Quy định mới nhất về thời gian đóng - hưởng chế độ thai sản năm 2024?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 16/08/2024 13:00 PM (GMT+7)
Bộ Luật lao động 2019 và Luật BHXH năm 2014 quy định cụ thể về việc đóng BHXH, hưởng chế độ thai sản. Dưới đây là những điều lao động cần viết để thực hiện chế độ này.
Bình luận 0

Cần đóng BHXH bao lâu để được hưởng chế độ thai sản?

Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Tại Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Quy định mới nhất về thời gian đóng - hưởng chế độ thai sản năm 2024? - Ảnh 1.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản mới nhất năm 2024. Ảnh: Tuệ Lâm

Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau:

Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con;

Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản này.

Các chế độ thai sản, người lao động được hưởng?

Theo Luật BHXH thì đối tượng được hưởng chế độ thai sản bao gồm: Lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai; triệt sản; lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ; lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con hoặc nhận con nuôi là đối tượng được hưởng chế độ thai sản.

Người lao động thuộc diện trên được hưởng nhiều chế độ liên quan thai sản, ví dụ như: Thời gian khám thai; được nghỉ khi sảy thai, hút thai, phá thai khi bệnh lý... thời gian hưởng chế độ khi sinh con.

Quy định mới nhất về thời gian đóng - hưởng chế độ thai sản năm 2024? - Ảnh 2.

Khi sinh con phụ nữ được hưởng đầy đủ chế độ thai sản, tiền thai sản, cũng như chế độ dưỡng sức... Ảnh: Thành Vinh

Lao động nghỉ sinh con được hưởng tiền thai sản. Số tiền thai sản được tính dựa trên bình quân tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc cùng số tháng nghỉ việc do dinh con hoặc nuôi con nuôi.

Ngoài ra, lao động sau sinh còn được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh. Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu đi làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày.

Lao động nữ được hưởng tiền trợ cấp từ chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Lao động nam có vợ sinh con cũng được hưởng chế độ thai sản. Được nghỉ từ 5- 14 ngày tùy trường hợp. Tuy nhiên lao động nam cần lưu ý số ngày nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ cuối tuần. Thời gian nghỉ của lao động nam được tính trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con. Trường hợp lao động nam nghỉ trước thời gian vợ sinh con thì những ngày nghỉ đó được tính là nghỉ phép/ hoặc nghỉ tự do và không được hưởng lương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem