Đặc biệt là mắm, đến bất cứ chợ nào ta cũng có thễ dễ dàng tìm thấy mắm được bày bán khắm nơi, vô tình đã tạo thành một nét ẩm thực rất riêng của miền Tây với nhiều loại mắm độc đáo khác nhau: mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm tép, mắm thái…
Mắm cá lóc
Cá lóc là loại cá đặc trưng nhất ở An Giang, từ con cá lóc, người dân An Giang khéo chế biến thành nhiều món ăn: cá lóc làm khô, cá lóc kho tiêu, cá lóc nấu canh chua, cá lóc nướng trui, cá lóc làm chà bông…nhưng vẫn đặc biệt là món mắm cá lóc.
Mắm cá lóc (Nguồn: Internet)
Để có được món mắm cá lóc ngon thì phải trải qua một quá trình đòi hỏi sự công phu, khéo léo và tỉ mỉ của người làm. Cá cho vào nước muối ngâm khoảng 1 giờ thì vớt ra, để ráo. Sau đó, cho vào hũ để ủ theo công thức cứ 1 lớp cá thì 1 lớp muối. Dùng vặt nặng, nén chặt cá để bảo đảm cá phải có đủ độ nén cần thiết và ủ trong 2 tháng. Sau 2 tháng thì lấy cá ra để cho ráo nước rồi đem trộn đều với thính rồi lại cho ủ tiếp cùng nước muối trong 1,5 tháng nữa mới có thể dùng được.
Mắm cá lóc có thể dùng nấu bún mắm và lẩu mắm. Tùy theo số người nhiều ít, bỏ mắm vô nồi, đổ nước nấu sôi, cho mắm rã hết thịt ra, lược xương bỏ đi. Bì, thịt heo ba rọi luộc chính, thái nhỏ, trộn với thính, tép đất luộc vừa chín tới, lột vỏ bỏ đầu. Các loại rau: bắp chuối, rau muống bào mỏng, giá, rau thơm, hẹ cắt khúc, tỏi phi mỡ, chanh, ớt, nước mắm ngon, giấm, bột ngọt cho vào tô trộn đều với bún, bì, thịt heo, nặn một chút chanh, chan nước lèo nhiều ít tùy thích, vừa ăn vừa thổi nóng càng đậm đà hương vị.
Khi ăn lẩu mắm phải có nhiều rau: rau nhút, rau ngò, rau tần ô, đậu bắp, cải xanh,… cùng nhiều loại rau thơm mới hấp dẫn.
Mắm cá linh
Người miền Tây có câu: “Nước không chưn sao kêu nước đứng. Cá không thờ sao gọi cá linh”. Vào tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm, theo quy luật vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện cá linh non đầu mùa, từ thượng nguồn trôi theo dòng nước để lớn dần. Kế tiếp, mùa lũ từ nguồn nước Biển Hồ (Campuchia) đổ về Hồng Ngự (Đồng Tháp) để ra các nhánh kênh, sông miền Tây. Thường bắt đầu khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, đôi khi sớm hơn. Thời điểm này cá linh đã “già cá”, mập béo, nhiều thịt, giàu chất đạm dinh dưỡng.
Mắm cá linh (Nguồn: Từ Internet)
Cá linh chế biến đủ các món mà món nào cũng ngon như cá kho, cá chiên, cá nướng, canh chua, chả cá… Nhưng món ngon để lại dư vị dài lâu từ cá linh chính là nước mắm cá linh.
Cá linh làm sạch, cho vào hũ ướp muối, ba ngày sau thì dùng vỉ tre để gài chặt xuống. Sau 1 tháng, vớt cá ra đem trộn thính vào rồi cho lại vào hũ gài chặt lại. Để qua một tháng nữa thì lại vớt ra cho đường vào, trộn đều rồi mang ủ thêm. Khoảng 1 tháng tiếp theo là có thể dùng được. Công phu là thế, cầu kì là thế, nhưng người dân nơi đây không vì thế mà bỏ qua món ngon độc đáo này.
Mắm cá linh có thể ăn được với bún hay cơm, hoặc cũng có thể làm lẩu mắm với cá, tôm, thịt ba rọi và cà tím. Có nhiều cách chế biến khác nhau nhưng hương vị của món mắm cá linh thì vẫn giữ lại được nét đặc trưng khó mà lẫn được với các loại mắm khác.
Mắm tép
Ở miền Tây Nam bộ, sông rạch nước ngọt là nơi lí tưởng để loài tép sinh sôi và phát triển. Tép có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo hình dạng và kích cỡ. Loại tép rất nhỏ, cỡ đầu mút đũa ăn là tép rong (còn gọi là tép riu, tép trấu); tép bạc trắng mình dài, dẹp, vỏ mỏng, màu trắng đục; tép bạc đất, mình tròn, vỏ dày, màu xám xanh… Người miền Tây truyền nhau câu ca về loài tép bạc như thế này: “Buổi chợ đương đông con cá lòng tong còn chê lạt/ Buổi chợ tan rồi con tép bạc khen ngon”.
Mắm tép (Nguồn: Từ Internet)
Tuy nhiên để làm mắm thì người miền Tây thường chọn tép rong. Tép rong tươi đem về làm sạch, để ráo. Ướp muối hột và rượu khoảng một ngày một đêm, sau đó đem xả nước lạnh vài lần để ráo. Củ gừng rửa sạch, cạo vỏ, bằm nhuyễn, xắt tỏi, ớt thành từng lát mỏng. Gừng phải nhiều một chút cho mắm tép sau này có mùi thơm, sau đó trộn đều tất cả nguyên liệu trên với nhau để sẵn vào keo sạch. Kế tiếp, nấu nước mắm ngon với đường cát theo phân lượng (1 chén vun đường cát + 1 chén nước mắm ngon) cho hòa tan, để nguội đổ vào ngập xâm xấp với tép, đem tép ra phơi nắng 10-15 ngày (thời gian dài, ngắn tùy nắng nhiều hay ít) là mắm chín…
Mắm tép miền Tây có thể trộn cùng đu đủ. Chọn trái đu đủ mỏ vịt (trái đu đủ già gần chín người miền Tây gọi là đu đủ mỏ vịt vì màu cơm của nó vàng tươi gần với mỏ vịt), bào sợi xong, mạnh tay vắt cho thật ráo nước rồi đem phơi sơ ngoài nắng để sợi đu đủ dai, giòn rồi cho mắm vào trộn đều. Nêm nếm lại sao cho vừa ăn là được. Làm xong thì cho vào hũ thủy tinh. Ăn ngay hay để vài ngày ăn càng ngon. Mắm tép miền Tây Nam Bộ ăn cùng bún, giá, rau sống các loại, cũng có thể gói bánh tráng với rau, bún, giá hẹ, thịt ba chỉ luộc…
Hiếm có món ăn nào đặc trưng và mang đậm nét miền Tây Nam Bộ như món mắm và đã là dân miền Tây thì ai cũng biết ăn mắm. Mắm từ bao đời nay đã trở thành một món ăn không thể thiếu của những con người sông nước, miệt vườn. Mắm đã gắn chặt với người dân miền Tây, là một “đặc sản” độc đáo khi dùng để đãi khách phương xa.