Những người cùng khổ
“Cha tôi sinh trưởng trong gia đình công giáo ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, Hà Nam. Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, để có cái ăn, ông nội tôi phải đăng lính rồi bị đưa sang Pháp. Vì thế cha tôi được gửi vào nhà thờ phục dịch cha cố và học chữ, kinh Thánh. Nhờ sáng dạ, cha tôi học rất nhanh, được cha cố cho đi nhiều nơi, sau đó được học ở Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên (Hà Đông)”- ông Trần Kiến Quốc, con trai ông Bình, kể lại.
Các lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ gặp nhau ở Chiến khu Việt Bắc năm 1948. Thiếu tướng Trần Tử Bình đứng thứ 2 từ trái. Ảnh: TLGĐ.
Năm 1925, cả nước dấy lên phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu, sau đó lại nổ ra phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh. Nhờ được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, giác ngộ tinh thần yêu nước nên ông Phu cầm đầu nhóm chủng sinh của chủng viện ủng hộ hai cụ Phan và bị đuổi học. Cuối năm 1927, ông Phu xuống tàu vào Nam để làm phu cao su đồn điền Phú Riềng. Do biết chữ và thường giúp đỡ mọi người, nên ông Phu được những người cùng khổ xem là thủ lĩnh. Cũng trong giai đoạn đó, để thực hiện “vô sản hóa”, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (TNCMĐCH) cử hội viên thâm nhập các đồn điền, nhà máy nhằm xây dựng tổ chức cách mạng.
Đầu năm 1928, ông Nguyễn Xuân Cừ (tức Nguyễn Văn Vĩnh, quê Bắc Ninh, học sinh Trường Bưởi) được tổ chức Việt Nam TNCMĐCH cử đến đồn điền cao su Phú Riềng để “vô sản hóa”. Người đầu tiên ông Cừ bắt liên lạc là ông Phu.
Sau thời gian thử thách, tháng 4.1928, chi bộ Việt Nam TNCMĐCH đầu tiên ở đồn điền Phú Riềng được thành lập gồm các hội viên: Phạm Văn Phu, Phan Thu Hồng, Tạ, và Hòa. Đây là tổ chức cách mạng có xu hướng cộng sản đầu tiên ở đồn điền cao su Phú Riềng, do ông Cừ làm Bí thư. Lúc này, thực hiện chủ trương phát triển tổ chức đảng của Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, ông Cừ được đồng chí Ngô Gia Tự chỉ đạo thành lập chi bộ Phú Riềng.
Phú Riềng Đỏ lịch sử
Đầu năm 1930, ông Phu cùng chi bộ chỉ đạo công nhân của 10 làng vào rừng cất giấu gạo, muối, cá khô; phân công lực lượng chiếm kho gạo của đồn điền khi nổ ra bãi công; chuẩn bị vũ khí; vận động đồng bào Thượng bỏ việc làm xâu để trở về buôn làng..., nhằm chuẩn bị cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân.
Sáng 30.1.1930 (mùng 1 Tết Canh Ngọ), 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng kéo đến Dinh chủ sở Soumagnac, đưa yêu sách: Cấm đánh đập, cấm cúp phạt lương, trả tự do cho những người bị bắt..., nhưng chủ sở làm ngơ. Sau khi nghỉ tết, ngày 3.2.1930 (mùng 5 Tết), 5.000 công nhân tiếp tục bãi công. Chủ sở đã lệnh cho bọn cai Tây, bọn lính đàn áp và đánh chết 1 người, bắt cai Lự. Nhân cơ hội này, chi bộ Phú Riềng chỉ đạo nghiệp đoàn phát động cuộc biểu tình thị uy chủ sở, đòi bồi thường tính mạng người chết, trả tự do cho cai Lự, đuổi tên cai Tây giết người.
Ngày 6.2.1930, đích thân Thống đốc Nam Kỳ chỉ huy xe bọc thép, máy bay và 500 lính kéo lên đồn điền Phú Riềng đàn áp. Sau sự kiện này, ông Phu cùng nhiều đảng viên và công nhân bị bắt, bị kết án khổ sai, đày ra Côn Đảo. Năm 1936, nhờ Mặt trận Bình Dân ở Pháp đấu tranh, ông cùng nhiều tù chính trị được trả tự do. Trở về đất liền, tuy bị quản thúc nhưng ông vẫn hoạt động cách mạng, cuối năm 1943, bị bắt giam tại Hỏa Lò. Tháng 3.1945, ông Phu cùng hơn 100 đồng chí vượt ngục, tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa vào ngày 19.8.1945 tại Hà Nội. Sau đó ông Phu đổi tên là Trần Tử Bình.
“Tháng 1.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 112/SL phong hàm Thiếu tướng cho cha tôi. Đến năm 1959, ông được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc, kiêm nhiệm Mông Cổ. Năm 1967, cha tôi mất tại Hà Nội”- ông Quốc hồi tưởng.
Ông Phan Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cho biết: “Nơi thành lập chi bộ Phú Riềng nằm sát Suối Đá, nay thuộc thôn Thuận Phú 2, xã Thuận Phú. Xã hiện có khoảng 10.300 dân, sống chủ yếu dựa vào canh tác cao su, điều, tiêu. Thu nhập bình quân 33 triệu đồng/người/năm, đảng bộ xã hiện có 205 đồng chí”. |