Ngày 23.2 vừa qua, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông về tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG theo khoản 3 điều 220 bộ Luật hình sự 2015. Các quyết định khởi tố bị can này đã được Viện KSND Tối cao phê duyệt.
Theo Bộ Công an, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan trong thương vụ trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, khởi tố từ tháng 7.2018.
Việc những quan chức cấp cao như 2 cựu Bộ trưởng TTTT vừa bị khởi tố cũng không còn quá xa lạ đối với dư luận bởi trước đó cũng có không ít cựu Bộ trưởng, hay những quan chức cao cấp khác cũng vướng lao lý vì liên quan đến những hoạt động của những tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước. Trong năm 2018, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng hầu tòa là một trong những ví dụ điển hình.
Tham nhũng tư lợi sẽ bị trả giá
Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương.
TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM)
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố do vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và những câu chuyện “lãnh đạo cấp cao” bị bắt như thực tế của Việt Nam trong thời gian qua?
Việc hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố là một trong những trường hợp lãnh đạo cấp cao trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bị khởi tố do có những sai phạm về kinh tế, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đây cũng không phải là vụ đầu tiên lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước của chúng ta bị khởi tố.
Đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, trong quá trình chuyển đổi ấy có tài sản rất lớn là sở hữu của đất nước, toàn dân mà do Nhà nước làm đại diện như đất đai, tài nguyên và các DNNN. Trong đó, vai trò của các lãnh đạo bộ, ban ngành thậm chí là lãnh đạo cơ sở có liên quan đến sở hữu tài sản nhà nước thì bao giờ họ cũng phải có trách nhiệm rất là lớn. Trách nhiệm ở đây được hiểu theo hai nghĩa đó là nghĩa phát triển và cả theo nghĩa thất bại, không thành công thì họ cũng phải có trách nhiệm. Đấy là chưa nói đến việc có tư lợi, tham nhũng thì họ cũng sẽ phải trả giá.
Vì thế, trong quá trình chuyển đổi không phải ngẫu nhiên mà thường những người đứng đầu cơ sở hay lãnh đạo bộ ngành liên quan trực tiếp tới kinh tế thường dính vào những vấn đề này.
Việc cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý giống như câu chuyện của hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn đã diễn ra cả những năm 90 rồi, có điều bây giờ nhiều hơn.
“Nhiều hơn” ở đây nói lên điều gì thưa ông?
Nhiều hơn ở đây nói lên rất nhiều điều. Thứ nhất, cơ chế thể chế của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Thứ hai, như tôi đã nói Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mọi thứ chưa hoàn hảo, chưa tốt nên dễ dẫn tới việc “người ta” có thể tận dụng, lợi dụng cơ chế này để tư lợi cho bản thân.
Khi cơ chế chưa tốt trong một quá trình chuyển đổi sai phạm sẽ tăng lên. Đáng nói hơn, việc này lại rơi đúng vào giai đoạn đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng. Chính vì vậy, những sai phạm không chỉ tăng lên mà còn bộc lộ ra nhiều hơn. Như chúng ta thấy, các vụ án khá là dồn dập, có nhiều đại án được đưa ra, trong đó có rất nhiều cán bộ cấp cao.
Tại sao tôi lại đặt vấn đề như vậy?
Thứ nhất, anh có tư lợi, anh có thể lợi dụng để chuyển của công thành của riêng thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm, sai phạm sẽ bị xét xử. Thế nhưng nếu nhìn trên góc độ phát triển thì càng cho thấy rằng quá trình cải cách DNNN, cải cách những loại tài sản mà nhà nước đứng ra đại diện sở hữu nó cựu kỳ quan trọng. Đất nước này càng phát triển lên thì càng cho thấy đó là vấn đề then chốt.
Một then chốt nữa là cải tổ bộ máy nhà nước. Và nguyên tắc vẫn là từ vấn đề tuyển người, chọn người. Chọn người phù hợp vào những vị trí thích hợp, đặc biệt là vị trí cấp cao.
Động lực chưa rõ ràng, tư lợi khó tránh khỏi
Vậy ngoài việc Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, cơ chế chưa rõ ràng thì còn có nguyên nhân nào khác dẫn tới việc nhiều lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước bị khởi tố như vậy? và liệu có có ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế hay không, thưa ông?
Đối với chúng ta hiện nay, vấn đề căn cơ gắn với câu chuyện cải tổ doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và quan trọng là làm sao lựa chọn được người giỏi vào điều hành doanh nghiệp nhà nước, hay doanh nghiệp có cổ phần do nhà nước chi phối.
"Nếu không có “động lực đàng hoàng”, thì anh phải làm vì anh chứ, tại sao cái anh làm lại vì cái chung? Nếu “động lực” không đủ để họ làm việc, để xóa đi cái xung đột lợi ích giữa cái chung và cái riêng thì rõ ràng, sai phạm hay tiêu cực trong quá trình làm việc là khó tránh", TS. Võ Trí Thành. |
Thế nhưng, tôi phải khẳng định rằng, bản chất của nhiều người trong chúng ta là ích kỷ, tư lợi. Kinh tế thị trường dựa trên tiền đề rất cơ bản đó là hãy làm vì mình, rồi đến doanh nghiệp, người lao động. Chỉ có làm cho bộ máy nhà nước thì phải khác. Một cái khác rất cơ bản đó là phải vì cái chung, vì đất nước. Như vậy, nếu nhìn về lợi ích thì rõ ràng là sẽ có sự xung đột lợi ích ở đây.
Tất nhiên, hệ thống động lực ở đây không chỉ là lương mà nhiều cái khác nữa.
Tôi lấy ví dụ, một ông tổng giám đốc có nhất thiết phải là công chức không? Tổng giám đốc trong cấp lãnh đạo doanh nghiệp để cạnh tranh. Đã cạnh tranh thì động lực cho nó cũng phải mang tính cạnh tranh. Tại sao một ông tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân có thể lương vài trăm triệu, một chuyên gia làm cho doanh nghiệp tư nhân (chuyên gia nước ngoài) có thể lên tới hàng chục nghìn USD?
Chúng ta cần phải đàng hoàng, rõ ràng, minh bạch trong những vấn đề này.
Nếu chúng ta không làm được như vậy thì sẽ dẫn tới thị trường quả chanh. Người vào làm tại các cơ quan nhà nước bao giờ cũng thấp hơn mặt bằng chung chứ đừng nói là chọn người tài. Với động lực thế này thì anh chỉ lấy người dưới mức trung bình thôi. Nếu tôi đủ tài tôi làm ở ngoài, hệ thống động lực đủ cho tôi.
Khởi tố 2 cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn
Nếu không cải cách, không có đủ động lực cho họ, không minh bạch không tất cả, thì chúng ta không giải quyết được những xung đột lợi ích cho những người đứng đầu bộ máy nhà nước. Vậy thì đương nhiên cái ích kỷ và tư lợi nổi lên.
Như vậy làm sao lấy được người tốt, người tài. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nói chung. Tôi thường hay nói vui, vấn đề của Việt Nam không phải là chọn người tài mà Việt Nam không tìm được người kém trong bộ máy nhà nước.
Ngoài tác động “đi lùi” trong nền kinh tế thì nhưng sai phạm của các cán bộ như ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn hay nhiều quan chức khác có gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường đầu tư của Việt Nam trong con mắt của nhà đầu tư ngoại không thưa ông?
Tất nhiên là sẽ có những tác động, nhưng có cả tích cực và hạn chế.
Việc loại bỏ những sai phạm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến các dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn trong thời gian vừa qua cho thấy Việt Nam quyết liệt cải cách trong đó minh bạch hóa, chống tham nhũng. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài. Sâu xa hơn không chỉ là câu chuyện chống tham những mà còn là câu chuyện Việt Nam muốn một môi trường trong lành, minh bạch.
Môi trường đầu tư và minh bạch là rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là trong môi trường trong lành, minh bạch sẽ là môi trường kinh doanh bình đẳng không méo mó mới có thể được đảm bảo. Đây là điều quan trọng đối với nền kinh tế thị trường, đối với các nhà đầu tư làm ăn bài bản chuyên nghiệp, dài hạn chứ không phải chộp giật. Tuy nhiên, nói cho cùng vẫn là vấn đề lòng tin. Tôi bỏ tiền ra tôi làm thì phải có môi trường như vậy.
Nhưng cái đó chưa đủ, đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là nó phải chuyển hóa thành những chính sách, những điều tiết luật lệ minh bạch và bám vào những thông lệ, chuẩn mực tốt nhất đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập sâu như này. Tất nhiên, đây chỉ là tiền đề thôi, nói thì dễ lắm nhưng làm thì khó lắm. Chúng ta còn phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa.
Vâng xin cảm ơn ông!