Việt Nam được đánh giá là đất nước có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó riêng xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đem về cho đất nước hơn 17 tỷ USD (năm 2022), trong đó xuất siêu đạt tới 14,8 tỷ USD.
Theo con số thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích rừng hiện nay của Việt Nam khoảng 14,74 triệu ha, trong đó rừng trồng khoảng 4,57 triệu ha (31%), rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha (69%). Trong số diện tích rừng trồng, có khoảng 3,146 triệu ha đất lâm nghiệp được giao cho 1,4 triệu hộ quản lý. Việc giao đất cho các hộ đã và đang đem lại những lợi ích quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường, bởi các hộ đều tiến hành đầu tư trồng rừng khi có đất, góp phần làm tăng độ che phủ của rừng.
Chính sách về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai kịp thời đã đẩy mạnh cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư của người dân, doanh nghiệp vào trồng rừng và chế biến lâm sản. Từ đó đã giúp nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ổn định môi trường; giúp đánh thức các tiềm năng còn ẩn giấu dưới tán rừng. Hình thành được vùng nguyên liệu gỗ tập trung gắn với công nghiệp chế biến gỗ, với các mối liên kết giữa doanh nghiệp thu mua chế biến gỗ với người dân trồng rừng.
Tuy nhiên, so với nhiều ngành nghề nông nghiệp khác thì đời sống người dân trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp; người dân vẫn "thụ hưởng" từ rừng là chính, chưa có nhiều đầu tư xứng đáng và lâu dài cho rừng.
Trồng rừng phải mất nhiều năm mới được thu hoạch, trong khi cơ chế chính sách, mức đầu tư cho trồng rừng, chăm sóc, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh hiện còn thấp, chưa khuyến khích được người dân tham gia đầu tư trồng, bảo vệ rừng.
Việc thu hút, huy động các nhà đầu tư tư nhân tham gia chuỗi sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn, phát triển lâm đặc sản chưa được quan tâm. Công tác bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn, ở đâu đó vẫn xảy ra các vụ chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng…
Trong khi đó, đòi hỏi của thị trường gỗ và lâm sản xuất khẩu ngày càng cao, yêu cầu gỗ khai thác phải có truy xuất nguồn gốc, đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững…, nhưng thực tế việc triển khai và cấp chứng chỉ rừng bền vững còn chậm; một số nơi người dân, doanh nghiệp còn lúng túng, chưa thực sự ý thức được lợi ích và sự cần thiết phải trồng rừng bền vững, các mối liên kết trong chuỗi giá trị nguyên liệu rừng còn mờ nhạt…
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, rừng không chỉ đem lại giá trị về kinh tế mà còn đem lại giá trị về môi trường và xã hội, đặc biệt đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho người dân sinh sống tại khu vực có rừng, thông qua đó để tổ chức lại cộng đồng. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng sẽ đạt từ 42-43%, giá trị sản xuất tăng từ 5 - 5,5%. Đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 18-20 tỷ USD, năm 2030 đạt 23-25 tỷ USD.
Nhằm tạo diễn đàn tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng theo hướng đa giá trị, khai thác hiệu quả các giá trị từ rừng, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm gỗ bền vững và thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp đã đề ra…, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến chủ đề "Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu".
Buổi tọa đàm sẽ diễn ra tại Hà Nội vào 9h sáng, ngày 7/11/2023 tại phòng họp trực tuyến, trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt. Kính mời quý độc giả và bà con nông dân quan tâm tới chủ đề trên gửi câu hỏi, ý kiến cho các vị chuyên gia, nhà quản lý theo địa chỉ email: hueeconomic@gmail.com. Điện thoại đường dây nóng: 0987102984.