Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong chặng đường phát triển của Việt Nam, dấu ấn doanh nghiệp Singapore rất lớn, hiện diện ở khắp mọi ngành, lĩnh vực. Sự bổ sung, hỗ trợ của các ngành có thế mạnh của Singapore giúp Việt Nam từng bước xây dựng được nền kinh tế tự chủ, tham gia vào một số chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng được cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đô thị để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tính từ năm 2020 đến nay, Singapore đã 3 năm liền là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, với số vốn đầu tư lần lượt là (8,9 tỷ USD, 10,7 tỷ USD và 6,45 tỷ USD), vượt qua cả nhà đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản về số dự án và số vốn đầu tư dù trong bối cảnh đại dịch và những hệ quả của nó mang lại rất lớn, song sự tin tưởng đầu tư của Singapore cho thấy mối quan hệ khăng khít của kinh tế hai nước ngày càng lớn. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, đầu tư của các doanh nghiệp Singapore cũng để lại dấu ấn quan trọng.
Theo số báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, 7 tháng đầu năm 2023, vốn của các nhà đầu tư Singapore vào Việt Nam ước đạt 3,63 tỷ USD, tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục dẫn đầu trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư từ Singapore chủ yếu đổ vốn vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện điện tử, công nghiệp dầu khí - điện, công nghiệp nhẹ, xây dựng và bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam.
Lũy kế đến hết ngày 20/7/2023, vốn đầu tư FDI của Singapore tại việt Nam đạt gần 73 tỷ USD, đứng thứ hai trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc, vượt qua Nhật Bản.
Rót lượng vốn khủng vào Việt Nam và luôn duy trì trong top 3 nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam hàng chục năm qua, có thể nói doanh nghiệp Singapore đã khai thác rất tốt tiềm năng, thế mạnh và kiếm được lượng tiền khủng từ Việt Nam. Mấu chốt lớn nhất của đầu tư Singapore tại Việt Nam là xây dựng những khu công nghiệp riêng mang tính đặc biệt về cơ chế, chính sách để phát triển thuận lợi.
Hiện, Singapore đã xây dựng 12 khu công nghiệp mang tên VSIP trên cả nước, tập trung tại hầu hết các địa phương công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm như Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ngãi và Nghệ An, Bình Định, Cần Thơ, Thái Bình... dự kiến thu hút tổng vốn đầu tư trị giá khoảng 17 tỷ USD và tạo ra hơn 300.000 việc làm cho lao động Việt Nam.
Hoạt động của các VSIP là hình mẫu phát triển của các khu công nghiệp Việt Nam, nơi có mức độ tập trung các doanh nghiệp liên kết, chuỗi doanh nghiệp, các doanh nghiệp hạ tầng hoàn chỉnh.
Từ năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore và Tập đoàn Becamex của Việt Nam đã thành lập Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) đầu tiên, tọa lạc trên vùng đất rộng 2.500 ha tại tỉnh Bình Dương. Đây là dự án khu công nghiệp được khởi đầu dựa trên ý tưởng hợp tác của Chính phủ 2 nước Việt Nam - Singapore, tiếp sau đó nhiều khu công nghiệp tương tự của VSIP lần lượt ra đời tại Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng đã trở thành cực phát triển cho mỗi địa phương.
Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư; thứ hai là kinh doanh bất động sản và thứ 3 là lĩnh vực sản xuất điện.
Hiện phần lớn các dự án đầu tư của Singapore đều có quy mô lớn và vừa trong nhiều lĩnh then chốt như dầu khí, tài chính, ngân hàng, bất động sản. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, các nhà đầu tư Singapore hiện có khoảng 3.300 dự án khác nhau tại Việt Nam, bình quân mỗi dự án nhà đầu từ nước này bỏ vào Việt nam khoảng 22 triệu USD, tương hơn 500 tỷ đồng/ dự án.
Vốn bình quân của doanh nghiệp Singapore vượt quy mô bình quân của các nước tại Việt Nam, trong đó số vốn bình quân/ dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc - nước có số vốn lớn nhất đầu tư vào Việt Nam (theo số liệu hiện hành) chỉ 8,5 triệu USD/ dự án (196 tỷ đồng/ dự án), vốn các nhà đầu tư Nhật Bản bình quân là 14 triệu USD, (tương đương khoảng 320 tỷ đồng/ dự án).
Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển của Việt Nam và Singapore được nhiều nhà kinh tế, chuyên gia hàng đầu Việt Nam đánh giá là hình mẫu phát triển, triết lý Win – Win trong xu hướng hợp tác thương mại – đầu tư mới của thế giới. Singapore có vốn, kinh nghiệm quản lý, cường quốc số 1 của thế giới về dịch vụ tài chính và logistics... Trong khi đó, đây đều là cái mà Việt Nam cần, học hỏi, hỗ trợ. Nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng lớn với lao động trẻ, có kĩ năng, năng động, tiềm năng lớn để phát triển chế biến, chế tạo nông hải sản, quy mô dân số đông, dịch vụ tài chính – logistics chưa phát triển mạnh....
Không chỉ có số vốn bình quân/ doanh nghiệp lớn nhất vào Việt Nam, Singapore cũng là nhà đầu tư với hàng loạt dự án tỷ USD, không kém cạnh các ông lớn Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ tại Việt Nam. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Singapore hiện có 3 "siêu dự án" gần đây là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (cấp phép năm 2020, vốn đăng ký 4 tỷ USD); khu nghỉ dưỡng Nam Hội An ở Quảng Nam (cấp phép năm 2010, vốn đăng ký 4 tỷ USD) và dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (cấp phép năm 2021, vốn đăng ký 3,12 tỷ USD)... cho thấy Việt Nam thực sự đang là đối tác quan trọng trong hợp tác, chia sẻ lợi ích phát triển.
Về thương mại, Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào Singapore, tăng trưởng kim ngạch 2 con số mỗi năm. Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Singapore là thị trường trung chuyển hàng hóa của thế giới có độ mở rất cao với tổng kim ngạch thương mại lên đến 1.200 tỷ SGD trong năm 2021, gấp đôi GDP của quốc đảo này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính hết 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Singapore ước đạt 5,2 tỷ USD, Singapore là bạn hàng thứ 2 của Việt Nam trong khối ASEAN. Năm 2021 và 2022, kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước đạt lần lượt từ 8,1 tỷ USD đến 9,1 tỷ USD, nước này cũng là 1 trong 4 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN.
Quan hệ thương mại của Việt Nam chủ yếu hướng ra xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tại các cơ chế chung, Việt Nam và Singapore hiện tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tư do song và đa phương lớn của thế giới, khu vực và tại ASEAN, Việt Nam và Singapore là những nền kinh tế dẫn đầu trong khu vực về độ mở cửa với bên ngoài.
Ngoài cơ chế chung của tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà hai nước đều là thành viên, Việt - Sin còn tham gia nhiều cơ chế liên khu vực như Cộng đồng ASEAN (AC), ASEAN+ 1, 2, 3 với Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc... hay tham gia mạnh mẽ vào+ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất tại ASEAN đã ký kết và thực hiện hiệp định thương mại tự do với EU. Đây là cơ sở cho hợp tác giữa hai nước cùng chia sẻ lợi ích khai thác thị trường mà doanh nghiệp hướng đến.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, mối quan hệ hợp tác của Việt Nam và Singapore là hình mẫu cho mối hợp tác hướng tới thịnh vượng chung. Trong khu vực ASEAN và châu Á, Việt Nam và Singapore là hai nền kinh tế có sự bổ trợ, tương hỗ lớn nhất, Việt Nam có nhiều tiềm năng, có độ mở lớn và khát vọng vươn lên mạnh mẽ nhưng hạn chế về vốn, kỹ năng quản trị. Sự bộ trợ của hai nền kinh tế đảm bảo sự hợp tác của Việt Nam - Singapore sẽ khiến triết lý win - win thành công.
Theo GS Mại, trong khi Việt Nam cần vốn, cần đầu tư các ngành ưu tiên như công nghiệp chế biến, chế tạo, thực phẩm....thì lợi thế của doanh nghiệp Singapore là nhanh nhạy về tài chính, dịch vụ, Việt Nam cần phát huy và tận dụng thế mạnh này để xây dựng các ngành dịch vụ tài chính, losgictis, vận tải biển, trao đổi, học hỏi và hợp tác cùng phát triển.
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) có nhiều lý do thu hút các nhà đầu tư Singapore quan tâm đến thị trường Việt Nam, đó là Việt Nam có một nền kinh tế đang phát triển và là một nền kinh tế mới nổi. Đáng nói, trong giai đoạn khó khăn nhất vì đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng vững chắc, bất chấp bối cảnh quốc tế còn nhiều khó khăn, tầng lớp trung lưu trong nước vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Thứ hai, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như giáo dục chưa thực sự phát triển, cần thời gian để cải thiện hạ tầng, nâng cấp môi trường đầu tư - kinh doanh. Ngược lại, Singapore lại là quốc gia có thế mạnh về các lĩnh vực trên. Từ hạ tầng, logistics, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, công nghiệp hàng hải, hàng không vũ trụ… Do đó, nếu biết tận dụng, Việt Nam là cơ hội lớn cho nhà đầu tư Singapore mang thế mạnh đầu tư của mình sang Việt Nam phát triển.
"Cả 2 quốc gia Việt Nam và Singapore có nét tương đồng là đi đầu khu vực trong hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết và đàm phán hàng loạt các FTA. Chính nét tương đồng này giúp 2 nước tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chính sách thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh song phương có hiệu quả", chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.