Quá tải bệnh viện, giải quyết rồi bệnh nhân vẫn khổ

Thứ hai, ngày 21/08/2017 06:00 AM (GMT+7)
“Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối, nhiều bệnh nhân nhất quyết phải được chuyển đến đây điều trị, có chết cũng an lòng”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ như thế tại hội nghị bàn về mô hình hợp tác giảm tải của bệnh viện này hồi tuần qua.
Bình luận 0

Bác sĩ CK2 Phạm Thanh Việt, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện, đồng tình: “Bệnh viện mang tên là chợ, nhưng bệnh viện luôn nhận được sự tin tưởng của bệnh nhân, đó là trách nhiệm lớn lao của đội ngũ nhân viên y tế ở đây”.

img

Quá tải ở bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ.

Do được người dân tin tưởng, nên bệnh viện Chợ Rẫy phải đón một lượng bệnh nhân lớn từ khắp nơi đổ về. Hơn mười năm nay chỉ tiêu kế hoạch bệnh nhân nội trú chỉ là 1.800 người/ngày, nhưng số thực nhận lên tới 2.700 người, thậm chí có ngày 2.900 người.

Dĩ nhiên, với lượng bệnh quá tải như thế, bệnh viện không thể kham nổi, phải tự cứu mình bằng cách hợp tác san sẻ bệnh nhân với những nơi khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, từ năm 2005 bệnh viện đã hợp tác với hai bệnh viện nhỏ kế cận để chuyển giao bệnh nhân điều trị ổn định sang đây, và đến nay số bệnh viện hợp tác tăng lên 12 với 54 lượt hợp tác chuyên khoa. Những chuyên khoa đạt hiệu quả giảm tải tốt nhất là tim mạch can thiệp (giảm tải 36%), chấn thương sọ não (35,2%) và chấn thương chỉnh hình (23,1%).

Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng màu hồng. TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa, trưởng khoa Tim mạch can thiệp, cho biết nhiều bệnh nhân dù điều trị ổn định được chuyển sang bệnh viện khác nằm cho rộng rãi, thoải mái, nhưng họ nhất quyết không đi, chỉ thích nằm lại ở bệnh viện Chợ Rẫy cho yên tâm.

BS Phạm Thanh Việt nêu những khó khăn căn cơ hơn: “Quyền lợi bệnh nhân qua bệnh viện hợp tác bị ảnh hưởng đáng kể vì danh mục thuốc, vật tư y tế khác nhau giữa các bệnh viện. Tuyến bệnh viện và danh mục trúng thầu có giá khác nhau, nên bệnh viện phải bỏ tiền mua với giá khác nhau. Bên cạnh đó, danh mục kỹ thuật tại bệnh viện giảm tải không đầy đủ như ở bệnh viện Chợ Rẫy. Rồi sau khi xuất viện ở bệnh viện giảm tải, bệnh nhân cũng không thể tái khám ở bệnh viện Chợ Rẫy”.

Bà K., 58 tuổi, ngụ tại Bình Chánh, TP.HCM, là một trường hợp trong số đó. Tháng 6.2017, bà có giấy chuyển viện từ một bệnh viện tuyến thành phố đến bệnh viện Chợ Rẫy chữa ung thư. Ở đây, bà được chuyển tiếp đến một bệnh viện hợp tác tại quận 5 để nằm trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Thế nhưng, sau khi xuất viện về nhà và tái khám lại ở bệnh viện Chợ Rẫy một tháng sau đó, bà lại bị từ chối vì thiếu… giấy tái khám.

Người thân của bà phân trần: “Tôi tưởng bệnh viện hợp tác thuộc bệnh viện Chợ Rẫy nên giấy xuất viện ở đây có giá trị chứ nào ngờ. Trở lại bệnh viện ban đầu để xin giấy chuyển viện hưởng bảo hiểm y tế, người ta rầy rà suốt vì trong một năm chúng tôi xin giấy chuyển viện mấy lần”.

Bệnh viện quá tải, không chỉ bệnh nhân mà bác sĩ cũng khổ. X, một bác sĩ chỉnh hình than thở: “Mỗi bệnh nhân tôi chỉ có đúng hai phút vừa khám, vừa kê toa, biết khám như thế là không chất lượng, nhưng chúng tôi không còn cách nào. Khám chậm là bệnh nhân dồn ứ, thậm chí còn bị bệnh nhân than phiền”.

Nhưng một hệ luỵ không ngờ là tình trạng quá tải sẽ làm cho trình độ chuyên môn của bác sĩ giảm sút. Một bác sĩ trưởng khoa phân tích: “Mỗi buổi một bác sĩ khám cả trăm lượt bệnh nhân ngoại trú, khám xong họ mệt nhoài rồi thời gian đâu cho học hành. Tôi luôn khuyến khích các bác sĩ trẻ tự học, nhưng với mức độ làm việc như thế, họ không còn thời gian học ngoại ngữ, đọc sách và cập nhật kiến thức. Y học mỗi ngày một tiến bộ, nếu bác sĩ không trau dồi chuyên môn, họ sẽ tụt hậu và không thể chữa bệnh tốt được”.

Tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế, phải thốt lên về tình cảnh của bệnh viện Chợ Rẫy: “Không có nơi nào trên thế giới lại như ở đây, một giường bệnh có 3 – 4 bệnh nhân cùng nằm”.

Có lẽ chưa có một khảo sát đầy đủ nào về thực trạng và hệ luỵ của quá tải bệnh viện lên nỗi khổ của bệnh nhân ở nước ta. Ai cũng thấy đó là nỗi kinh hoàng và cũng tìm giải pháp để tháo gỡ, nhưng rồi giải pháp nào cũng mang tính tạm thời, bệnh nhân chuyển từ nỗi khổ này sang nỗi khổ khác.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt đề xuất: “Đơn vị hợp tác giảm tải cần được hoạt động theo cơ chế trực thuộc hạt nhân bệnh viện Chợ Rẫy. Chỉ như thế bệnh nhân mới không phải chuyển tuyến và họ được hưởng danh mục kỹ thuật, vật tư y tế tương tự, đặc biệt là họ có chế độ tái khám tại bệnh viện Chợ Rẫy, chứ không chịu thiệt thòi như hiện nay”.

Ông Khuê đồng tình: “Cần  làm rõ mô hình hợp tác giảm tải của bệnh viện Chợ Rẫy, phải làm sao bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân, thầy thuốc và bệnh viện. Cần công khai minh bạch mọi chuyện để giải toả một dư luận lâu nay cho rằng bệnh viện Chợ Rẫy “bán” bệnh nhân sang bệnh viện khác”.

Bài, ảnh Tâm An (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem