Nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nắm rõ các quy định của Luật, các hoạt động bình đẳng giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của người phụ nữ, hàng năm Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đều thực hiện việc cụ thể hóa các văn bản, chỉ thị về bình đẳng giới do cấp trên phát động.
Đồng thời, thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025", Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 23 cuộc với 2.290 người dự; tọa đàm 12 cuộc với 920 người dự và triển khai 8 mô hình điểm trên địa bàn xã vùng DTTS.
Ban Dân tộc còn phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ người DTTS phát triển toàn diện. Nhiều tấm gương phụ nữ nỗ lực đạt thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được biểu dương, tôn vinh thông qua các giải thưởng, danh hiệu cao quý. Qua đó, đã khẳng định vai trò và sự đóng góp to lớn của phụ nữ, cũng như truyền cảm hứng, khích lệ cho phụ nữ tiếp tục phấn đấu hoàn thiện phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Riêng về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, thời gian qua đã thực hiện rất tốt Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021–2030.
Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh xây dựng chương trình truyền thông hình thức biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền vận động tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội và tham gia mô hình xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", gia đình "5 có, 3 sạch"; xây dựng mô hình truyền thông sân khấu hóa tại huyện Trà Cú với nội dung "tìm lại hạnh phúc".
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan tổ chức cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi....
Được biết, tỉnh Trà Vinh hiện có trên 538.600 phụ nữ, trong đó người dân tộc Khmer có trên 163.400 người, người dân tộc Hoa trên 3.100 người,...
Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 33,33%; tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đạt 30,61%, đại biểu HĐND huyện, thị xã, thành phố đạt 32,40%; đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn đạt 25,17%, đặc biệt tỉnh Trà Vinh có 2 nữ dân tộc Khmer trong Ban chấp hành Tỉnh ủy.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều phụ nữ DTTS ở vùng sâu, vùng xa vươn lên làm kinh tế giỏi, làm chủ doanh nghiệp. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và giáo dục, phụ nữ DTTS cũng đạt được nhiều thành tích nhất định, nhiều chị em đã trở thành những nhà giáo dục có uy tín và cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng.
Những kết quả nói trên thể hiện sự quan tâm cụ thể, thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS, xác định phụ nữ DTTS là một trong những nguồn nội lực làm nên sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đề xuất các ngành, các cấp cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt trong việc hỗ trợ phụ nữ DTTS.
Cụ thể là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp.
Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng cơ sở pháp lý và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các điều kiện để phụ nữ tiếp cận đầy đủ và bình đẳng giới các nguồn lực kinh tế (đất canh tác, các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách), bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất - kinh doanh.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách an sinh, chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" giai đoạn 2021- 2025, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Đào tạo bồi dưỡng cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật về bình đẳng giới là người DTTS và người có uy tín trong đồng bào DTTS, đồng thời, phát triển rộng rãi mạng lưới cộng tác viên trong các hoạt động về bình đẳng giới, nhất là những cơ sở có đông đồng bào DTTS.
Phát huy không gian sinh hoạt văn hóa ở cơ sở, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS để phụ nữ, trẻ em tham gia vui chơi, giải trí, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.