiếng ở Sài Gòn mấy năm trời, nhưng khi vào trung tâm vẫn cứ đi lạc như cơm bữa.
Và ở đây có đặc sản, món ngon không? Có chứ. Chị Hà Giang (Đồng Nai), nay đang làm nghiên cứu sinh ở Đài Loan, hồi tưởng: "Tôi vẫn nhớ rất kỹ từng con phố, ngóc ngách nơi đây. Hàng quán nhớ như in.
Gánh tàu hũ ngon nằm ngay hông Đại học Thể dục Thể thao. Cơm tấm phải ăn ngay chợ nhỏ. Hát karaoke trong cái hẻm đối diện Đại học Khoa học Tự nhiên. Ăn bún bò ngay trước cổng khu G của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Lẩu cá, nhất định phải ghé đường đi bộ ra đại học Nông Lâm.
Ngoài những giờ học, giờ chơi, giới sinh viên còn có một thú vui rất... rùng rợn. Đó là đi vào Hồ đá. Hồ đá vốn là hồ từ những mỏ khai thác đá ngày xưa để lại. Nước rất trong, cảnh rất đẹp nên bồ bịch tình tứ cứ kéo nhau vào đây hà rầm.
Nhưng hãi nhất là vụ tắm hồ, hồ trong này như có huông, có giai đoạn cứ vài tháng lại có người thiệt mạng vì chuyện tắm hồ. Thậm chí, có thời điểm, khu vực Hồ đá từng được xem như một trong những địa điểm đáng sợ nhất ở TP.HCM.
Còn khi nào làng đại học mới vui nhất? Theo anh Khắc Hảo (cựu sinh viên), "Có lẽ đó là lúc trong ký túc xá tổ chức ca nhạc, các sinh viên của các đại học, bạn bè của họ, cùng những người dân địa phương kéo về xem.
Ở tỉnh, biết danh ca sĩ nổi tiếng, nhưng sinh viên nào có tiền đi xem họ biểu diễn ở các sân khấu? Chỉ đợi khi mở những đêm ca nhạc mời ca sĩ về mới có cơ hội xem.
Sau khi tàn buổi diễn, bạn bè thân mật ngồi lại bên nhau trong những quán xá xập xệ, uống những ly rượu pha cồn hoặc bia hơi quán tự chế... Xỉn quay quắt, nôn muốn chết nhưng quả thật không thể nào quên được".
Nay phóng xe lượn một vòng khu làng đại học, thấy các trường đều cửa đóng then gài. Thầm cầu mong một ngày không xa, dịch bệnh đi qua, sinh viên trở lại, để nhịp sống của ngôi làng trí thức được trở lại với nhịp sống vốn có.