Ông nói: “Tôi bị COPD 15 năm, thoạt đầu sau khi điều trị bệnh cải thiện phần nào, nhưng từ hai năm nay khi tôi chuyển về nhà hiện tại sinh sống, gần mặt tiền đường, xe cộ lưu thông sinh khói, bụi nhiều và bệnh tôi cũng nặng lên từ đó. Đi khám bệnh, bác sĩ nói nơi tôi ở bị ô nhiễm không khí nặng, muốn bớt tôi phải chuyển đến nơi có không khí trong lành để sống”. Nói xong, ông dùng tay chùi lên mặt bàn gần đó, bàn tay dính đầy bụi và chìa cho tôi xem: “Ngày nào cũng chùi bụi vài lần, nhưng vài tiếng sau đâu lại vào đó”.
Phần lớn những cái chết có liên quan đến đột quỵ não và bệnh tim do hít phải một lượng lớn những chất độc hại trong không khí như CO, SO2, NO2, ozone và đặc biệt là bụi siêu mịn PM 2.5.
Một thống kê cho thấy TP.HCM có 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 7 triệu xe gắn máy, thải ra một lượng khí thải độc hại khổng lồ như CO2, NO2, NO, SO2 chưa kể bụi than và bồ hóng. Có lần gặp PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, chủ tịch hội Hen – miễn dịch – dị ứng lâm sàng TP.HCM, bà nói: “Dân mình khổ quá, hàng triệu xe máy thải khói bụi như thế, không bị hen suyễn, COPD, ung thư mới lạ”.
Tuần qua, từ ngày 1.5.2017, trong khi nhiều địa phương tiến hành “giải cứu lợn”, thì tại Hà Nội và TP.HCM diễn ra hoạt động “giải cứu người” khỏi ô nhiễm không khí, thông qua Tuần lễ nhận thức chất lượng không khí của Hoa Kỳ.
Có lý do để tổ chức hoạt động này, vì theo bảng chỉ số ô nhiễm toàn cầu TP.HCM xếp thứ 10 và Hà Nội đứng thứ 12 trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đáng lưu ý, trong bảng xếp hạng này hai thành phố nước ta đứng đầu khu vực Đông Á, Đông Nam Á và đứng trên cả Bắc Kinh, thành phố nhiều lần được bêu tên trên thế giới vì ô nhiễm không khí.
Theo ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2013 ô nhiễm không khí làm nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 225 tỉ USD, do tổn thất thu nhập của người lao động và hơn 5.000 tỉ USD từ thiệt hại phúc lợi xã hội. Con số này tương đương GDP của Ấn Độ, Canada và Mexico cộng lại. Trong khi đó, cũng trong năm này, thiệt hại từ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí ở Việt Nam, theo WB, khoảng 23,8 tỉ USD.
Thiệt hại vật chất như thế, nhưng thiệt hại về sức khoẻ còn lớn hơn, khi tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính vào năm 2012 ô nhiễm không khí đã giết chết 7 triệu người trên toàn cầu. Phần lớn những cái chết có liên quan đến đột quỵ não và bệnh tim do hít phải một lượng lớn những chất độc hại trong không khí như CO, SO2, NO2, ozone và đặc biệt là bụi siêu mịn PM 2.5.
Gần đây, ThS.BS Vũ Xuân Đán, trung tâm Bảo vệ sức khoẻ lao động và môi trường TP.HCM, giải thích cơ chế gây hại của những chất trên: “Quá trình hô hấp là đưa oxy vào phổi. Sau đó oxy tiếp xúc với máu, được hemoglobin trong máu kết hợp với oxy để vận chuyển oxy đến tế bào. Không khí càng nhiều bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 thì quá trình kết hợp hemoglobin với oxy càng bị ngăn cản, từ đó tế bào sẽ thiếu oxy. Đây là nguyên nhân khiến người ta bị kích ứng mắt, mũi, họng, phổi, gây chảy nước mũi, khó thở, viêm phế quản mạn, giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim”.
Trong một thông báo phát đi cuối tháng 10.2013, cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của WHO, xác nhận tổ chức này có đủ dữ liệu để kết luận bụi PM gây ung thư ở người. Không nói đâu xa, tại một đất nước phát triển và ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí như Anh quốc, vậy mà mỗi năm người ta ước tính 8% ca ung thư phổi ở đây có liên quan đến PM 2.5.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Thoracic Disease năm qua, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã nêu ra cơ chế gây ung thư phổi của PM 2.5, theo đó bụi này khi xâm nhập vào phổi sẽ theo máu đi khắp nơi làm tổn thương DNA, ức chế quá trình sửa chữa DNA và thúc đẩy sự nhân lên những đoạn DNA bị tổn thương, từ đó dẫn đến ung thư.
Nhưng theo BS Vũ Xuân Đán, trẻ em mới là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi ô nhiễm không khí. Ông giải thích: “Cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp hai lần người lớn. Trẻ càng sống gần mặt đường, công trình xây dựng hay nhà máy công nghiệp, nguy cơ bệnh hô hấp càng cao”.
Đầu năm nay, WHO ban hành một nghiên cứu có tên “Don’t pollute my future! The impact of the environment on children’s health” (Đừng làm tương lai tôi ô nhiễm! Tác động của môi trường trên sức khoẻ trẻ em). Báo cáo có nhiều con số, nhưng một con số khiến người ta phải giật mình, đó là theo WHO mỗi năm có 600.000 trẻ dưới năm tuổi tử vong vì ô nhiễm không khí và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn, bệnh sơ sinh và dị tật bẩm sinh.
Những con số có thể ấn tượng, nhưng có thay đổi nhận thức của con người hay không chưa ai biết được. Sau thủ phạm phương tiện giao thông, TP.HCM đang lo thêm một thủ phạm khác làm trầm trọng thêm ô nhiễm không khí một khi cụm nhà máy nhiệt điện than được xây dựng ở Long An cận kề thành phố.
Vô Thường (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.