Dân Việt

Chuyện về một cụ già thích được nằm viện

Infonet 10/02/2015 09:00 GMT+7
2h đêm khi các bác sĩ đang bận rộn với ca trực cấp cứu thì có một bệnh nhân đặc biệt được đưa vào viện. Một ông cụ già, gầy gò, bị hôn mê được người đi đường đưa vào bệnh viện.
Chỉ mong được ở viện

Đây là một câu chuyện lạ về bệnh nhân Nguyễn Văn Đức, 88 tuổi– một bệnh nhân để lại ấn tượng khá sâu trong lòng các bác sĩ tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

img

Các bác sĩ ở bệnh viện Nhiệt đới đang điều trị cho một bệnh nhân bị viêm não.

Ông Đức là người sống lang thang bán báo dạo, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Ông cụ chỉ nhớ mình quê ở Huế và đã mấy chục năm lang thang khắp Hà Nội. Tối đến ông ngủ ở gầm cầu, vỉa hè, chợ, bến xe. Khi bị ốm, ông cụ trải chiếu rách nằm ở vỉa hè đường Phương Mai nên có người đưa cụ vào viện. Với ông cụ khốn khổ này có lẽ chiếc giường bệnh là nơi êm ái và an toàn nhất với ông.

Vào viện điều trị, ông cụ chỉ lo một ngày nào đó không được ở viện nữa. Thương cho hoàn cảnh của cụ, các y bác sĩ của khoa đã cho cụ ông một chiếc giường bệnh đặc biệt nằm ở cuối hành lang khoa cấp cứu nhưng dụng cụ, máy thở và việc chăm sóc vẫn không thay đổi. Chỉ có điều, ông cụ được các y tá, bác sĩ quan tâm một cách đặc biệt.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương kể, hôm ấy là ngày trời bắt đầu gió mùa đông bắc. Đã khuya rồi, các bác sĩ báo cáo có bệnh nhân già bị sốt, huyết áp cao vào cấp cứu. Điều lạ, bệnh nhân không có người thân. Để được nhập viện một bác sĩ đã bỏ tiền túi của mình ra đóng viện phí cho ông cụ.

Lúc đó, bác sĩ Cấp nhờ y tá chuẩn bị sữa và giường bệnh cho cụ. Khi ấy, ông cụ quá đói nên lả đi và sốt. Lúc tỉnh lại, ông cụ kể là người lang thang sống ở ngoài đường, đêm ngủ chợ, bến xe. Nghe cụ ông nói thế, các bác sĩ và y tá trong khoa thương ông cụ lắm. Dù lúc ấy, người của ông cụ chỉ là mùi hôi đặc trưng vì không được thay quần áo, tóc bết vì mưa gió, bụi đường. Nhiều người còn ngại đứng gần ông cụ.

Khi biết hoàn cảnh của cụ, các y tá đã rửa ráy, chăm sóc ông. Các vết thương nhẹ đang hoại tử ở chân được chăm sóc. Thấy sức khỏe khá hơn, ông cụ đoán mình sắp phải ra viện nên rất buồn vì mấy chục năm rồi ông Đức chưa được ngủ trên chiếc giường êm ái và cảm giác an toàn như ở nhà thế này. Hơn nữa, trời vào đông rồi, những đêm giá rét với tuổi già là điều đáng sợ nhất.

Góp tiền, tìm nhà cho ông cụ
Sau nhiều ngày được chăm sóc, bác sĩ Cấp nghĩ bệnh viện không thể cho ông cụ ra viện được vì ông đang bị tiểu đường. Cuộc sống nay đây mai đó với tuổi già là rất nguy hiểm. Bác sĩ Cấp đã trao đổi với phòng kế hoạch tổng hợp của cơ quan, sau đó phòng liên hệ với phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội để làm thủ tục cho cụ lên Sở Lao động Thương Binh và xã hội với hi vọng có thể tìm cho cụ mái nhà tránh những ngày đông giá rét. Ngoài ra, bác sĩ đã kêu gọi anh em bác sĩ y tá trong khoa góp tiền giúp đỡ cụ chút kinh phí.

Sau đó, cụ ông được đưa về một trung tâm bảo trợ xã hội. Vậy là từ nay, các bác sĩ cũng yên tâm hơn khi cụ không phải dầm mưa, dãi nắng ngoài đường. Ở cái tuổi 88 không con cháu, người thân, ông cụ đã có một mái nhà để phòng những đêm mua gió, lạnh lẽo.

Khi cụ ông ra viện, điều mà ai cũng cảm thấy ấm lòng là ánh mắt cụ già khắc khổ như muốn khóc vì cảm động. Chút tấm lòng của các bác sĩ nơi đây chẳng nhiều gì nhưng đủ khiến cho người bệnh an tâm.

Bác sĩ Cấp tâm sự, làm bác sĩ cấp cứu hơn mười năm nay, bác sĩ thường gặp những người già lang thang cơ nhỡ phải vào viện. Khi họ không có gì ngoài tấm thân mang bệnh thì các bác sĩ không được đối xử với họ như người khác mà cần sự quan tâm đặc biệt. Mỗi bệnh nhân như thế, các bác sĩ đều cho rằng tâm mình thấy an lòng là được.