Giá vé lượt cũng được điều chỉnh lên 7.000 đồng (với tuyến dưới 25-30km) và 9.000 đồng (với tuyến trên 30km). Mức giá này tác động đáng kể đến đời sống của đa số học sinh, sinh viên.
Mua vé lượt thì “chết tiền”Bạn Nguyễn Duy Tuấn, sinh viên năm nhất khoa Sinh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Em thấy theo giá xăng hiện tại thì việc tăng giá vé xe bus cũng hợp lý thôi. Tuy nhiên, đi ổn định và mua vé tháng còn đỡ chứ nếu đi lượt nào mua vé lượt đấy thì rất gay vì số tiền tăng lên đáng kể”. Còn bạn Phạm Thị Đào, sinh viên Khoa Xã hội học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) phàn nàn: “Là sinh viên nên chúng em chủ yếu đi xe buýt, em thấy việc tăng giá vé hơi nhiều, vì sinh viên bọn em làm gì có nhiều tiền?”.
Các sinh viên chờ xe buýt tại điểm Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Ảnh: N.Dược
Tương tự, bạn Vũ Thị Ngọc Mai, sinh viên năm thứ 2 (Trường ĐH Thương mại) đưa ra cả con số cụ thể: “Việc tăng giá vé xe buýt như vậy là quá nhiều. Từ 50.000 đồng lên 90.000 đồng, giờ là 100.000 đồng, cả một vấn đề với sinh viên tụi em...”.
Dù hầu hết các học sinh, sinh viên được hỏi đều tỏ ý việc tăng giá vé xe buýt ảnh hưởng đến túi tiền của họ - những đối tượng đang được coi là “ăn bám bố mẹ” - song cũng có những quan điểm khác. Bạn Nguyễn Hồng Hạnh, sinh viên khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội), người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt nhiều năm nay chia sẻ: “Dẫu giá vé hơi cao so với sinh viên, đặc biệt là những người không mua vé tháng song tôi nghĩ rằng cái quan trọng hơn là việc tăng giá này phải đi đôi với chất lượng phục vụ”. Nhiều bạn trẻ cũng đồng tình khi cho rằng, việc xe buýt chạy quá ẩu, thường xuyên chen kín người đến nghẹt thở cũng như hay xảy ra trộm cắp là điều cần được khắc phục.
Từ quê ra thành phố học tập với điều kiện sinh hoạt đắt đỏ, việc chi tiêu các khoản cho hợp lí để đảm bảo cuộc sống là rất quan trọng đối với các sinh viên nghèo. Thế nên dẫu giá vé xe buýt tăng như hiện nay là thêm một khoản khó khăn song nhiều sinh viên vẫn buộc lòng phải đi xe buýt vì không còn lựa chọn nào khác. Vũ Thị Ngọc Mai chia sẻ: “Sinh viên thường không có nhiều tiền nên tăng giá vé như hiện nay là quá nhiều, quá gấp, đột ngột và lỡ kế hoạch chi tiêu của em”. Mai cho hay em đã thử tiết kiệm bằng cách bỏ đi xe buýt trong 2 tháng liền và chuyển sang đi xe đạp tới trường, nhưng vì cách trường hơn 6 km và lại đi học nhiều lần trong 1 ngày lên sau đó Mai buộc phải dán vé xe buýt trở lại.
Tăng giá vé xe buýt như vậy có phù hợp?Sở GTVT Hà Nội cho hay, việc điều chỉnh giá vé xe buýt lần này nhằm mục đích đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng mạng lưới tuyến thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt. Việc tăng giá đảm bảo chi trợ giá của ngân sách thành phố cho xe buýt ở mức hợp lý, từng bước giảm bớt gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu của dịch vụ công ích và chính sách an sinh xã hội của thành phố.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội: “Khi tiến hành thực hiện việc tăng giá trung tâm đã tiến hành khảo sát, rà soát cẩn thận, cân đối giữa việc chi tiêu, và đảm bảo không quá 10 % thu nhập của người dân. Hơn nữa việc tăng giá vé xe buýt hiện nay đã khá phù hợp với thực tế, khảo sát ban đầu cho biết lượng khách tham gia xe buýt vẫn ổn định, chứng tỏ một phần người dân đã ủng hộ việc tăng giá vé xe buýt, còn một phần thì vẫn chưa ủng hộ và chúng tôi đã, đang và tiếp tục tuyên truyền”
Trái ngược với những khẳng định của ngành giao thông, chị Hoài Thu, một người đã đi làm cho rằng: “Nói phù hợp hay không rất khó. Có thể tiêu gì cũng hết 200.000 đồng, nhưng việc phải chi đều đặn hàng tháng một khoản nếu tính theo lương cơ bản độ 10% như vậy liệu đã hợp lí chưa? Không phải ai cũng có thu nhập tốt để thấy nó rẻ!”.