Đó là chia sẻ của các "sếp" ngân hàng thương mại tại Hội nghị Sơ kết hoạt động Ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, vừa diễn ra.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Vinh - TGĐ VPBank chia sẻ, bản thân ngân hàng như VPBank rất hưởng ứng các chỉ đạo của NHNN trong thời gian qua.
Ông Vinh nói, nếu so sánh với đỉnh cao của thanh khoản vào cuối năm ngoài và đầu năm nay lãi suất huy động lên tới 10% thì đến nay đã giảm. Ngân hàng cũng chấp nhận giảm lãi suất qua việc giảm lãi suất, một số ngân hàng quốc doanh lớn giảm tới 2.000 tỷ đồng, VPBank cũng đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng với mức giảm lãi suất từ 2 – 3%.
Tại ACB, theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát, thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, ACB đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn như, đa dạng kênh huy động, nỗ lực giảm lãi suất huy động bình quân; Tiết kiệm các chi phí hoạt động.
Kết quả, ACB đã tiết kiệm được hơn 500 tỷ trong 6 tháng đầu năm so với kế hoạch ban đầu; chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống mức gần 30%.
Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều thách thức do lãi suất huy động bình quân không giảm, thậm chí tăng trong 6 tháng đầu năm dù NHNN đã 4 lần hạ các mức lãi suất điều hành và hệ thống ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động. ACB đã 10 lần giảm lãi suất huy động.
Bên cạnh đó, ACB đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho người vay, bao gồm: Chương trình cho vay ưu đãi 30 ngàn tỷ, giảm tối đa 3% so với biểu lãi suất; Giảm từ 0,5%- 2% lãi suất cho khách hàng hiện hữu. Tổng số tiền lãi vay giảm cho khách hàng dự kiến trong năm 2023 của ACB cũng lên tới 1.000 tỷ đồng.
"ACB ý thức rất rõ, để kinh doanh bền vững phải hài hòa được lợi ích xã hội, giữa người gửi tiền, người vay và ngân hàng nên giảm được lãi suất cho vay là nhiệm vụ tối quan trọng trong thời điểm này. Chỉ có giảm được lãi suất cho vay mới đảm bảo được tăng trưởng tín dụng, giảm nguy cơ nợ xấu phát sinh, duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng vay và đặc biệt góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển. Theo đó, ACB sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh", Tổng Giám đốc ACB cho hay.
Tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước như Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, đóng góp vào kết quả chung của ngành trong 6 tháng qua, VCB tiếp tục giữ vững được chất lượng và hiệu quả hoạt động; đặc biệt là tiếp tục tiên phong triển khai có hiệu quả các định hướng, chính sách của Chính phủ và NHNN.
Tính đến hết tháng 6 năm 2023: Huy động vốn, tín dụng của VCB tăng trưởng lần lượt 6,6%, 2,6%; đạt quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng; Chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 350%.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, Vietcombank đã chủ động chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể: Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo phương châm an toàn, hiệu quả. Ngay từ đầu năm đã phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức ~13% và đây là một KPI trọng yếu bên cạnh KPI về kiểm soát chất lượng tín dụng.
Triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động, quản trị thanh khoản hiệu quả phù hợp với diễn biến của thị trường, tạo dư địa để hạ mặt bằng lãi suất cho vay và duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp nhất thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã tiên phong thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lũy kế đến hết 30/06/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 87% tổng dư nợ của Vietcombank.
VCB đang nghiên cứu số hóa toàn bộ quy trình cho vay khách hàng cá nhân nhỏ lẻ để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
"Trong thời gian tới đây, Vietcombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về việc đơn giản hóa và số hóa quy trình cho vay, tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và đầu tư", ông Tùng nói.
Tương tự, tại BIDV, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho hay, BIDV đã rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hóa và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hoá, đặc biệt xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức phương tiện điện tử… Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; Thu hút các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay (cả cho vay mới và vay cũ).
Kết quả, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm - 1,5%/năm. Từ ngày 11/05/2023, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế với mức giảm từ 0,3%/năm - 0,8%/năm.
BIDV tích cực, kịp thời triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay của Chính phủ, NHNN. Trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV đã có 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay từ 1,1-1,3%/năm
"Các giải pháp tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2023, BIDV sẽ tập trung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, tiếp tục đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục ưu tiên tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN; tiếp tục rà soát các quy trình, nghiệp vụ, gia tăng hạn mức công nghệ, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tiếp tục tiết giảm các chi phí, để giảm thiểu lãi suất cho vay; tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất…"Chủ tịch BIDV cho biết.
Trong thời gian tới, ông Phan Đức Tú đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường vốn. Bởi để tăng khả năng phục hồi cho nền kinh tế cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả cung và cầu, thực hiện chính sách tài khóa mạnh mẽ, mở rộng, giảm áp lực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các kế hoạch kinh doanh.
Ông cũng đề xuất Chính phủ, NHNN tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước. Đây cũng là mong mỏi của các ngân hàng quốc doanh khác như Agribank, VietinBank,…
Ngoài ra, tăng cường tạo niềm tin thị trường, theo đó tăng cường phổ biến các kiến thức về hoạt động kinh doanh, về tài chính – ngân hàng, để tạo ra sự hiểu biết chung, chia sẻ cơ hội, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia các thị trường, các hoạt động đầu tư, mua bán chứng khoán, bảo hiểm…
Ông Nguyễn Đức Vinh - TGĐ VPBank thì bày tỏ quan điểm, bên cạnh những thuận lợi thì cũng có nhiều vướng mắc bản thân ngành Ngân hàng không thể tự giải quyết được và rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành.
Thứ nhất khi kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng thì có hỗ trợ không? Thực tế chính sách hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp khỏe, trong khi toàn nền kinh tế có đến 70-80% doanh nghiệp đang gặp khó. Bài toán này cần đặt vấn đề ngược lại với các cơ quan nhà nước về ban hành chính sách chứ ngân hàng không thể là "kho tiền" để an sinh xã hội.
"Hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai", ông Vinh nói.
Để giảm lãi suất, theo Tổng Giám đốc VPBank gốc rễ không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở thị trường. Nếu chúng ta không giữ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định… thì sẽ rất khó.
Đối với hỗ trợ tài chính tiêu dùng, nhu cầu của người dân là có nền cần chính sách để triển khai hết các hình thái cho vay tiêu dùng để khắc phục việc suy giảm tiêu dùng của người dân trong thời gian qua.
Ngoài ra, cần có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng. Hiện ngân hàng cho vay cũng đang chịu nhiều rủi ro nhất, do đó cơ quan quản lý cũng cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ, ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ.