Chuồng trại miền Bắc tan hoang sau "bão" dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến ngày 16/5, số lượng lợn bị tiêu hủy trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã lên đến hơn 166.000 con trong tổng số 437.000 con lợn nái, lợn đực phối giống, lợn thịt với tổng trọng lượng khoảng 16.000 tấn. Như vậy chỉ sau hơn 2 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm gần 38%, hiện chỉ còn 271.000 con.
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang (Hải Dương), chủ một trang trại lợn lớn nhất, nhì Hải Dương vẫn không hiểu vì sao dịch bệnh có thể "xóa sổ" toàn bộ đàn lợn của gia đình ông chỉ trong vài ngày.
Lợn bị dịch chết la liệt tại trang trại của gia đình bà Phạm Thị Huệ ở Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) đã được đưa đi tiêu hủy theo quy định.
Nhìn khu chuồng trại trống hoác, ông Học không khỏi đau xót: "Kể từ khi đàn lợn bị tiêu hủy, đây là lần thứ hai tôi xuống trại nhưng vẫn không thể quen được cảnh này. Hơn 10 năm nuôi lợn, trang trại chưa bao giờ bị dịch bệnh. Vậy mà giờ đây cả trang trại quy mô vài trăm con lợn nái đã không còn con nào. Hơn 1.000 con lợn đủ loại, từ lợn nái đến lợn con làm cho lực lượng chức năng phải mất tới 5 ngày mới tiêu hủy hết. Kinh tế của cả gia đình tôi đều trông vào đàn lợn, vậy mà...".
Trước khi có dịch bệnh, trang trại của ông Học nuôi hơn 200 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt. Việc phòng chống dịch bệnh luôn được ông Học đặt lên hàng đầu. Từ việc tuân theo nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học như việc lắp đặt hệ thống phun khử trùng tự động, mọi thiết bị như điện thoại, ví tiền, laptop... phải khử trùng bằng đèn UV. Nguồn nước giếng khoan đã qua xử lý mới sử dụng cho đàn lợn... nhưng vẫn không thoát khỏi "án tử".
Chuồng trại cùng hệ thống chăn nuôi hiện đại của gia đình ông Học hoang tàn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi tấn công.
Trang trại của ông Học được xây dựng từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư lên đến 11 tỷ đồng. Ngoài số tiền tiết kiệm của gia đình, ông phải vay thêm ngân hàng. Chưa kịp thu hồi vốn thì lợn rơi vào thời kỳ khủng hoảng về giá, nay lại bị "xóa sổ" vì dịch bệnh khiến ông rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất.
Đợt dịch này, trang trại của ông buộc phải tiêu hủy 207 con lợn nái, 650 lợn con và 360 con lợn thịt với tổng trọng lượng hơn 106 tấn. Theo quy định, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng. Thế nhưng ông vẫn thiệt hại gần 2 tỷ đồng vì phần lớn lợn bị tiêu hủy là lợn nái ngoại và lợn đực giống có giá trị cao.
Số lượng lợn bị dịch đưa đi tiêu hủy tăng chóng mặt từng ngày ở Bắc Giang.
Chung tình cảnh với gia đình ông Học, gia đình bà Phạm Thị Huệ ở Khoái Châu, Hưng Yên cũng bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch tả này. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng của gia đình, bà Huệ buồn rầu bảo: "Hơn 10 năm theo nghề nuôi lợn mà giờ trắng tay, toàn bộ tài sản hàng tỷ đồng chôn theo đất, đau xót lắm mà không có cách gì cứu vãn được".
Từng phất lên nhờ nuôi lợn nhưng đến giờ cũng chính con lợn đã hạ gục gia đình bà Huệ.
"Toàn bộ chuồng trại đầu tư hàng tỷ đồng, từ hệ thống nhà lạnh đến hệ thống khử trùng, hệ thống máng cho lợn ăn, uống... đều rất hiện đại nhưng cũng không cứu được đàn lợn nghìn con, chúng tôi thực sự mất niềm tin vào nghề rồi", bà Huệ ngậm ngùi.
Do quá tải, các xã bị dịch ở Bắc Giang huy động mọi phương tiện để đưa lợn đi tiêu hủy.
Theo phản ánh của các chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, phần lớn người chăn nuôi bị dịch tấn công bất ngờ. Bởi theo khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn, chỉ cần các trang trại đầu tư chăn nuôi hiện đại, an toàn sinh học là có thể "kháng" được dịch tả nguy hiểm nhưng đến giờ đã "vỡ mộng".
"Tưởng rằng chăn nuôi an toàn sinh học sẽ thoát "án tử" nên lúc đầu chúng tôi cũng phần nào yên tâm, nhưng giờ mọi thứ đã hết, chúng tôi "trắng tay" cả rồi, đau xót quá", ông Hoàng Văn Thương ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) chia sẻ.
Tiêu hủy lợn dưới thời tiết nắng nóng như đổ lửa ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Thú y viên tại các địa phương căng mình chống dịch và tiêu hủy lợn.