Sacombank làm ăn có lãi, không chia cổ tức: Cổ đông bức xúc, ông Dương Công Minh phân trần

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 05/06/2020 16:54 PM (GMT+7)
Hàng loạt câu hỏi, tâm tư, bức xúc của cổ đông về việc chia cổ tức; việc giải quyết nợ xấu, bán đấu giá tài sản tại KCN Phong Phú để thu hồi nợ xấu… đã được đưa lên “bàn cân” tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2019 của Ngân hàng Sacombank, trong sáng nay (5/6).
Bình luận 0


Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank: Chúng tôi đang bị… “trên đe dưới búa” - Ảnh 1.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank giải thích những ý kiến của cổ đông (Ảnh: Quốc Hải)

Chia sẻ về kết quả hoạt động 5 tháng đầu năm, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết: lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 1.303 tỉ đồng, tương đương 50% kế hoạch năm, tỉ lệ nợ xấu ở mức 2%.

Cùng với đó, tổng tài sản ngân hàng tăng 5,23%, dư nợ tín dụng tăng 4,8%, nguồn vốn huy động tăng 4,96%.

"Kế hoạch xử lý nợ xấu năm nay là 11.000 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm, nợ xấu đã được đấu giá và đang làm thủ tục chuyển giao đã lên đến 9.700 tỷ đồng, kế hoạch cả năm chắc chắn vượt", bà Diễm nói thêm.

Tại đại hội, sau khi thông qua hàng loạt tờ trình, đại hội bắt đầu nóng lên với hàng loạt câu hỏi từ cổ đông gửi tới HĐQT và ban tổng Giám đốc Sacombank.

Sacombank nên chia cổ tức một ít cũng được, để chứng tỏ ngân hàng vẫn tốt

Đó là ý kiến của một số cổ đông lớn tuổi tại đại hội. Theo nhiều cổ đông, ngân hàng Sacombank năm nào cũng đạt lợi nhuận khả quan, nhưng sao vẫn không chịu chia cổ tức; trong khi các ngân hàng khác vẫn chia cổ tức dù lợi nhuận cũng không bằng.

Một số cổ đông khác lại đặt vấn đề: Sao cổ phiếu STB của Sacombank vẫn mãi lẹt đẹt dù kết quả kinh doanh khả quan, đạt nhiều giải thưởng?

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank: Chúng tôi đang bị… “trên đe dưới búa” - Ảnh 2.

Cổ đông bức xúc về việc không được chia cổ tức nhiều năm nay (Ảnh: Quốc Hải)

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Miên Tuấn, thành viên HĐQT, cho hay thực tế giá cổ phiếu Sacombank thời gian qua dao động quanh mức 10.000/CP theo thực tế diễn biến thị trường chứng khoán. Đầu năm 2020, cổ phiếu STB có lúc lên gần 13.000 đồng/CP, sau đó Covid-19 xảy ra bị bán hàng loạt, STB có lúc xuống "đáy" 7.500 đồng/CP, hiện tại lên trên 10.000 đồng/CP là đã có sự tăng trưởng tở lại khá ấn tượng.

Hiện STB giá trị sổ sách xấp xỉ 15.000 đồng/CP, đang giao dịch dưới giá trị sổ sách có thể là cơ hội để cổ phiếu đi lên sau khi quá trình tái cấu trúc thành công.

Về việc không chia cổ tức, ông Tuấn giải bày, đây là vấn đề HĐQT thấu hiểu và chia sẻ với cổ đông vì năm nào cổ đông cũng hỏi về việc chia cổ tức, cũng đề đạt ý kiến và mong mỏi được nhận cổ tức. "Nói thật, HĐQT đã đề nghị NHNN cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tới nay vẫn chưa thông qua đề xuất. Lợi nhuận giữ lại của Sacombank riêng lẻ hơn 4.500 tỷ đồng, hợp nhất là hơn 5.000 tỷ, hiện tại chưa được chia thì sau này sẽ được hưởng", ông Tuấn nói.

Chốt vấn đề, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank khẳng định: Hiện lợi nhuận chưa phân phối của Sacombank cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng rồi, "vì vậy chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xin NHNN được chia cổ tức trong thời gian sớm nhất".

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank: Chúng tôi đang bị… “trên đe dưới búa” - Ảnh 3.

Cổ đông ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2019 của Sacombank (Ảnh: Quốc Hải)

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020 bị sụt giảm so với năm 2019, ông Minh cho biết, dựa theo tình hình diễn tiến của dịch Covid-19 sẽ có những điều chỉnh phù hợp.

"Qua đại hội này, quý vị cũng thấy được chúng tôi đang trong hoàn cảnh trên đe dưới búa, trên thì có NHNN, dưới thì có cổ đông đòi chia cổ tức. Chúng tôi đang rất cố gắng rồi, hy vọng 2022 - 2023 sẽ không phải nói những điều như thế này, sẽ bứt phá mạnh. Khi ấy tái cơ cấu xong chắc chắn mạnh hơn bây giờ nhiều lần và được chia cổ tức. Sacombank mong NHNN có thêm nhiều hỗ trợ", ông Minh nói thêm.

UBND TP chỉ đạo tạm dừng bán đấu giá ở KCN Phong Phú

Một cổ đông khác là đại diện quỹ đầu tư nước ngoài lại đặt vấn đề về việc giải quyết tài sản của Sacombank tại KCN Phong Phú, vì sao ngưng đấu giá để giải quyết nợ xấu? 

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Miên Tuấn, thành viên HĐQT cho rằng, do KCN Phong Phú cũng có cả đầu tư khu đô thị (KĐT). Tuy nhiên, tại KCN-KĐT này hiện nay còn có nhiều vấn đề tồn tại nên tạm thời được yêu cầu từ phía UBND Thành phố tạm dừng bán đấu giá để chờ tháo gỡ vướng mắc.

Nói thêm về việc này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho hay, ban đầu KCN-KĐT này được rao bán với mức đấu giá trên 9.000 tỷ đồng, nhưng hiện tại chỉ còn được rao bán với giá hơn 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới nhất UBND TP đã đề nghị tạm dừng đầu giá để làm rõ một số vướng mắc về vấn đề pháp lý, và hiện tại Sacombank đã có văn bản gửi UBND TP thông báo chi tiết về những vướng mắc này…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem