Sau bệnh sâu keo mùa thu, mới đây giới khoa học thế giới lại tiếp tục cảnh báo về dịch hại sâu vẽ bùa cà chua Nam Mỹ đang tiến gần biên giới nước ta.
Lây lan chóng mặt
Khảm lá mì (sắn) được ghi nhận là căn bệnh lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á, lây lan với tốc độ chóng mặt. Trước khi xuất hiện tại Việt Nam, bệnh gây hại nặng ở Campuchia, Lào.
Trồng cà chua theo phương pháp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao sẽ giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh mới nổi. Ảnh: T.L
"Với ngành bảo vệ thực vật, khi một đối tượng mới xuất hiện chúng ta cần bình tĩnh, cán bộ kỹ thuật phải có kế hoạch và cách thức tuyên truyền cụ thể, phù hợp. Việc lo lắng thái quá dễ đưa đến cách xử lý không tốt, như phun thuốc tràn lan, tức can thiệp càng sâu vào hệ sinh thái. Khi đó, mức độ thiệt hại lại càng nặng hơn”. PGS - TS Lê Văn Vàng |
Giữa năm 2017, khi nông dân Tây Ninh đang còn lạ lẫm với căn bệnh ngoại lai do virus Sri Lanka gây ra thì sang năm 2018, dịch khảm lá mì hoành hành rộng khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đến năm 2019, giải pháp khống chế vẫn chưa triệt để, dịch khảm lá tiếp tục đe dọa vùng nguyên liệu và ngành xuất khẩu tỷ đô của cả nước.
Tiếp đó, đầu năm 2019, các nhà khoa học thế giới đã cảnh báo Việt Nam về một dịch bệnh nguy hiểm mới là sâu keo mùa thu. Đến nay, sâu bệnh này đang gây hại trên các vùng trồng bắp ở miền Bắc, đã vào tới miền Nam và đe dọa sớm xuất hiện ở các vùng trồng bắp (ngô) ở ĐBSCL.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), sâu keo mùa thu là loài sâu hại mới có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, đã lây lan rất nhanh từ Nam Mỹ đến miền Đông và Trung Bắc Mỹ. Sâu keo tiếp tục hoành hành khắp châu Phi, Brazil rồi lan rộng sang các quốc gia châu Á. Đầu năm 2019, bệnh ghi nhận lần đầu tiên ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Tại Đồng Nai, sâu keo mùa thu xuất hiện vào cuối tháng 4. Do thời tiết thuận lợi cho giống sâu này sinh trưởng nên chỉ sau hơn 1 tháng, toàn tỉnh đã có hơn 250ha bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại. Do là loài sâu hại mới, nên ban đầu nông dân khá lúng túng trong xử lý. Sức cắn phá của loại sâu này rất khỏe, chúng lại phát triển nhanh khiến nông dân càng lo lắng.
Những ngày đầu tháng 6, giới khoa học thế giới lại tiếp tục cảnh báo về dịch hại mới là sâu vẽ bùa cà chua Nam Mỹ đang ngấp nghé tiến sát biên giới Việt Nam. TS Nguyễn Văn Hòa - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết, các chuyên gia quốc tế cảnh báo dịch hại này là chính xác. Chúng ta không hề mong muốn bị dịch hại này tấn công, nhưng khả năng lan truyền sâu vẽ bùa cà chua đến Việt Nam là rất cao.
Sâu bệnh mới ngày càng khó trị
Theo TS Hòa, điều dễ nhận thấy là thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các loài dịch hại mới. Trước đó, có sâu hại bưởi, bọ hại dừa, gần đây có con muỗi hành... Các nguồn bệnh này có phần nguyên nhân từ việc giao thương hàng hóa nông sản ngày càng dễ dàng và rộng khắp.
Trong khâu canh tác, việc đổ xô trồng ồ ạt và thâm canh quá mức cũng khiến chất đất suy giảm, sức đề kháng của cây yếu, sâu bệnh trở nên cứng đầu và khó tiêu diệt hơn. Nhất là khi cây trồng thiệt hại nghiêm trọng, nên nhiều nhà vườn bỏ bê, không quan tâm chăm sóc, sâu bệnh hại lại càng có điều kiện gia tăng số lượng và mức độ nguy hiểm.
“Một nguyên nhân không thể bỏ qua nữa là tác động của biến đổi khí hậu khiến việc phòng trừ sâu bệnh ngày càng khó khăn” - TS Hòa nói.
Đồng tình quan điểm này, PGS-TS Lê Văn Vàng - Đại học Cần Thơ cho rằng, ngoài những biểu hiện dễ nhìn thấy như nước biển dâng, lũ lụt... biến đổi khí hậu còn kéo theo việc thay đổi cấu trúc dinh dưỡng trên cây trồng. Đồng thời, thay đổi luôn cấu trúc của sâu bệnh, dịch hại. Nhất là khi nhiệt độ tăng lên, dù con người không cảm nhận rõ, nhưng vẫn có tác động lên các loài dịch hại, nhất là loài có vòng đời ngắn.
Trong khi đó, kiến thức phòng chống các dịch bệnh mới còn hạn chế. Với sâu vẽ bùa cà chua, các chuyên gia đưa ra một giải pháp là có thể đặt bẫy pheromone. Thế nhưng, cái khó khi áp dụng pheromone là giá thành còn cao, nông dân khó đáp ứng được. Biện pháp thứ 2 là sử dụng các loài thiên địch. Thế nhưng, với sâu vẽ bùa cà chua, trong thời gian đầu xuất hiện, các loài thiên địch tại chỗ chưa có nên phải cần thời gian để hệ sinh thái bản địa đáp ứng theo.
Theo TS Vàng, trong mối tương quan của hệ sinh thái nông nghiệp, con gây hại - thiên địch - cây trồng có mối tương tác với nhau. Nếu can thiệp không khéo, các mối tương tác gãy vỡ thì thiệt hại còn lớn hơn. Do đó, khâu quan trọng nhất hiện nay vẫn là cảnh báo sớm, có các giải pháp cần thiết để hạn chế lây lan mầm bệnh ngay từ đầu.