Đi dọc trên tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy ở những căn nhà hai bên đường đều trồng rất nhiều hoa ngũ sắc bung nở rực rỡ.
Trong cuộc trò chuyện với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Trần Đức Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) cho hay, phong trào trồng hoa ngũ sắc tại đây bắt đầu từ năm 2015. Chỉ tính riêng tại thôn Phú Quang, nhà ít nhất cũng trồng được vài trăm chậu, có nhà trồng lên đến cả ngàn chậu.
Qua sự giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Tấn Phúc (trú tại thôn Phú Quang, xã Ia Hrú). Đây là một trong những người đầu tiên trồng hoa ngũ sắc của thôn.
Dẫn phóng viên Báo điện tử Dân Việt đi thăm vườn hoa, ông Phúc kể, từ năm 2015, trong một lần vào Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) để thăm người nhà, ông Phúc thấy trong khuôn viên của bệnh viện trồng rất nhiều hoa ngũ sắc.
Mỗi cây đều được trồng trong chậu, tạo hình đẹp mắt với nhiều màu sắc, hương thơm khác nhau. Từ đó, ông Phúc đã nảy sinh ý định trồng hoa ngũ sắc trong vườn nhà mình.
Tuy nhiên, ông vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lai ghép. Do vậy, ông đã lên mạng tìm hiểu về công việc lai ghép cây bonsai ngũ sắc.
"Hoa ngũ sắc là một loài hoa dại vốn mọc ven đường và trên các triển đồi nên ít người biết tới. Mặc dù là loài hoa dại nhưng nó lại có màu sắc rực rỡ, thân cành dễ tạo dáng bonsai nên ở một vài địa phương, người chơi cây cảnh đã đem về lai tạo, cắt ghép làm cảnh rồi bày bán. Chính vì vậy, tôi đã quyết định theo đuổi trồng loại cây dại này", ông Phúc cho hay.
Nghĩ là làm, ông Phúc đi tìm mua những phôi (gốc) ở các tỉnh miền núi phía Bắc rồi về ghép với các giống hoa ngũ sắc của Thái Lan, Trung Quốc.
Sau đó, người đàn ông này tiến hành tạo dáng thế, cắt tỉa và chăm sóc để tạo thành những chậu bonsai tuyệt đẹp. Mỗi loại hoa của ông đều có những hương thơm đặc biệt cuốn hút người chơi.
Đến nay, khu vườn của ông Phúc có hơn 1.200 chậu hoa ngũ sắc các loại với nhiều màu độc lạ như đỏ đô, hồng tuyết, tím tuyết, vàng nghệ…với nhiều dáng thế độc, lạ. Chậu thấp nhật có giá khoảng 400 ngàn đồng, còn cao nhất lên đến 8 triệu đồng. Những chậu hoa này của ông Phúc chủ yếu phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán.
Cũng tại thôn Phú Quang (xã Ia Hrú), ông Trần Minh Tuấn hiện đang sở hữu hơn 1.000 chậu hoa ngũ sắc các loại. Tuy là một giáo viên nhưng tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông Tuấn lại mày mò lai ghép và chăm sóc vườn hoa ngũ sắc. Hiện ông đang sở hữu hơn 1.000 chậu hoa ngũ sắc các loại.
"Hoa ngũ sắc rất dễ trồng và chăm sóc, ít bị sâu bệnh, chỉ cần để hoa ở nơi nhiều ánh sáng, chú ý tưới nước và bón chút phân và cắt tỉa.
Loài hoa này có nguồn gốc hoang dại nên sức sống mãnh liệt và cho ra hoa quanh năm. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu về khoảng hơn 300 triệu đồng từ việc bán hoa ngũ sắc, trong đó thu nhập nhiều nhất là vào dịp Tết", ông Tuấn cho hay.
Từ sự phát triển mạnh của phong trào trồng hoa ngũ sắc ở xã Ia Hrú, vào năm 2022, Hội Nông dân huyện Chư Pưh đã thành lập nên chi hội nghề nghiệp trồng hoa ngũ sắc tại đây với 50 thành viên.
Mục đích của chi hội là liên kết để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, các thành viên của chi hội cũng đã xây dựng được một địa điểm check-in trên Google maps với tên gọi Làng hoa ngũ sắc để mọi người có thể tìm đến.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Trần Đức Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh cho hay: "Gần 10 năm, phong trào chơi hoa ngũ sắc tại xã Ia Hrú đã phát triển mạnh mẽ. Với sự khéo léo và tài hoa, bà con đã tạo ra những chậu hoa có dáng thế đẹp, độc đáo và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân tham gia chi hội và hỗ trợ họ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (nếu ai có nhu cầu) để phát triển kinh tế.
Hội Nông dân huyện Chư Pưh đã ký hợp đồng với Bưu điện huyện để đưa sản phẩm hoa ngũ sắc lên sàn giao dịch thương mại điện tử (Postmart) nhằm giới thiệu và quảng bá đến mọi người".
CLIP: Ngắm vườn hoa ngũ sắc- loại cây cảnh đang hot trồng tại thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai). Thực hiện: Hoàng Lộc