Tối 30/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ 7 nhằm tôn vinh các các cơ quan thông tấn, báo chí và các nhà báo có những đóng góp tiêu biểu trong thông tin, tuyên truyền cho công tác quản lý nhà nước cho ngành.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, giải thưởng được tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm vinh danh những nhà báo có thành tích xuất sắc, luôn sẵn sàng và đồng hành trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng góp phần vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển bền vững đất nước.
Ban tổ chức giải thưởng lần thứ 7 đã nhận được 429 tác phẩm dự thi với 940 bài viết, phóng sự của trên 300 tác giả, nhóm tác giả thuộc 4 loại hình: báo điện tử, báo in, phát thanh và truyền hình, trong đó có nhiều bài viết nhiều kỳ, loạt bài.
Đặc biệt, các tác phẩm dự thi năm nay trọng tâm vào công tác triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024; ứng phó với thiên tai khắc nghiệt; không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế; sử dụng bền vững tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước và các chủ trương, chính sách để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050…
Sau nhiều vòng, Hội đồng chung khảo đã chọn được 36 tác phẩm đoạt giải để vinh danh tại lễ trao giải. Trong đó, loạt bài "Xẻ thịt "nàng tiên cá", mổ bụng moi trứng rùa biển" của nhóm tác giả Đỗ Doãn Hoàng và Hoàng Văn Chiên (Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt) đã được trao giải C.
Đầu tháng 3/2024, sau gần 2 năm điều tra, cung cấp thông tin tới các lực lược chức năng liên quan, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt khởi đăng loạt bài điều tra dài kỳ "Xẻ thịt "nàng tiên cá", mổ bụng moi trứng rùa biển". Loạt bài phản ánh những câu chuyện đau lòng về nạn tàn sát "nàng tiên cá" bò biển và rùa biển quý, hiếm, được bảo vệ đặc biệt, tiếc thay, lại diễn ra không hề ít ở thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nhóm phóng viên đã kỳ công điều tra với khát khao cháy bỏng về nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, chống lại tội phạm môi trường, thúc đẩy văn hóa du lịch một cách nhân văn nhất. Nhưng khi gửi tài liệu tố cáo, đề nghị cơ quan hữu trách xử lý sai phạm, bên cạnh những đơn vị cực kỳ tâm huyết và nhiệt thành, vẫn gặp những dấu hiệu nào đó của việc đùn đẩy, lảng tránh, thờ ơ hoặc vào cuộc "chưa hiệu quả", "do yếu tố khách quan"...
Về giải A, loại hình báo in là loạt 3 bài: "Đầu độc sông Bắc Hưng Hải" của Báo Thanh Niên.
Loại hình phát thanh là Loạt 4 bài: "Xử lý rác thải sinh hoạt - Từ cơ chế đến hành động" của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Loại hình truyền hình là loạt 5 kỳ: "Xây dựng và triển khai Luật Đất đai" của Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam.
Loại hình điện tử là loạt 5 bài: "Hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp "chây ì" tới bao giờ" của Báo Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, về giải B của loại hình báo in gồm loạt 4 bài: Lộng hành "cát tặc" sông Hồng của Báo Nhân dân, loạt 5 bài: "Tín chỉ - Carbon - Bước tiến tương lai" của Báo Pháp luật Việt Nam,...
Loại hình phát thanh gồm loạt 3 bài: Đất vàng và chuyện "con voi chui lọt lỗ kim" của Đài Phát thanh và Truyền hình TP. Hải Phòng; Loạt 3 phóng sự: Người trẻ "xanh hóa Trường Sa" của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội... Loại hình truyền hình gồm tọa đàm: Phân loại rác tại nguồn của Đài Truyền hình Việt Nam, tác phẩm Hồi sinh của Đài Truyền hình Việt Nam và loại hình báo điện tử gồm loạt bài mega story đặc biệt: Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế của Báo điện tử Vietnamplus, loạt 5 bài: Nỗ lực giải bài toán định giá đất để khơi thông nguồn lực đất đai của Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam,...