Thời điểm này, cũng như các môn thể thao khác, ĐT đấu kiếm Việt Nam với 19 tuyển thủ kiếm chém, kiếm liễu nam nữ, kiếm 3 cạnh nữ (đội kiếm 3 cạnh nam tập trung tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM) đang bước vào giai đoạn tập luyện nước rút chuẩn bị cho SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia vào tháng 5 tới.
Khác với vẻ tất bật như các kỳ SEA Games trước trong vai trò HLV trưởng ĐT đấu kiếm Việt Nam, lúc này, ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội dành nhiều thời gian hơn để uốn nắn lứa trẻ, năng khiếu (sinh năm 2008, 2009), và lớp "hậu duệ" sinh năm 2011, 2012 kế cận trong tương lai cho đấu kiếm Việt Nam.
Ông Tuấn chia sẻ, nhờ có được 2 chuyên gia người Nga có trình độ giỏi cộng với lứa HLV đều xuất phát từ VĐV đời đầu của đấu kiếm Việt Nam, từng giành nhiều HCV quốc tế như Nguyễn Lê Bá Quang, Nguyễn Thị Thủy Chung (kiếm chém), Nguyễn Tiến Việt, Bùi Văn Thái, Nguyễn Thị Tươi, Nguyễn Thị Nguyệt (kiếm liễu), Hạ Thị Sen (kiếm 3 cạnh)... nên công tác chuyện môn ở đội tuyển cũng tạm yên tâm.
"Điều đáng mừng nhất là so với lứa của tôi, thế hệ VĐV ngày nay có thể hình tốt hơn, lực lượng dày hơn với nhiều VĐV trẻ tiềm năng có thể kế cận, khoác áo ĐTQG trong khoảng 4-5 năm tới", Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết.
Theo ghi nhận của Dân Việt, phòng tập đấu kiếm khá rộng, có khoảng 20 đường đấu cho tổng số 99 VĐV, trong đó có cả VĐV đội tuyển, VĐV Hà Nội, các tuyến trẻ... tập luyện, thi đấu cọ xát, học hỏi lẫn nhau.
"Việc được chứng kiến, tập luyện cùng các VĐV ĐTQG cũng giúp các VĐV trẻ có động lực thi đấu, ước mơ một ngày có thể được thi đấu tại 1 kỳ SEA Games", ông Tuấn chia sẻ.
Một chi tiết mà có lẽ chỉ có ở ĐT đấu kiếm Việt Nam mới có là rất nhiều HLV vốn là các cựu tuyển thủ trước đây đã hướng cho con mình theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp từ khi mới 11-12 tuổi.
HLV kiếm chém Nguyễn Lê Bá Quang (một trong những người giành HCV đầu tiên trong lịch sử đấu kiếm Việt Nam SEA Games 2003 nội dung đồng đội kiếm chém nam) chia sẻ với Dân Việt:
"Đấu kiếm đã ăn vào máu mình rồi. Hơn 20 năm theo đuổi đam mê từ khi còn là VĐV và giờ là HLV, tôi cũng muốn con mình có thể nối nghiệp.
Từ khi các cháu còn nhỏ, tôi đã đưa các cháu tới phòng tập theo dõi các anh chị tập luyện và bố huấn luyện vào những dịp nghỉ lễ, thử 7, Chủ Nhật. Những chuyến tập huấn của đội ví dụ như ở Tam Đảo, các cháu cũng được đi theo.
Lâu dần cả 2 con tôi đều thích và muốn tập đấu kiếm. Các cháu đã được tôi xin vào học ở trường năng khiếu thể thao Hà Nội để thuận lợi cho việc vừa học văn hóa, vừa tập thể thao"
Quan sát thấy bố đang trò chuyện cùng Dân Việt, cô bé Nguyễn Ngọc Nhi (sinh năm 2012) chạy tới, ôm bố tình cảm và chào khách: "Con bé tình cảm lắm! Mình là VĐV, rồi khi là HLV cũng xa nhà biền biệt, ít có thời gian chăm sóc gia đình và con, tất cả đều một tay vợ lo cả.
Bây giờ cháu đi tập đấu kiếm cũng tốt, mình vừa có thời gian huấn luyện, vừa có thể để ý, quan tâm, kèm cặp con. Cháu Nhi giờ đã cao gần 1,60m rồi. Còn anh trai hơn 1 tuổi, Nguyễn Đức Cương thì đã cao hơn 1,60m, các cháu đều theo học kiếm chém giống bố khi xưa", HLV Nguyễn Lê Bá Quang vui vẻ bộc bạch.
Theo dòng chia sẻ, HLV Nguyễn Lê Bá Quang còn cho biết không chỉ anh, mà nhiều cựu VĐV nay là HLV cũng cho con mình tập kiếm từ nhỏ và đều đã xin cho các cháu vào học tập tại Trường năng khiếu thể thao Hà Nội.
Cùng tập kiếm chém với Đức Cương, Ngọc Nhi còn có cháu Nguyễn Thị Nhã Khanh (sinh năm 2012) con của vợ chồng cựu VĐV đấu kiếm Trịnh Thị Lý - Nguyễn Văn Định, con trai cựu kiếm thủ Nguyễn Đình Thuân...
Lớn nhất trong số các "hậu duệ" là kiếm thủ trẻ Bùi Anh Đức (sinh năm 2009, cao 1m78, con trai của cựu VĐV, HLV Bùi Văn Thái).
Được đấu tập với các anh ở ĐT kiếm liễu Việt Nam sắp đi dự SEA Games 32 nhưng Bùi Anh Đức tỏ ra rất tự tin. Chia sẻ với Dân Việt, Bùi Anh Đức nói:
"Từ nhỏ cháu đã được bố đưa đi xem các anh chị thi đấu tại các giải trẻ nên rất thích, xin bố cho đi tập luyện. Cháu tập được 3 năm rồi nhưng thực sự cầm kiếm mới khoảng hơn 1 năm do thời gian 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Cháu đã được thi đấu giải trẻ năm ngoái nhưng chưa giành được huy chương. Cháu sẽ cố gắng hơn, vừa học tập tốt ở trường, vừa tập luyện tốt".
Về phần mình, HLV Bùi Văn Thái bày tỏ lý do để cậu con một của mình theo nghiệp đấu kiếm: "Tôi nghĩ tính cách hình thành do thói quen. Rèn luyện thể thao lâu ngày giúp các cháu có thể chất tốt, hình thành tính cách luôn cố gắng, có ý chí để vượt qua khó khăn.
Ở cháu Anh Đức có niềm đam mê và rất ý chí, nỗ lực. Tôi hy vọng trong khoảng 4-5 năm nữa, cháy có thể đứng trong hàng ngũ ĐT đấu kiếm Việt Nam".
Phía trước, lứa "hậu duệ" đấu kiếm Việt Nam sẽ còn phải trải qua một hành trình gian nan với nhiều thử thách để từ một VĐV năng khiếu trở thành một VĐV trẻ tài năng và sau đó là một VĐV ĐTQG.
Nhưng cách suy nghĩ, cách làm của các cựu VĐV, HLV đấu kiếm cũng là một gợi ý rất hay cho các môn thể thao khác.
Khi chính các cựu VĐV, các HLV mạnh dạn hướng con mình theo nghiệp thể thao; thì việc xã hội hóa một môn thể thao cụ thể nào đó, ví dụ như đấu kiếm sẽ có bước đột phá, nhận được niềm tin từ các bậc phụ huynh!