Cũng bởi vì lý do ấy nên chị Bùi Thị Hằng đã đích thân dẫn tôi đến nhà bà Hồ T. T. (70 tuổi) ở bản A Rông Dưới, xã A Ngo, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) để tìm hiểu thông tin liên quan đến "bùa yêu", "thuốc thư".
Dù có người quen đi cùng, bà T. vẫn khá dè dặt khi đề cập đến câu chuyện về “bùa yêu”, “thuốc thổi”. Theo bà T. từ thuở lập bản, lập làng, đồng bào dân tộc Pa Kô đã biết dùng lá, rễ, thân cây rừng để bào chế thành nhiều bài thuốc chữa bệnh cứu người.
Trong muôn vàn loài cây, muông thú của rừng già Trường Sơn có nhiều loại có thể được dùng làm “bùa yêu”. Đơn cử như loài cây A Bét Ân Nang.
Thân, rễ, lá của loài cây này được phơi khô, tán nhuyễn thành bột, gọi là “bùa yêu”. Khi những chàng trai, cô gái đồng bào dân tộc Pa Kô không lấy được vợ hoặc chồng do khó nghèo hoặc nhiều nguyên nhân khác, họ thường tìm đến những người sở hữu loài cây A Bét Ân Nang để xin “bùa yêu”.
Sau khi xin được “bùa yêu” chàng trai hoặc cô gái người đồng bào dân tộc Pa Kô sẽ bí mật bỏ vào thức ăn, nước uống hoặc trong tẩu hút thuốc của đối tượng mà họ muốn thành vợ, thành chồng.
Người bị bỏ “bùa yêu” sẽ yêu cuồng si và không thể nào quên được người bỏ bùa” trong suốt cuộc đời. Còn muốn hóa giải được “bùa yêu” thì phải tìm kiếm chiếc máng cho lợn ăn được làm bằng gỗ. Chiếc máng gỗ sau khi rửa sạch thức ăn của lợn, sẽ được đổ đầy nước sạch.
Sau đó, chính người bỏ “bùa yêu” sẽ đọc câu thần chú hóa giải, còn người bị bỏ “bùa yêu” phải soi mặt mình vào chiếc máng bằng gỗ cho lợn ăn.
Ông Hồ Lô, bản A Rông Dưới (xã A Ngo, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị) thường xuyên đi tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu - Ảnh: S.H
Việc hóa giải “bùa yêu” sẽ chấm dứt khi người bị bỏ “bùa yêu” không còn cảm thấy nhớ nhung người bỏ “bùa yêu”. “Có điều, cây A Bét Ân Nang dùng làm “bùa yêu” tôi chỉ nghe người già ở bản A Rông Dưới kể lại chứ chưa nhìn thấy bao giờ.
Câu chuyện về loài cây này tôi được nghe người già (nay đã mất) ở bản A Rông Dưới kể lại. Cũng có thể, hiện tại ở nhiều bản, làng khác có người biết đến loài cây dùng làm “bùa yêu” này chứ ở bản A Rông Dưới thì hầu như không ai biết”, bà T. nói.
Dưới những mái nhà sàn nâu cũ ở các bản, làng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nằm tựa lưng vào núi rừng Trường Sơn vẫn còn nương náu bao câu chuyện huyền bí về nhiều loại cây rừng, muông thú có thể trở thành “bùa yêu”, “thuốc thổi”. Những ngày lang thang ở các bản, làng vùng cao huyện Đakrông, Hướng Hóa, tôi từng được nghe người dân nơi đây kể về những câu chuyện ấy với nhiều điều thực, hư... |
Khi tôi hỏi về bài “thuốc thổi” được xem là phương thuốc bí truyền từ xa xưa để lại, bà T. cho biết, mấu chốt của bài thuốc này là ở câu thần chú được cha ông bí mật truyền khẩu lại. Và mỗi bản, làng thường có 1 - 2 người được chọn để truyền lại câu thần chú cũng như phương pháp chữa bệnh.
Người sở hữu bài “thuốc thổi” cũng chỉ được phép tiếp tục truyền lại cho 2 người trong bản. Tùy vào năng lực học hỏi của mỗi người mà công năng trị bệnh của bài thuốc có phần khác nhau.
Để học được câu thần chú, người học phải mất khoảng nửa năm và thường xuyên ôn luyện vào những đêm trăng sáng trong tháng.
Còn chiếc lá A Tuôn (hay có tên gọi khác là lá từ bi) dùng để xoa bóp, chà xát lên vị trí vết thương khi “thổi thuốc” là loại lá không khó để tìm. Đây là loài cây có lá sum suê, mùi hơi khó chịu và thường mọc trong rừng sâu. Những năm gần đây, để khỏi phải mất công luồn rừng, lội suối đi tìm lá A Tuôn, những người sở hữu bài “thuốc thổi” đã đem về ươm trồng trong vườn nhà.
Ngoài ra, những người sở hữu bài “thuốc thổi” phải kiêng ăn thịt gà rừng, thịt chó, thịt các loại thú dữ trong rừng… cùng nhiều điều cấm kỵ khác. Người sở hữu bài “thuốc thổi” nếu vi phạm các điều cấm thì ngay lập tức bài thuốc sẽ không còn công hiệu trong chữa bệnh. Cũng bởi, khi học bài “thuốc thổi” có quá nhiều điều cấm khắt khe cũng như sự chọn lựa người học rất nghiêm ngặt nên hiện tại có rất ít người sở hữu bài thuốc này.
Bãi đất trống trước nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô tại xã A Ngo, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị là nơi ngày xưa những người sở hữu “bùa yêu”, “thuốc thổi” bí mật thử thuốc trong các dịp lễ hội - Ảnh: S.H
Để tôi hiểu về cách chữa bệnh bằng bài “thuốc thổi”, bà T. giới thiệu, ví như khi có người bị gãy tay đến nhờ, người sở hữu bài “thuốc thổi” sẽ dùng một chai rượu trắng, một cây đèn cầy và nắm lá A Tuôn. Người này sẽ hớp một ngụm rượu phun lên vị trí cánh tay bị gãy, sau đó lấy nắm lá A Tuôn hơ qua ngọn lửa đèn cầy cho mặt lá vừa đủ ấm rồi chà đi, xát lại nắm lá A Tuôn lên cùng vị trí đó, miệng lẩm nhẩm đọc câu thần chú.
“Có nhiều trường hợp bị gãy chân, tay hoặc bị thương... đã được chữa lành bởi bài “thuốc thổi” này. Ngày xưa, bệnh nhân phải mang theo 1 con gà, 1 chai rượu, 8 đồng bạc trắng đến nhà người sở hữu bài “thuốc thổi” để nhờ chữa bệnh, còn bây giờ nếu chữa lành bệnh thì tùy tâm bệnh nhân”, bà T. cho hay.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu tôi có dịp chuyện trò với ông Hồ Đ. D. ở bản Kỳ Ne, xã A Ngo để rồi biết thêm, ngoài “bùa yêu”, “thuốc thổi” ngày xưa ở nhiều bản, làng vùng cao Đakrông còn có một số người sử dụng “thuốc thư” được chế biến từ cây rừng, muông thú để làm hại người khác.
“Tuy nhiên hiện giờ ở các bản, làng của xã A Ngo không còn ai nhớ đến loại “thuốc thư” hại người ấy nữa. Tất cả đã trở thành quá khứ mà đồng bào dân tộc Pa Kô ở xã A Ngo không muốn nhớ đến”, ông D. nói.
Khi nghe tôi nhắc đến “bùa yêu”, “thuốc thư”, ông Hồ Lô (89 tuổi) ở bản A Rông Dưới (xã A Ngo, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị) cho rằng, ngày xưa “bùa yêu”, “thuốc thư” là có thật trong đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Còn hiện tại có còn “bùa yêu”, “thuốc thư” hay không là rất khó để kiểm chứng, bởi chỉ nghe người dân ở các bản, làng của huyện miền núi Đakrông rỉ tai nhau chuyện người này bị “bùa yêu”, người kia bị “thuốc thư”.
Ông Hồ Lô nhớ lại, từ năm 1988 đến năm 2010, ông được người dân xã A Ngo tín nhiệm giao phó các chức vụ như: Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch HĐND xã, Bí thư Đảng ủy xã A Ngo. Năm 2010, ông chính thức nghỉ hưu theo chế độ. Gần 22 năm làm lãnh đạo xã A Ngo, dấu chân ông đã in khắp các bản làng như: bản La Lay, A Đeng, A Rông Trên, A Rông Dưới, A La, A Ngo, Kỳ Ne của xã A Ngo để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, trong đó có việc sử dụng “bùa yêu”, “thuốc thư” trong đời sống.
“Đến bây giờ, trên địa bàn xã A Ngo hầu như “bùa yêu”, “thuốc thư” đã bị loại ra khỏi đời sống của đồng bào dân tộc Pa Kô. Riêng đối với bài “thuốc thổi”, có thể mấy chục năm trước người dân các bản, làng của xã A Ngo sống trong điều kiện thiếu thốn thuốc men, thiết bị y tế nên đó là phương thuốc để chữa bệnh của dân bản.
Những năm trở lại đây, sau khi được tuyên truyền, vận động, đồng bào dân tộc Pa Kô ở các bản, làng khi ốm đau, bệnh tật đều đến trạm y tế xã để được y bác sĩ khám chữa bệnh. Chỉ còn lại một số ít dân bản còn dùng đến bài “thuốc thổi””, ông Hồ Lô đã khẳng định với tôi như vậy khi tôi theo chân ông cùng cán bộ xã A Ngo đi vận động người dân bản A Rông Dưới xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu.