Giúp nông dân tiến lên sản xuất hàng hóa
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hàng nghìn lượt hộ hội, viên nông dân trên địa bàn tỉnh được vay vốn, đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đây, người nông dân dần tìm được hướng đi trong sản xuất, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhiều hộ nông dân trồng cam xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ảnh: Giang Lam
Ông Lê Cù Thật- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, tổng dư nợ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 16,1 tỷ đồng, giúp cho trên 600 hộ hội viên vay thực hiện 47 dự án, mô hình. Trong số các dự án đó có 29 dự án chăn nuôi, 15 dự án trồng trọt và 3 dự án nuôi trồng thủy sản. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được hỗ trợ vốn thực hiện các dự án, mô hình ở tất cả 7/7 huyện, thành phố.
Theo ông Lê Cù Thật, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Điển hình như mô hình “Cải tạo và thâm canh vườn bưởi 7 năm tuổi ở xã Xuân Vân” (Yên Sơn) với 15 hộ tham gia. Mỗi hộ vay 20 triệu đồng từ năm 2014 đến 2016. Qua việc thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, tìm kiếm thị trường nên các hộ có lãi từ 30 đến 50 triệu đồng/năm từ trồng bưởi. Từ thành công đó, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục triển khai thêm mô hình trồng bưởi tại xã Xuân Vân, nguồn vốn tăng lên 600 triệu đồng giúp 20 hộ vay.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đang ưu tiên nguồn vốn trên thực hiện các mô hình, dự án tại các xã có lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới và các địa phương xã có thế mạnh về phát triển các cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. |
“Chúng tôi gắn bó với Hội nhiều hơn”
Đó là chia sẻ của hầu hết các hộ nông dân đang được hưởng lợi từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Mô hình “Trồng cam sành chất lượng cao ở xã Minh Dân (Hàm Yên)” thực hiện từ năm 2012 đến 2014 với 300 triệu đồng giúp 10 hộ vay đầu tư trồng và chăm sóc cam sành. Qua 2 năm, các hộ đều có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ trồng cam. Hội Nông dân tỉnh đã tiếp tục ưu tiên nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân triển khai thêm 4 mô hình trồng và chăm sóc cam ở xã Minh Khương, Tân Thành, Phù Lưu và thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) với 52 hộ vay, tổng số tiền 2,1 tỷ đồng.
Tháng 10.2016, gia đình chị Lê Thị Liên, thôn 15 là 1 trong 20 hộ hội viên, nông dân xã Trung Môn (Yên Sơn) được vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân triển khai dự án nuôi cá nước ngọt. Chị Liên chia sẻ, từ số vốn vay, gia đình chị đã thuê máy, nhân công cải tạo 2 ao nuôi, mua cá rô phi giống và thức ăn.
"Quá trình nuôi, các hộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi từ cách phòng bệnh, lựa chọn thức ăn, nhờ chăm sóc tốt nên cá nuôi lớn nhanh, đồng đều. Nhờ giá bán cá thịt ổn định nên chị có khoản lãi trên 50 triệu đồng/năm. Vừa qua, chị và các hộ tham gia dự án còn rất phấn khởi khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cá an toàn đạt hiệu quả cao. “Qua việc được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, chúng tôi gắn bó với tổ chức Hội hơn, mỗi người tự giác đóng góp bằng nhiều cách xây dựng tổ chức của mình phát triển thêm lên…” - chị Liên thổ lộ.