Dân Việt

Vụ BOT Cai Lậy: Giảm phí nhưng kéo dài thời hạn thu là không ổn

Trần Đáng 17/04/2018 14:13 GMT+7
Nhiều tài xế và người dân phản ứng với kiến nghị mới đây của Bộ GTVT về việc áp dụng phương án giảm mạnh phí qua trạm BOT Cai Lậy nhưng giữ nguyên vị trí và kéo dài thời hạn thu phí lên 15 năm.

Ngay sau khi trình Chính phủ 5 phương án giải quyết ách tắc tại BOT Cai Lậy, ngày 16.4, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, Bộ vừa kiến nghị áp dụng phương án 1 là giảm mạnh phí cho tất cả các phương tiện qua trạm (khoảng 60%) và mở rộng phạm vi miễn, giảm phí vùng lân cận cách BOT khoảng 10km.

Kiến nghị này lập tức vướng phải phản ứng của giới lái xe và người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Ông Đặng Lê Quân, một tài xế xe tải tuyến đường dài TP.HCM – miền Tây nói: “Mấy ngày trước tôi đã đọc báo thấy 5 phương án Bộ GTVT trình Thủ tướng rồi. Giờ lại nghe kiến nghị giữ nguyên vị trí trạm, chỉ giảm phí và kéo dài thời hạn thu phí lên 15 năm là không ổn".

Theo một số tài xế, lâu nay người dân phản ứng đối với BOT Cai Lậy chủ yếu là do BOT này đặt sai vị trí chứ không phải là mức phí. Giờ BOT không dời vị trí thì khó hạ nhiệt phản ứng của giới lái xe và người dân.

img

Tranh cãi giữa nhân viên thu phí và giới lái xe trả tiền lẻ tại BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Theo Bộ GTVT, nếu chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh như ý kiến nhiều lái xe và chuyên gia giao thông thì phương tiện sẽ dồn vào quốc lộ 1, gây ùn tắc thị xã Cai Lậy, và Nhà nước phải bù cho dự án hơn 1.200 tỷ đồng. 

Cũng theo Bộ GTVT, hiện lượng xe trên hai tuyến đường qua thị xã Cai Lậy hơn 26.000 xe mỗi ngày, trong đó, hơn 9.000 xe trên tuyến tránh, còn lại là trên quốc lộ 1.

Anh Huỳnh Văn Du – một tài xế dịch vụ xe khách cho rằng, nếu chọn phương án 1, Bộ GTVT không giải quyết được bản chất của vấn đề.

“Theo tôi, phương án này chỉ có lợi cho nhà đầu tư và quay lại vấn đề cũ. Giảm phí và kéo dài thời hạn thu phí thì có khác gì. Trong khi vấn đề chính là dời BOT vào đúng vị trí thì lại không làm. Tôi thích phương án 4 của Bộ hơn”, anh nêu quan điểm.

Theo đó, phải dời trạm và đặt BOT trên tuyến tránh, phân luồng cho các loại xe đi vào tuyến này. “Vào giờ cao điểm không cho xe trọng tải lớn đi vào thị xã thì họ buộc phải đi vào đường tránh, không lo tình trạng kẹt xe cho thị xã Cai Lậy”, anh Du nói.

img

BOT Cai Lậy những ngày xả trạm trước phản ứng dữ dội của giới lái xe.

Bộ GTVT cho biết, nếu theo phương án này, nhà nước sẽ phải dùng ngân sách để hỗ trợ khoảng 1.250 tỷ đồng. Ngoài ra, việc phân luồng sẽ dẫn đến phản ứng của người dân với lý do ép phương tiện đi vào tuyến tránh.

Anh Lê Thanh Tùng – một người dân sống tại thị xã Cai Lậy nêu ý kiến, việc Bộ GTVT kiến nghị nên áp dụng phương án 1 chỉ khiến giới lái xe lại phản ứng và gây mất an ninh trật tự tại địa phương bởi không giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Theo anh Tùng, phương án này chỉ giúp nhà nước không phải bố trí ngân sách hỗ trợ dự án, chứ giảm chi phí vận tải cho giới tài xế là chưa chắc, do mức phí giảm nhưng thời hạn thu lại tăng.

Dự án BOT Cai Lậy có chiều dài 38,5km, tổng vốn đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng. Trạm hoạt động từ 1.8.2017, khi đưa BOT vào sử dụng, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối việc thu phí và yêu cầu di dời về tuyến tránh nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm. 4 tháng sau, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy và yêu cầu Bộ GTVT trình phương án xử lý.

Mới đây, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng 5 phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm BOT Cai Lậy. Cụ thể, phương án 1, Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm, tức khoảng 30% so với ban đầu; mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Phương án 2, lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Phương án 3, giữ nguyên mức giá trước thời điểm tạm dừng và giảm thời gian thu xuống 7,7 năm. Phương án 4, chỉ đặt trạm thu giá trên tuyến tránh, và nhà nước chi ngân sách bù khoảng 1.250 tỷ đồng vào năm 2019.

Phương án cuối là bỏ các trạm thu giá, hàng năm nhà nước chi ngân sách cấp bù bằng mức thu khi có trạm BOT của nhà đầu tư, số tiền khoảng 2.026 tỷ đồng.