Những “vụ án” cười ra nước mắt Nhắc đến vùng đất này thỉnh thoảng tôi vẫn cứ thầm cười một mình: Ấy là cái chuyện “ thuốc thư”. Chẳng biết từ hồi giải phóng đến nay, Ia Tiêm đã xảy ra bao nhiêu “vụ án thuốc thư” nhưng riêng tôi thì ít ra cũng chứng kiến đến 4 vụ - mà vụ nào nghe cũng buồn cười, nhưng cười rồi lại muốn… rơi nước mắt.
Ngôi nhà một người bị nghi ngờ có “thuốc thư” bị đập phá.
Tôi nhớ mãi “vụ án thuốc thư” xảy ra năm 2007… Hôm đó ông B’Yêng ở làng Khối Jet đi uống rượu nhà mả về thì tình cờ gặp bà Thel. Cũng bởi đã say quá rồi nên ông nảy ra cái ý nghĩ là hãy trêu bà ta một tý. Thế là ông sán đến gần đập tay vào vai bà “khỏe chớ?”. Bà Thel khoặm mặt. Chẳng phải cử chỉ của B’Yêng có gì quá đáng mà bởi ông ta đang bị người làng tình nghi có “thuốc thư”…
Theo lý giải của một số người Bana, Jarai: “ma lai” là một thứ ma không có hình thù, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật. Người có “ma lai” làm ra “thuốc thư”, nếu ghét ai sẽ bỏ cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi ma lai bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà.
|
Số là Rơ Lan Bêng – một người trong làng có miếng rẫy bên cạnh B’Yêng. Ranh giới hai bên là một cây cột gỗ, chôn cũng lâu năm rồi nên bị mục. Thấy vậy B’Yêng bèn lấy cây khác thế vào. Cũng chôn đúng chỗ cũ nhưng Bêng cứ một hai bảo ông B’Yêng lấn đất. Cãi rát cả họng mà không được, B’Yêng tức quá chửi: “Không dưng đổ xấu cho người khác, cái bụng mày xấu thế tao sẽ bỏ thuốc thư cho mày chết đấy!” Chỉ dọa chơi chứ cả đời B’Yêng đã thấy mặt mũi thuốc thư bao giờ! Thế nào mấy bữa sau Bêng chết thật (!) Bêng chết, bác sĩ bảo là bị ung thư nhưng cả làng nghĩ chỉ có bị “thuốc thư” thì ông Bêng mới chết mau thế…
Chuyện đang âm ỉ thì sau cú đập tay của B’Yêng, tối hôm đó bà Thel bỗng dưng thấy bị … đau bụng. “Chắc là lão B’Yêng bỏ thuốc thư cho mình rồi”. Bà nghĩ và mang chuyện kể với chồng. Ấm ức trong bụng lâu, cái chứng cứ này thì ông B’Yêng còn cãi vào đâu nữa? Thế là làng Khối Jet cả trăm người kéo đến. Căn nhà của B’Yêng bị đổ dầu châm lửa đốt. Tivi, xe máy nát vụn; đồ đạc bay xuống giếng. Tiếp đến là 3 căn nhà của con ông B’Yêng cũng tan hoang. Chỉ có con heo to nhất đàn là dân làng giữ lại làm thịt để… uống rượu mừng triệt được cái ổ con ma lai (!)
Dân cường, ma quỷ nhược
Từ vị trí một xã vùng III, đến cuối năm 2013 Ia Tiêm đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 24%. Toàn xã có 150 hộ đồng bào dân tộc đã đạt mức thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên. Từ năm 2011, Ia Tiêm đã đưa mình ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn…
|
Cách TP.Pleiku hai chục cây số nhưng Ia Tiêm lại là vùng đất dân trí còn rất hạn chế. Chưa ai từng thấy “thuốc thư” hình thù ra sao, làm bằng thứ gì nhưng đồng bào vẫn cho là có thật với một niềm tin truyền thống. Nguy hại hơn, họ còn cho đây là “phong tục” nên đã vi phạm pháp luật một cách tự phát. Cần phải loại bỏ hủ tục mê tín này ra khỏi đời sống cộng đồng, đó là quyết tâm của chính quyền và các đoàn thể xã Ia Tiêm. Cơ hội giúp xã đẩy mạnh quyết tâm bài trừ hủ tục ‘thuốc thư” bắt đầu năm 2006 khi Ia Tiêm được Nhà nước ưu tiên tăng mức đầu tư… Các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn như Công ty Cao su Mang Yang, Chư Sê giúp xã đẩy mạnh tuyển dụng công nhân…
Chúng tôi trở lại làng Khối Jet – nơi phát tích vụ “thuốc thư” chấn động năm ấy… Mới sáng làng đã vắng. Hỏi mới biết bà con đang đi cạo mủ cao su. Tình cờ gặp Rơ Lan Găp – một trong những người đã kích động và đập phá tài sản của Siu Bít – con trai ông B’Yêng, tôi hỏi vui: “Dạo này còn tham gia bắt cái thuốc thư không?”. Găp gãi đầu: “Không có nữa đâu”. Tôi đem chuyện kể với Rơ Com Việt – Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm, anh cười: Đúng là đã hơn 4 năm nay không còn thấy chuyện “thuốc thư” tái xuất. “Dân cường thì ma quỷ nhược” thôi…