Dân Việt

"Người sửa ký ức" giữa Hà Nội

15/03/2013 11:34 GMT+7
Giữa Hà Nội của ồn ào, náo nhiệt vẫn còn đó một căn gác nhỏ với một gia đình có 4 đời làm nghề sửa máy ảnh. Và người ta gọi đó là một nghề cổ giữa thời đại số, những con người cả đời mình đi sửa ký ức.

Nằm lẫn vào trong những sạp bán vải của con phố hàng ngày tấp nập cảnh bán buôn, căn gác 2 của ngôi nhà số 15 - Phùng Khắc Khoan đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều thế hệ phó nháy ở Hà Nội, họ tìm đến mỗi khi cần sửa chữa những chiếc máy ảnh hoặc ống kính của mình. Còn chủ nhân của ngôi nhà này là ông Nguyễn Văn Phượng với gần 50 năm trong nghề thì vẫn khiêm nhường khi có ai đó nhắc tên.

img

Căn gác nơi ông Phượng và con trai gắn cuộc đời mình với nghề sửa máy ảnh

Mang trong mình một chất rất Hà Nội, ông nói về nghề sửa máy ảnh truyền đời này bằng một giọng trầm ấm và gần gũi. Ông làm quen với những con ốc, với tiếng màn trập từ hồi 14 tuổi, lớn lên nó ngấm vào máu lúc nào không hay - một cách tự nhiên đến vô cùng. Và rồi chẳng cần ai bảo, chẳng cần ai giục thế mà cũng 50 năm trôi qua người ta gọi ông bằng cái tên "người sửa ký ức".

"Mình dùng máy ảnh cũng lâu rồi, chơi máy ảnh thì cũng có cả một hội, nhưng mỗi lần sửa thì lại lên đây. Bác sửa máy ảnh theo lối cổ, gắn liền với máy ảnh phim nên rất tin tưởng" anh Tùng, một khách hàng ruột chia sẻ.

img

Anh Cường và anh Long tỉ mỉ sửa máy cho khách

Đến nay đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng chưa bao giờ cái ông thấy mình hết mê cái nghề này. Cùng với đó hai người con trai là anh Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Ngọc Cường cũng đã được ông truyền lại cho nghề gia truyền từ khi còn nhỏ. Ông nói: "Điều cơ bản của việc sửa máy ảnh là phải giữ cho mình tính kiên trì, tỉ mỉ. Đặc biệt phải giữ được cho mình cái tâm". Và cái tâm đó đã theo ông suốt cuộc đời để sửa máy ảnh cổ, máy ảnh cơ quan trọng của các cơ quan báo chí, an ninh, tình báo để rồi từng bỏ bữa trưa, quên ăn bữa tối để sửa cho bằng được những chiếc máy ảnh của anh em phóng viên, bè bạn ngay trong hầm trú ẩn.

Và cứ như thế bao nhiêu năm, khi cuộc sống phát triển, khi con người ta sống ở thế giới phẳng thời đại kỹ thuật số, ông Phượng và các con vẫn ở đó tỉ mỉ để sửa từng chi tiết cho chiếc máy ảnh phim và cũng không ít máy số hiện đại. Và cái tâm, cũng như nhiệt huyết cứ tự nhiên theo ông suốt cuộc đời như thế!
Theo TTVH