Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM, nơi 2 cô gái đã phải ở lại nhiều ngày.
2 cô gái không bị gây khó dễ?
Liên quan tới vụ 2 cô gái xinh đẹp bị đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM vì không mang theo giấy tờ tùy thân khi đi uống cà phê ở phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM), chiều 27/9, 2 cô gái trong vụ việc đã được trao trả về gia đình sau nhiều ngày sống ở trung tâm.
Sáng 28/9, ông Đặng Nguyễn Thanh Minh - Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, quận chưa yêu cầu phường Tam Bình báo cáo về vụ việc này và đề nghị PV liên hệ với phường Tam Bình để trao đổi thêm. Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Tam Bình từ chối bình luận về tính đúng, sai trong vụ việc.
Khi được hỏi về hướng xử lý tiếp theo đối với vụ việc khi mà xã hội đang rất quan tâm, ông Lê Nguyễn Trọng Quốc - Chủ tịch UBND phường Tam Bình nói: “Gia đình chưa liên hệ với phường về vấn đề gì cả. Gia đình cũng chưa đặt ra yêu cầu gì thì tôi chưa thể trả lời gì thêm”.
Về ý kiến cho rằng việc làm của phường là hơi vội vàng, thậm chí khiến 2 cô gái bị “lời ra tiếng vào” không hay, ông Quốc nêu quan điểm: “Gặp báo chí, mấy bé nói gì thì nói chứ tôi không bình luận các em như thế nào”.
"Tổ công tác Công an phường và UBND phường Tam Bình không gây khó dễ cho 2 đương sự trên trong suốt quá trình làm việc. Chúng tôi đã tạo điều kiện để 2 đương sự trình bày cũng như liên hệ với gia đình, nhưng 2 đương sự trên không hợp tác và cũng không liên hệ với gia đình, người thân để cung cấp các loại giấy tờ tùy thân theo yêu cầu”, ông Quốc khẳng định.
Đồng thời, ông Quốc thông tin tới PV toàn bộ diễn biến vụ việc bằng văn bản. Theo văn bản này, thực hiện kế hoạch về phòng ngừa, đấu tranh kéo giảm tội phạm hình sự trên địa bàn, lúc 16h ngày 18/9, tổ công tác của công an phường kiểm tra khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (thuộc khu phố 5, phường Tam Bình).
Tại đây, tổ công tác có kiểm tra hành chính một quán cà phê. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác yêu cầu hai đương sự Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1996, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (SN 2000, quê Đồng Nai) xuất trình giấy tờ tùy thân để kiểm tra. Cả hai không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào nên bị đưa về trụ sở công an phường làm việc.
Trong suốt quá trình làm việc, hai đương sự không xuất trình được bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Mặc dù công an phường yêu cầu cả hai gọi điện nhờ người thân mang giấy tờ đến để làm thủ tục bão lãnh, nhưng hai cô gái không hợp tác và không gọi cho ai.
Đến 19h45 ngày 18/9, Công an phường Tam Bình phối hợp với cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội lập hồ sơ đưa Nhung và Kiều vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM. Việc làm trên là theo quy định của UBND TP.HCM tại quyết định 29/2017/QĐ-UBND về việc quản lý người ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có cư trú ổn định trên địa bàn TP.HCM.
“Chưa đảm bảo theo đúng trình tự pháp luật”
Về vụ việc này, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết: Căn cứ quy định tại Điều 25 Nghị định 136/2013 và Quyết định 29/2017 của UBND TP.HCM, trường hợp đưa 2 cô gái này vào trung tâm bảo trợ xã hội là không thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở hỗ trợ xã hội.
Theo luật sư Hùng, một người chỉ được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi có căn cứ người đó không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng. Việc xác định một người không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó tạm trú/thường trú.
“Chỉ có vài giờ đồng hồ mà cơ quan chức năng đã lập hồ sơ đưa 2 chị này vào trung tâm bảo trợ xã hội là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật”, luật sư Hùng nhận định và cho rằng hai cô gái chưa xuất trình được giấy tờ tùy thân chứ không thuộc diện người ăn xin, lang thang, không có nơi cư trú ổn định như UBND phường Tam Bình nêu.
Luật sư cho rằng việc ủy ban phường ở quận Thủ Đức (TP.HCM) kết luận 2 cô gái vô gia cư và lập hồ sơ đưa vào trung...