Chủ đề nóng
Vùng Đồng Tháp Mười ở Đồng Tháp có nơi 6 tháng đi bằng chân, 6 tháng đi bằng tay, la liệt chim hoang dã
- Hiếm thấy nơi nào như nơi này ở An Giang-cá đồng la liệt, ăn chả hết, mùa nước nổi xúc cả tấn cá linh
- Cách trung tâm thành phố Huế 10km có một làng Chuồn làm món đặc sản lạ mắt, lạ miệng, chả nơi nào có
- Cận cảnh một dòng sông nổi tiếng ở Huế mang vẻ đẹp chẳng nơi nào có được
- Dòng sông Ba ở Phú Yên bắt nguồn từ đâu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bị địch quản thúc ở nơi nào bên sông?
- Loại hạt nhà nghèo, nơi nào ở Cao Bằng cũng thấy, hóa ra làm được món ngon đáo để, có món bổ dưỡng
Từ Quốc lộ 1 đến ngã ba gần cầu dây văng Mỹ Thuận trên đường về miền Tây, rẽ vào Đường tỉnh 30, đi khoảng 30km sẽ đến TP Cao Lãnh - thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp và đi thêm 30km dọc theo sông Tiền để đến thị trấn Thanh Bình.
Từ đây, có một con đường nhựa chạy thẳng về huyện Tam Nông, đi chừng 4km thì đến Vườn quốc gia Tràm Chim.
Tràm Chim có diện tích tự nhiên 7.588ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp. Vườn có vị trí ở giữa vùng đất trũng của Đồng Tháp Mười. Vào mùa mưa, toàn vùng ngập nước mênh mông, có nơi sâu gần 3m.
Mùa nắng, đồng đất khô hạn gắt gao. Vườn quốc gia Tràm Chim là một loại rừng ngập nước còn sót lại với sinh cảnh “độc nhất vô nhị” ở Đông Dương. Đây là 1 trong 8 vùng tràm chim quan trọng, chiếm khoảng 1/4 số loài chim có ở Việt Nam.
Tràm Chim có 32 loài chim có giá trị bảo tồn, 12 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như ngan cánh trắng, diều mào, diều lửa, cú lợn lưng nâu, đại bàng đen, chích chòe lửa, rồng rộc vàng,...
Các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Tràm Chim gồm 198 loài chim nước, chim hoang dã, hơn 50 loài cá và bò sát cùng 191 loài thực vật, gần 3.000ha tràm và 1.000ha lúa ma, sen, súng, cỏ năn, lác, lau sậy,...
Hệ động vật hoang dã, thực vật hoang dã đã tạo nên một quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với mênh mông sông nước, bao la rừng tràm, ngút ngàn những đồng bưng và các thảm thực vật phong phú.
Vùng đất “Sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay”(*) là “bảo tàng sinh học”, một trung tâm du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn được nhiều khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu,…
Đến với Tràm Chim vào mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11, đi xuồng chạy vòng quanh hoặc xuyên qua những cánh đồng, những khu rừng, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của một vùng đồng bưng hoang dã.
Mùa khô, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 hàng năm là lúc sếu đầu đỏ bay về Tràm Chim cư trú và tìm thức ăn. Những đàn sếu bay từ các cánh đồng của Thái Lan và Campuchia đến kiếm ăn rất đông.
Củ năn là thức ăn mà đàn sếu mê thích, dù chúng phải bay hàng trăm cây số. Có thể du khách sẽ được chứng kiến những cảnh tượng kỳ thú, lạ mắt và vô cùng hấp dẫn. Nhiều con sếu đầu đỏ cao tới gần 2m, lông xám mượt, chân và cổ cao, đôi cánh dang rộng, chân xuôi chiều khi bay.
Chúng tụ tập trên những bãi đất rộng, thoáng trên những cánh đồng năn, bay lượn xập xòe, chấp chới, múa, nhảy những vũ điệu nhịp nhàng với những tiếng kêu, gọi bạn tình thánh thót, thường vào những khi hoàng hôn buông xuống với vầng thái dương mờ ảo sắp lặn khuất trên đồng cỏ.

Bãi cỏ năn bị sếu đầu đỏ nhổ ăn ở Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
Bình minh lên. Chúng tôi xuống xuồng nhỏ đi vào khu A1 của Tràm Chim. Xuồng chạy tốc độ vừa phải để khách có thể tham quan hai bên đường.
Chim chóc rất nhiều đang kiếm ăn trên những cánh đồng. Nghe tiếng động cơ xuồng máy đến gần, một bầy le le hàng trăm con, vụt bay vút lên cao rồi xoải cánh hướng về cụm rừng tràm xanh thẳm phía xa. Có mấy chú bói cá khoác áo xanh biếc, thản nhiên đậu trên những nhánh tràm.
Vài con chim trích mồng đỏ tươi, lông xanh thẫm, đuôi vanh vảnh thoắt ẩn hiện trong những đám cỏ ven bờ kênh. Có một con rắn khá to lội băng ngang thật nhanh trước mũi ghe làm chúng tôi giật mình. “Nó” qua sông, núp bóng xuồng ghe để tránh bị bìm bịp “ăn thịt”.
Sau khi vượt hết một phần con kênh vành đai của Tràm Chim, chiếc xuồng rẽ vào một con rạch nhỏ đầy sen. Sen mọc kín lối.
Từ đài quan sát nhìn vào là cả một rừng tràm nguyên sinh trùng trùng, lớp lớp, thân to, cao vút, lá vi vu, xào xạc trong gió sớm.

Đài quan sát Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Giữa trung tâm Vườn quốc gia Tràm Chim có đài quan sát cao khoảng 20m, du khách có thể đi theo những bậc thang kiên cố lên đài.
Từ trên cao phóng tầm mắt ra xa. Tràm Chim hiện lên như một bức tranh thiên nhiên đa sắc với những cánh rừng tràm bạt ngàn, những cánh đồng cỏ năn, sen, lúa trời đua nhau mọc xanh rì, tạo nên một hệ sinh thái ngập nước phong phú và đặc trưng.
Khi mùa nước nổi về, cả khu vực khoác lên mình "chiếc áo" xanh mướt, chim muông bay rợp trời, tạo nên khung cảnh hấp dẫn, nên thơ.

Tràm Chim hiện lên như một bức tranh thiên nhiên đa sắc với những cánh rừng tràm bạt ngàn, những cánh đồng cỏ năn, sen, lúa trời đua nhau mọc xanh rì.
Hiện nay, Vườn quốc gia Tràm Chim được Nhà nước đầu tư, nâng cấp mở rộng thành một bảo tàng thiên nhiên, một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế cũng đã tài trợ để duy trì, phát triển và bảo vệ Tràm Chim. Đặc biệt, Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund - WWF) đã có những chương trình khảo sát, nghiên cứu nhằm hỗ trợ Vườn quốc gia Tràm Chim trong công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học của môi trường sinh thái độc đáo.
(*)"Sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay”: Sáu tháng đi bằng chân (mùa khô). Sáu tháng đi bằng tay (mùa nước ngập, phải đi bằng xuồng, ghe - chèo, bơi bằng tay).
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật
Hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh từng thuộc tỉnh nào trong lịch sử, tỉnh nào từng là một đặc khu?
Trong lịch sử, hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh từng có lúc sáp nhập là một phần của tỉnh Gia Định rộng lớn; một phần của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn là một đặc khu.