Sai lầm khiến Tào Tháo thua đau trong đại chiến Xích Bích, mưu sĩ giỏi đến mấy cũng 'bó tay'
Sai lầm khiến Tào Tháo thua đau trong đại chiến Xích Bích, mưu sĩ giỏi đến mấy cũng 'bó tay'
Minh Nhật (theo Sohu)
Thứ năm, ngày 26/08/2021 21:30 PM (GMT+7)
Đại chiến Xích Bích là một trong 3 trận đánh lớn quyết định cục diện chân vạc thời Tam Quốc. Vì mắc sai lầm này, Tào Tháo dù có nhiều mưu sĩ giỏi vẫn thua đau còn Lưu Bị từ 2 bàn tay trắng có được một phần ba thiên hạ.
Theo Sohu, nhiều người yêu thích tìm hiểu lịch sử thời Tam Quốc sẽ thắc mắc: Xung quanh Tào Tháo có rất nhiều mưu sĩ giỏi, nhưng không ai nhìn ra mưu kế hỏa công Xích Bích của Gia Cát Lượng và Chu Du hay sao? Vì sao các mưu sĩ này lại trơ mắt nhìn Tào Tháo với trăm vạn quân thua đau trước Gia Cát Lượng và Chu Du?
Theo Sohu, để trả lời những câu hỏi cần phải làm rõ những ghi chép liên quan đến trận đại chiến quan trọng này. Các thông tin chi tiết nhất về đại chiến Xích Bích được ghi lại trong tác phẩm Tam quốc chí của Trần Thọ và tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Trận Xích Bích diễn ra như thế nào?
Trận Xích Bích diễn ra vào mùa đông năm 208, giữa liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị với quân đội của Tào Tháo. Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của phe Tôn Quyền-Lưu Bị trước đội quân đông đảo hơn của Tào Tháo.
Trận chiến này Tào Tháo đổ vào khoảng 260.000, còn phe Tôn Quyền-Lưu Bị chỉ có 50.000 quân.
Trận Xích Bích có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn đụng độ ban đầu, quy mô nhỏ tại Xích Bích, quân Tào Tháo thua trận do bệnh dịch, sự suy giảm về tinh thần và sức chiến đấu do cuộc hành quân kéo dài từ Bắc xuống Nam. Sau đó, quân Tào phải rút lui về chiến trường Ô Lâm trên bờ Tây Bắc của Trường Giang.
Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn thủy chiến mang tính quyết định, liên minh Tôn Quyền-Lưu Bị thực hiện kế hỏa công Xích Bích để đánh bại đại quân của Tào Tháo. Theo đó, liên minh Tôn Quyền-Lưu Bị đã đưa các hỏa thuyền tới gần hạm đội của Tào Tháo rồi bắt đầu châm lửa. Những chiếc hỏa thuyền theo gió Đông Nam lao thẳng vào hạm đội của quân Tào. Gió lớn khiến hạm đội của Tào Tháo bốc cháy dữ dội, các thuyền chiến đã bị xích vào nhau từ trước nên lửa cháy lan từ thuyền này sang thuyền khác rất nhanh. Một số lớn binh sĩ của quân Tào đã chết cháy trên thuyền hoặc chết đuối dưới sông.
Giai đoạn cuối cùng: Nhân lúc quân Tào đang hoảng hốt vì cháy thuyền thì liên quân Tôn-Lưu do Chu Du dẫn đầu đã chiếm lĩnh trận địa và chia cắt lực lượng quân Tào Tháo, phá hủy một phần số thuyền chiến còn lại khiến Tào Tháo phải lệnh cho bại binh rút lui. Thất bại ở Xích Bích khiến Tào Tháo phải bỏ miền Nam rút về Nghiệp Quận, để lại Tào Hồng và Tào Nhân giữ Giang Lăng, Nhạc Tiến giữ Tương Dương và Mãn Sủng giữ Đương Dương.
Chiến thắng trong trận Xích Bích đã góp phần củng cố địa vị cho hai chư hầu Tôn Quyền và Lưu Bị ở hai bờ Trường Giang đồng thời ngăn cản việc Tào Tháo mở rộng phạm vi quyền lực xuống phía Nam Trung Hoa, tạo cơ sở cho sự hình thành hai nước Thục Hán và Đông Ngô.
Sai lầm khiến Tào Tháo đại bại, quân sư giỏi đến mấy cũng không cứu vãn được
Theo Sohu, sai lầm đầu tiên của Tào Tháo là đã nối các chiến thuyền bằng xích sắt. Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", La Quán Trung mô tả, ý tưởng này là do Bàng Thống - trong vai trò gián điệp cho liên minh Tôn-Lưu nghĩ ra và xúi Tào Tháo làm theo để giúp binh lính của Tào Ngụy có thể chiến đấu giống như trên bộ (cũng giảm thiểu việc thuyền rung lắc do sóng đánh, khiến quân sĩ nôn mửa).
Tuy nhiên, theo Tam Quốc chí của sử gia Trần Thọ, thì việc nối các chiến thuyền bằng xích sắt thực ra là do chính Tào Tháo nghĩ ra.
Nhưng sai lầm lớn nhất của Tào Tháo chính là quá kiêu ngạo, tự mãn, chủ quan, tin rằng với lực lượng tinh nhuệ vượt trội thì ông có thể dễ dàng giành chiến thắng lợi ở Giang Đông.
Tuy nhiên, Tào Tháo vì quá kiêu ngạo đã xem nhẹ điểm yếu là quân đội của ông thiếu kinh nghiệm thủy chiến, thậm chí nhiều người còn say sóng và không biết bơi trong khi quân đội của Tôn Quyền lại dày dạn kinh nghiệm chiến đấu trên sông nước.
Theo Sohu, chiến thuật hỏa công Xích Bích của liên minh Tôn-Lưu thực ra không phải là phe Tào Tháo không lường trước được.
Tào Tháo sau khi đánh bại Viên Thiệu đã trở nên vô cùng kiêu ngạo, tự mãn, không nghe ý kiến tham gia của người khác.
Trong Tam quốc chí, Trần Thọ mô tả rằng, 2 mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục và Tuân Du đã nhắc nhở Tào Tháo đề phòng liên quân Tôn-Lưu thực hiện kế hỏa công.
Tuy nhiên, Tào Tháo lại chủ quan cho rằng, dùng lửa để tấn công thì phải dựa vào gió, giữa mùa đông rét mướt khi đó chỉ có gió Tây Bắc nên Tào Tháo hết sức yên tâm.
“Thời điểm rét nhất chỉ có gió Tây Bắc chứ làm gì có gió Đông Nam? Quân ta ở hướng Tây Bắc, quân địch ở bờ Nam, nếu chúng châm lửa chẳng phải tự đốt quân mình hay sao, ta sợ gì?”.
Hai mưu sĩ Trình Dục và Tuân Du đều là người phương Bắc, không am hiểu về thủy chiến, vì vậy khi nghe Tào Tháo nói "mùa Đông không có gió Đông Nam", họ đều không lên tiếng phản bác.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả Gia Cát Lượng đã lập đàn cầu gió Đông để đánh bại đại quân của Tào Tháo.
Nhưng trên thực tế, theo cách lý giải khoa học, Xích Bích là khu vực nằm ở phía đông, gần khu vực sông Trường Giang. Vào mùa đông, vùng đất này hạ nhiệt độ nhanh hơn ở trên sông, tạo thành các khối khí áp cao, giúp xuất hiện gió Đông Nam trong từng khoảng thời gian nhất định.
Theo các học giả Trung Quốc, Gia Cát Lượng có thể dự đoán sự xuất hiện của gió Đông Nam vì ông am hiểu về Kinh Dịch, tinh thông địa lý và thiên văn, nên có thể nhận ra những hiện tượng bất thường để biết được dấu hiệu thời tiết thay đổi.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trên thực tê, không cần đến yếu tố "gió Đông", Tào Tháo cũng sẽ thất bại trong trận Xích Bích.
Lý do là quân Tào đã có dấu hiệu thua trận ngay cả khi chưa bước vào cuộc chiến bao gồm mắc dịch bệnh và những vấn đề nội bộ khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.