Dân Việt

Từ chuyện tiền bạc giữa cha con ông Bắc Son, nhớ lại tích xưa mà buồn

Quốc Phong 07/09/2019 11:42 GMT+7
Lời khai bất nhất giữa ông Nguyễn Bắc Son và cô con gái, càng nghĩ càng thấy đau xót khi tình cha con trong xã hội hôm nay có phần nào đó thật đáng buồn và nghiệt ngã, cay đắng đến vậy!

Dân gian vẫn  thường nói, đời nào cũng vậy, đồng tiền bạc lắm! Có lẽ điều này cũng không sai khi vận vào vụ việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận đại án Mobifone mua  95% cổ phần của AVG đầy mưu mô, tham lam đến bất nhân. Theo đó, lời khai bất nhất giữa ông Nguyễn Bắc Son và cô con gái trong kết luận điều tra sao thấy rất kỳ quặc. Càng nghĩ càng thấy thật đau xót khi tình cha con trong xã hội hôm nay có phần nào đó thật đáng buồn và nghiệt ngã, cay đắng đến vậy!

Tất nhiên, cũng có thể là tôi đã suy đoán có phần vội vã nên không “khôn” bằng những đương sự của vụ án (?). Thời gian xảy ra vụ việc đã rất lâu, cho đến khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, rồi theo chỉ đạo chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, thấy cần phải chuyển sang cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ, là cả một thời gian rất dài rồi mới có lệnh bắt tạm giam cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son hồi tháng 2/2019. Không lẽ trong gia đình họ lại không lường trước tình huống xấu nhất để tính đường mà khai báo cho “nhất quán” sao? 

img

Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD trong vụ AVG mua Mobifone.

Và, một khi ông Nguyễn Bắc Son, người từng giữ cương vị cao trong Đảng, Chính phủ, từng là Ủy viên Trung ương Đảng 2 khoá, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, với nhiều chứng cứ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ông Bắc Son trong trại tại giam đã phải khai báo đã nhận 3 triệu USD từ Chủ tịch Công ty AVG Phạm Nhật Vũ tại nhà riêng khi công việc mua bán đã thành công.

Ngoài khoản tiền 3 triệu USD mà ông khai báo, ông Nguyễn Bắc Son còn bị thuộc cấp khai rằng, vào dịp lễ, tết đã nhận của ông Cao Duy Hải (lúc đó là Tổng giám đốc Mobifone) số tiền 200 triệu đồng; nhận 700 nghìn USD của Lê Nam Trà (lúc đó là Chủ tịch HĐTV Mobifone) trong đó có 500 nghìn USD  là từ tiền của AVG, 200 nghìn USD là cá nhân vào dịp Tết âm lịch 2016. Nhưng 2 khoản tiền này, do các bị can đưa tiền cho rằng đó là giao dịch cá nhân nên họ không thắc mắc và đề nghị gì...  

Ông Bắc Son “thành khẩn” khai báo số tiền 3 triệu USD nhận từ ông Phạm Nhật Vũ, sau đó chuyển cho con gái trong khoảng chục lần cô này ra Bắc rồi mang vào TP.HCM. Thế nhưng khi đối chất, cô con gái ông Nguyễn Bắc Son khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ cha mình.

Phải chăng do không bàn bạc trước, khi người cha trong trại “tĩnh tâm khai báo”, ở bên ngoài bị động và việc phủ nhận sạch trơn như thế có lẽ hợp lý hơn tôi nghĩ. Bởi nó sẽ an toàn về sinh mệnh chính trị hơn cho cô con gái ấy rất nhiều, nếu không muốn liên đới trách nhiệm là đồng phạm do tẩu tán tài sản bất minh.

Cứ cho rằng cách phân tích của tôi chưa đủ thuyết phục đi nữa, thì vẫn có một thực tế, đó là chuyện vì muốn bảo vệ nguồn tiền bất minh, có nộp thì cũng khó thoát án nặng, cho nên người ta có thể “quên” luôn cả bậc sinh thành, tránh bị “chết chùm” chăng!? 

Vậy có phải đây chính là ví dụ điển hình của chuyện “hy sinh đời bố củng cố đời con”?

Chuyện hôm nay, nghe sao mà thật đắng ngắt!

Nhớ lại ngày xưa, theo sách vở ghi lại thì có nhiều câu chuyện thật thấm thía trong việc dạy con, để lại tài sản cho con thế nào là nên và không nên.

Theo Sử ký Mạnh Thường Quân, chuyện ghi lại trong Cổ học tinh hoa do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân sưu tầm và viết lời bình, thì có tích truyện Lời con can cha thật chí lý.

Điền Vân là con Điền Anh. Tuy Điền Vân còn ít tuổi nhưng cực kỳ khôn ngoan.  Thấy cha mình làm quan lớn nhưng có tính vụ lợi riêng, Điền  Vân không bằng lòng. Một hôm, sau khi hỏi cha “Chút của đứa chút thì gọi là gì?” mà Điền Anh lúng túng không trả lời được, vì ông không biết, Điền Anh đã khuyên cha: “Cha làm tướng ở nước Tề. Tới nay đã trải ba đời vua. Cha dù có hàng ức, hàng vạn, sao môn hạ của cha con không thấy có một người nào là hiền tài? Nay con thấy cha thì mặc áo toàn là gấm vóc mà sao người giỏi trong nước vẫn rách rưới. Tôi tớ cha thì thừa ăn mà người giỏi trong nước vẫn đói khát. Cha quên hết cả việc công ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chăm tích cóp của cải muốn để dành cho những kẻ sau này mà chính cha cũng không biết mình gọi nó là gì. Con trộm nghĩ như thế mà thấy thật là kỳ lạ! 

Người đời sau đã bình rằng: Người ta ai chẳng vì con, vì cháu mà cố sức làm ăn để tích cóp tiền của cho con, cho cháu.  Âu đó cũng là lẽ tự nhiên.  Tuy vậy, nên như thế nào là vừa phải vì lẽ ngoài người thân, con cháu mình thì còn nước non, còn người khác. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, ta đem sức ta làm trâu ngựa để lo cho đến đứa cháu cả chục đời mà ta cũng không biết gọi chúng là gì thì có nên không? Chi bằng ta hãy lo cho muôn người, nếu như ta còn là công bộc của dân thì trước tiên phải có trách nhiệm lo cho muôn dân. Nếu như để nhiều của nả cho con, cháu, chắt, chút , chít... như thế, khác nào ta đổ xuống cái giếng không đáy!  

Giá như ông bộ trưởng Bắc Son đừng tham tới mức như vậy, để “tạo dấu ấn” cho ngành trước ngày về hưu mà ông ủ mưu, đứng ra  đạo diễn rất tinh vi, khiến cho tiền nhà nước đã vì ông mà  thất thoát nghiêm trọng, thì thật tốt biết bao cho dân, cho đất nước nhỉ!

Một chuyện cổ khác có lẽ cũng nên nhắc lại nhân vụ cha con ông Bắc Son đang làm khó pháp luật. Đó là tích truyện Dâng thư cứu cha trong sử ký Hán Vân Đế.

Chuyện kể rằng, Thuần Vu Ý làm quan ở Tề Trung. Ông ta vướng phải tội nên sắp bị đem hành hình và đang bị giải đến Trường An. 

Ông Thuần Vu Ý không có con trai, chỉ rặt 5 mụn con gái.  Lúc bị bắt, ông mắng oan mấy con gái rằng mình đẻ con rặt là gái nên khi có chuyện mệnh hệ thì chẳng có ai đỡ đần công việc cho gia đình. 

Người con gái út của ông tên Đề Oanh thương khóc cha mà theo cha đi tới tận Trường An, dâng thư mình viết lên đức vua. Đại ý lá thư viết rằng: Cha tôi làm quan, cả miền Tề Trung ai cũng ca tụng là thanh liêm, công bằng. Nay cha tôi gặp bất hạnh phải tội, thật oan quá. Tôi trộm nghĩ, người đã chết thì không sống lại được. Mà đã chém đầu thì đầu không liền lại. Nên dù tôi có muốn đổi lỗi (tội) theo điều phải trở nên hay, nên tốt thì cũng không có cách nào. Tôi xin bán mình làm đứa ở nơi quan phủ để chuộc tội cho cha…

Thư được quan xét xử tâu tiếp lên vua. Vua xem xong thì tha cho Thuần Vu Ý khỏi tội nhục hình. Người đời sau mới có lời bình rằng: Người phương Đông ta xưa kia hay có tính trọng nam khinh nữ. Thế mà Thuần Vu Ý lại có cô con gái hơn người biết lo cho cha mình và cứu được tội hình cho cha một cách rất thông minh. Thế mới thấy, con trai hay con gái thì cũng tuỳ. Quý hồ là biết ăn ở cho hết đạo với cha mẹ, biết cách giúp ích cho xã hội nếu có thể. Cổ ngữ có câu: Gái mà chi, trai mà chi/Con nào có nghĩa, có nghì là hơn!

Đọc lại 2 tích truyện cũ này mà tôi thấy thật buồn cho gia cảnh ông Bắc Son. Tiền nhiều để mà làm gì nhỉ?