Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo người bán thì nguyên nhân là do chúng có hàm lượng dinh dưỡng cao. Song trên thực tế, chưa có bất kỳ chứng nhận hay công bố của tổ chức chuyên môn nào chứng minh điều này.
Tại một cửa hàng thực phẩm trên đường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM), dù mới khoảng giữa buổi sáng nhưng chỉ còn duy nhất một vỉ cà rốt “baby”; trọng lượng hơn 100 g giá 14.000 đồng. Dù giá cao như vậy nhưng nhân viên ở đây cho biết “loại rau củ này hiện rất hút, hàng về là hết ngay”. Thậm chí, cũng là cà rốt “baby”, nhưng tại một cửa hàng thực phẩm khác trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) lại có giá đến 18.000 đồng/100 g và rất đông khách hàng chọn mua.
Thị trường hiện có khoảng gần chục loại rau củ “baby” như cà rốt, dưa leo, bí đỏ, củ cải trắng, củ cải đường, củ dền, cà tím, cà chua, khổ qua… chủ yếu được bán trong các cửa hàng thực phẩm và một số siêu thị. Giá của các sản phẩm này luôn cao hơn từ 6 đến 10 lần, tùy loại, so với rau củ thông thường. Cụ thể, cà tím 81.200 đồng/kg , cà chua 72.500 đồng/kg, dưa leo 64.000 đồng/kg; khổ qua 80.000 đồng/kg , củ dền 85.000 đồng/kg , củ cải đường 84.500 đồng/kg…
Điểm lạ là đa số rau củ “baby” chỉ được đóng gói trong những khay xốp và bao lại bằng màng dẻo, không có thông tin gì về nhà sản xuất hay bất cứ nhãn chứng nhận nào. Tuy vậy, nhân viên ở cửa hàng trên đường Thảo Điền một mực khẳng định rau đảm bảo an toàn vì đạt tiêu chuẩn VietGap và có hàm lượng dinh dưỡng rất cao so với loại thông thường.
Rau củ "baby" thật ra chỉ thỏa mãn nhu cầu "ăn bằng mắt". |
Một số cửa hàng cũng bán xen lẫn loại rau củ “baby” được gắn nhãn VietGap hoặc tiêu chuẩn hữu cơ và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu, song chỉ ở một vài loại chứ không phải tất cả. Tuyệt nhiên không có loại nào được gắn nhãn công bố cho thấy hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.
Chị Thu Thảo (quận 2, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đã mua khoảng 5 - 6 loại để về ăn thử cho biết. Thực ra rau củ 'baby' không ngon như mong đợi, thậm chí một số loại còn không được đậm vị bằng rau củ thông thường. Chẳng hạn, cà rốt khá xơ và nhạt; dưa leo, cà chua thì nhiều ruột chứ không dày thịt, gọi là củ cải đường song vị lại rất nhạt…”.
Kỹ sư Nguyễn Quốc Phong, công ty giống cây trồng miền Nam khẳng định: “Hiện ở Việt Nam tôi chưa ghi nhận được thông tin khoa học nào về việc rau củ kích cỡ nhỏ thì có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn”.
"Rau củ 'baby' chỉ là sự đa dạng về giống để tạo ra nhiều kích cỡ khác nhau. Nhờ đó, người nội trợ có thêm sự lựa chọn để chế biến nhiều món ăn; trang trí, trình bày món ăn hấp dẫn hơn, thỏa mãn nhu cầu 'ăn bằng mắt", thạc sĩ Trần Kim Cương, Trưởng bộ môn nghiên cứu rau, Viện Cây ăn quả miền Nam phân tích.
Một số loại rau củ “baby” trên thị trường hiện nay được dán nhãn chứng nhận vệ sinh an toàn, nhưng nhiều loại không có thông tin gì. |
Theo các chuyên gia trong ngành lai tạo giống, về mặt lý thuyết, có thể chọn lựa đặc tính để tạo ra giống có hàm lượng chất nào đó cao hơn. Chẳng hạn, ở Nhật Bản đã có giống cà rốt chứa carotein cao hơn so với loại thông thường. Tuy nhiên, nếu có thì cũng chỉ tăng một phần hoặc nhiều lắm là gấp đôi so với loại thông thường chứ không quá nhiều. Điều quan trọng, theo kỹ sư Nguyễn Quốc Phong, nếu dinh dưỡng cao hơn thì cần phải có phân tích mẫu, có chứng minh và công bố chất lượng dựa trên kết quả phân tích cụ thể chứ không thể nói suông.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp lý giải, sở dĩ rau củ “baby” cho cảm giác có dinh dưỡng cao hơn vì nó nhỏ, người dùng chủ yếu ăn ở dạng còn tươi sống chứ không nấu. Nhờ vậy, vitamin trong rau củ không bị mất đi mà giữ lại gần như đầy đủ.
Kỹ sư Nguyễn Văn Được, công ty Trang Nông, chuyên cung cấp hạt giống các loại rau củ, hoa quả trên toàn quốc phân tích thêm: “Hàm lượng dinh dưỡng trong rau củ “baby” có thể cao hơn loại thông thường song không nhiều. Giá của nó đắt hơn nhiều lần so với loại thông thường bởi ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, như giống được nhập từ nước ngoài với số lượng ít khiến giá đội lên cao, diện tích sản xuất nhỏ, sản lượng thấp và còn hiếm, không phổ biến”…
Thực tế giống rau củ “baby” đã có từ lâu nhưng vì không phổ biến nên người dùng ít biết đến, bởi loại giống này cho sản lượng thấp nên không được các nhà sản xuất ưa chuộng. Khi năng suất kém mà lại tốn nhiều công chăm sóc thì giá thành bắt buộc phải cao hơn so với thông thường - một giảng viên bộ môn rau củ quả, ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết.
ThS Kim Cương tư vấn thêm, dù giống “baby” hay thông thường thì cũng nên ăn rau củ ở thời điểm thu hoạch (đạt độ chín tới của quá trình sinh trưởng), vì khi đó hàm lượng dinh dưỡng của chúng đạt mức cao nhất. Thậm chí, với một số loại, nếu ăn khi còn non sẽ không tốt vì còn nhiều mủ, có vị chua, chát và nhiều chất trong đó chưa được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.