Con đặc sản to dài nằm dày đặc dưới hồ xi măng, trai xóm ở Cà Mau nuôi thành công, bán 900.000 đồng/kg

Trịnh Hải-CTV (Cổng TTĐT Tỉnh đoàn Cà Mau) Thứ sáu, ngày 17/01/2025 05:23 AM (GMT+7)
Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp khi gia đình không có đất sản xuất, anh Trần Minh Đăng, đoàn viên ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cho biết đã tận dụng hơn 6m2 đất nhà ở để xây 4 hồ nuôi rắn ri tượng
Bình luận 0
Không đất sản xuất, nhà có 5 khẩu, 2 trường hợp mắc bệnh bẩm sinh không lao động được, đoàn viên Trần Minh Đăng làm nhiều nghề, tìm thêm mô hình gánh vác kinh tế gia đình. 

Người thanh niên trụ cột đã tìm hướng đi không mới nhưng hiệu quả, cùng với cái duyên mua bán nên đầu ra của mô hình nuôi rắn ri tượng (rắn ri voi) của gia đình ngày một ổn định hơn.

img

Từ 10 con rắn ri voi giống ban đầu, đến nay mô hình nuôi rắn đặc sản của anh Đăng, ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đã có hơn 40 con rắn ri voi trưởng thành, rắn sinh sản.

Nguồn thu đầu tiên từ mô hình nuôi rắn đặc sản quy mô nhỏ

Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp khi gia đình không có đất sản xuất, anh Trần Minh Đăng, đoàn viên ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cho biết đã tận dụng hơn 6m2 đất nhà ở để xây 4 hồ nuôi rắn ri tượng. 

Bắt đầu tìm hiểu, tập nuôi thử từ năm 2020 với 10 con giống, hiện tại mô hình đã có hơn 40 con rắn trưởng thành, sinh sản. Rắn ít bệnh, bí quyết của Đăng là mua nguồn cá phi từ các vuông tôm tại địa bàn để cho làm thức ăn, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. 

Cứ 6 đến 7 ngày mới phải cho rắn ri voi ăn một lần. Tính trung bình khi rắn trưởng thành đạt trọng lượng khoảng 1,5kg chỉ tốn khoảng 6kg cá phi. 

Chia sẻ về khó khăn gặp phải khi thực hiện mô hình anh Đăng cho biết ban đầu chưa nắm kỹ thuật, tập tính của rắn nên thiệt hại khá nhiều. Đặc biệt việc thu mua nhầm cá phi thuốc vuông cho rắn ăn đã gây chết nhiều cá thể. 

“Từ đó mình chú trọng hơn, chỉ lựa chọn những hộ cung cấp cá phi tươi để đảm bảo sức khỏe cho rắn phát triển”, anh Đăng chia sẻ. Ngoài ra, việc xử lý hồ nuôi bằng cây chuối ngâm được áp dụng từ thời điểm ban đầu. Sau đó cứ 3 đến 4 ngày sẽ được anh thay nước để đảm bảo môi trường sống cho rắn...", anh Đăng chia sẻ.

Đến nay rắn ri voi được bán chủ yếu thông qua các trang mạng xã hội. Đầu ra ổn định liên tục cháy hàng, rắn con được nhiều nơi đặt trước. 

img

Tận dụng diện tích 6m2, anh Đăng làm 4 hồ xi măng nuôi rắn ri voi chia theo kích cỡ, độ tuổi của rắn.

Qua thời gian nuôi gần 4 năm đến nay mô hình đã thêm ổn định bền vững. “Đối với rắn nhỏ thì mình lựa mồi nhỏ như cá trê con, tập cho ăn đến khi đạt 2 tháng tuổi thì chuyển qua cá lớn.

Khâu nuôi dưỡng từ ban đầu khá quan trọng, tuy nhiên rắn cũng ít bệnh, ít bị ảnh hưởng do thời tiết nên việc chăm sóc cũng dễ dàng”, anh Đăng phấn khởi nói thêm.

Ông Trần Văn Tý, cha anh Trần Minh Đăng chia sẻ những khó khăn khi căn bệnh khớp gần 6 năm nay khiến ông không lao động được, gia đình gồm những người lớn tuổi, cưu mang chăm sóc người chậm phát triển nên toàn bộ gánh nặng kinh tế đặt lên vai anh Đăng. 

“Từ khi nuôi rắn với những phần việc cũng tương đối nhẹ nhàng, phù hợp sức khỏe, tôi cũng tiếp đỡ đần, trông coi, chăm sóc để mô hình phát triển. Năm 2023 vừa qua bán rắn thu được vài chục triệu sau đợt đầu tiên, ước chừng năm nay nguồn thu sẽ tăng hơn, ổn định hơn.
Đặc biệt khi đã có kinh nghiệm gia đình sẽ chú trọng hơn trong khâu chăm sóc, không xảy ra tình trạng rắn bị chết do thức ăn, môi trường nước như trước đó”, ông Tý cho biết.

img

Trọng lượng nhiều con rắn ri voi đã đạt trên 2,5kg

Ấp ủ kế hoạch mở rộng mô hình nuôi con đặc sản

Từ những hiệu quả bước đầu đến nay anh Đăng đã tự tin hơn khi duy trì mô hình nuôi rắn ri tượng. Anh cho biết rắn nuôi 18 tháng thì đến tuổi sinh sản, là điều kiện tạo nguồn con giống mở rộng chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

Với mô hình nhỏ trong năm gia đình có 2 đợt cao điểm xuất bán. Từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch là thời điểm rắn đẻ nhiều sẽ tập trung bán rắn con. 

Hiện với 500 con rắn giống khoảng 20 ngày tuổi cũng đã được khách hàng đặt trước với giá bán 70.000 đồng/con. Đợt bán rắn giống thứ 2 tập trung từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, gia đình bán rắn đực với giá khoảng 400.000 đồng/ký. 

Ngoài ra, thỉnh thoảng gia đình cũng bán rắn thịt, chủ yếu là những con đạt trọng lượng nhưng không đảm bảo chất lượng để sinh sản, tạo nguồn con giống. 

Mỗi năm từ rắn ri tượng mang nguồn lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng, tạo điều kiện để anh thanh niên duy trì mô hình nhỏ. Với số lượng rắn đang có, anh Đăng ấp ủ kế hoạch mở rộng, tăng thêm thu nhập.

img

Từ facebook, zalo, anh Đăng, nông dân nuôi rắn ri voi-loài rắn đặc sản đã tìm được đầu ra ổn định.

“Hiện tại kênh bán của mình chủ yếu trên các ứng dụng như facebook, zalo, khi khách có nhu cầu sẽ bình luận, nhắn tin, đồng thời mình cũng tư vấn cho khách khi có nhu cầu. 

Từ đó tạo sự tin tưởng, người ta cũng biết và tìm đến để đặt mua”, Đăng chia sẻ thêm đồng thời mong muốn các cấp bộ đoàn có sự quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn khoảng 20 triệu đồng để mở rộng mô hình.

Đánh giá mô hình nuôi rắn của gia đình đoàn viên Trần Minh Đăng, Anh Nguyễn Văn Lèo, Phó Bí thư Xã đoàn Tân Lộc, huyện Thới Bình mong muốn đây sẽ là tấm gương điển hình để đoàn viên thanh niên tại địa bàn học tập, noi theo. 

“Với những điều kiện khác biệt mong muốn các bạn đoàn viên có sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, tận dụng điều kiện sẵn có của gia đình đặc biệt là những hộ có đất để tăng gia sản xuất.

img

Hồ xi măng nuôi rắn ri voi được xử lý từ thời điểm xây dựng ban đầu giúp rắn phát triển khỏe mạnh, không bị trầy xước da

img

Bí quyết của mô hình nuôi rắn đặc sản của anh Đăng, thanh niên ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) còn từ việc tận dụng nguồn cá có sẵn tại địa phương để giảm chi phí.

Khi có thêm thu nhập sẽ giúp đời sống đoàn viên thêm ổn định, góp phần xây dựng kinh tế gia đình và góp sức nhiều hơn cho công tác đoàn của địa phương”, anh Lèo chia sẻ thêm.

Là lao động chính chăm sóc cho 4 người thân, lớn tuổi, bệnh tật, khi mô hình dần ổn định, anh Đăng cũng có nguồn thu nhập khá hơn, trang trải cuộc sống, con rắn ri tượng đã giúp gia đình vượt qua khó khăn.

Với ý chí phấn đấu cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, xây dựng mô hình gắn với chủ động tìm đầu ra, anh Đăng đang khẳng định hướng đi ngày thêm bền vững. 

Trong quá trình đó vẫn cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, kết nối tiêu thụ từ các cơ sở đoàn để người thanh niên ngày một phát triển, vươn lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem