Sân bay vắng như "chùa Bà Đanh", vé máy bay giá rẻ 0đ "ế chỏng chơ"

Thế Anh Thứ sáu, ngày 13/08/2021 08:30 AM (GMT+7)
6 tháng đầu năm, có thời điểm ngành hàng không gần như "đóng băng", dù có vé máy bay 0đ, nhưng số lượng máy bay nằm tại sân bay chiếm hơn 90% số lượng máy bay của các hãng hàng không.
Bình luận 0

Vé máy bay 0đ vẫn ế

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát diễn biến phức khiến cho mọi kịch bản phát triển của các hãng hàng không đều bị phá sản. Có thời điểm, ngành hàng không vận tải hành khách gần như "đóng băng" số lượng máy bay nằm tại sân bay chiếm hơn 90% số lượng máy bay của các hãng hàng không.

Hiện nay, những máy bay hoạt động tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu là các chuyến bay vận tải hàng hoá và chở lực lượng y tế đi vào các vùng dịch, hoặc chuyến bay chở công dân trở về địa phương.

Vé máy bay giá rẻ 0đ các hãng hàng không đang hoạt động ra sao?  - Ảnh 1.

Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Thực tế, để nếu kéo hành khách đến sân bay để sử dụng dịch vụ hàng không, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways,... đều tung ra các chính sách ưu đãi mua vé máy bay giá rẻ. 

Có thời điểm trên Website chính thức của hãng hàng không Vietjet đã niêm yết khuyến mãi với giá vé máy bay 0 đồng. Đây là ưu đãi nằm trong các chuỗi khuyến mãi cực sốc hãng Vietjet dành tặng quý khách. Hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã phải tung ra các ưu đãi sốc khi mở bán vé máy bay 49k cho một số chặng bay và 99k cho chặng bay Hà Nội - TP.HCM,

Tương tự, vào khoảng ngày 1/6 - 15/6, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã phải phá lệ khi hạ thấp giá vé máy báy "sốc" khi mở bán vé đồng giá chỉ 26.000 đồng/chặng (tương đương 599.000 đồng bao gồm thuế phí). Vietnam Airlines cũng đã triển khai chính sách hoàn, đổi vé linh hoạt cho các vé mua trong tháng 6 để tạo điều kiện cho hành khách trong trường hợp thay đổi kế hoạch đi lại.

Thực tế, việc mở bán vé máy bay giá rẻ này cũng chẳng đem lại cho các hãng hàng không được nhiều lợi thế để phát triển, bởi dù có vé máy bay giá rẻ, nhưng sân bay vẫn vắng khách.

Vé máy bay giá rẻ 0đ các hãng hàng không đang hoạt động ra sao?  - Ảnh 2.

Sân bay Nội Bài vắng khách khi TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: TTX

Máy bay nằm "đắp chiếu" chiếm 90%

Theo đại diện sân bay Nội Bài, thời gian vừa qua tỷ lệ máy bay nằm la liệt tại vị trí sân đỗ là rất lớn. So với thời điểm không có dịch Covid-19, sân bay Nội Bài chỉ có khoảng 70 máy bay đỗ qua đêm và sẽ bay đi vào sáng hôm sau. Thế nhưng những ngày qua Cảng hàng không Nội Bài phải bố trí chỗ đỗ cho gần 90 máy bay, thậm chí là nhiều hơn.

Điều đáng nói, đây đều là máy bay của các hãng hàng không Việt, có những chiếc đã nằm "đắp chiếu" cả tháng không khai thác. Chỉ riêng hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mỗi đêm có tới hơn 30 máy bay đỗ ở Nội Bài, trong đó có hơn chục chiếc không khai thác.

Chính vì không có khách, nên việc mở bán vé máy bay giá rẻ 0đ hay 26.000đ cũng chẳng thể giúp các hãng hàng không thu hút được khách, do e ngại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, thời điểm này TP.Hà Nôi, TP.HCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ước tính lỗ trên 10.000 tỷ đồng.

Mặc dù, báo cáo tài chính hợp nhất của Vietjet nửa đầu năm 2021, ghi nhận có lãi, nhưng thực tế, doanh thu thuần từ bán vé máy bay và cung cấp dịch vụ đạt 7.590 tỷ đồng, lỗ từ hoạt động này trên 2.291 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ trên 1.455 tỷ đồng).

Lãi của Vietjet chủ yếu đến từ việc Vietjet đã tăng hoạt động tài chính, qua đó có nguồn thu trên 3.151 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước). Nhờ bù đắp từ hoạt động tài chính, Vietjet vẫn đạt lợi nhuận thuần trên 128 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ trên 1.729 tỷ đồng). Trong hoạt động tài chính, Vietjet đã phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu, bán cổ phiếu quỹ, phát hành trái phiếu, vay ngắn và dài hạn.

Vé máy bay giá rẻ 0đ các hãng hàng không đang hoạt động ra sao?  - Ảnh 3.

Các hãng hàng không tư nhân báo lãi từ mảng kinh doanh tài chính. Ảnh: Phan Công

Tương tự, hãng hàng không Bamboo Airways cũng thua lỗ về mảng vận tải hành khách. 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của Bamboo Airways chủ yếu đến từ việc tăng vốn từ 7.000 tỷ lên 10.500 tỷ đồng. Tập đoàn FLC chỉ góp 550 tỷ trong số vốn 3.500 tỷ tăng thêm nên tỷ lệ sở hữu tại hãng hàng không này giảm từ 51,29% xuống còn 39,4%. Đến tháng 4, Bamboo Airways tăng vốn thêm hai lần nữa lên 12.500 và 16.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của FLC tiếp tục giảm xuống còn 25,88%.

Như vậy, có thể thấy, dịch Covid-19 khiến cho ngành hàng không gặp nhiều khó khăn, nhưng hãng hàng không Vietjet, và Bamboo Airways là các hãng hàng không tư nhân đều tuyên bố có lãi. Điều này là hiếm thấy với hàng không thế giới hơn 1 năm qua kể từ khi dịch bùng phát, hoạt động vận tải hàng không bị đình trệ.

Tính đến thời điểm này, vận tải hàng không hành khách vẫn còn là "bức tranh tối" do các chuyến bay quốc tế vẫn phải tạm dừng. Đặc biệt, Cục Hàng không đang chờ Bộ GTVT quyết định để tạm dừng toàn bộ hoạt động bay chở khách nội địa giữa các tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16.

Đánh giá về hoạt động của các hãng hàng không, TS. Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội doang nghiệp hàng không cho rằng, dù các hãng hàng không tư nhân báo lãi nhưng riêng mảng kinh doanh hàng không vẫn lỗ.

Hiệp hội này tính toán, riêng hoạt động vận tải hàng không ước tính các hãng lỗ trên 18.000 tỷ đồng. Thực tế kinh doanh vận tải hàng không vẫn rất nhiều khó khăn và lỗ, khi hoạt động bay chở khách nội địa gián đoạn, còn bay quốc tế thường lệ đã tạm dừng do dịch Covid-19.

"Các hãng hàng không tư nhân dùng nhiều giải pháp khác để bù thu, mở rộng kinh doanh tài chính nên tổng thể vẫn lãi", ông Nề nói. Còn Vietnam Airlines lỗ vì đây là doanh nghiệp nhà nước, không được kinh doanh ngoài ngành.

Vé máy bay giá rẻ 0đ các hãng hàng không đang hoạt động ra sao?  - Ảnh 4.

Máy bay hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Doanh thu các hãng hàng không chỉ còn 10 - 15%

Theo ông Nề, trên thế giới, năm 2020, Chính phủ các quốc gia có nhiều gói hỗ trợ hàng không, đã rót 200 tỷ USD; năm 2021 đưa ra gói 84 tỷ USD để vực dậy các hãng hàng không. Sau dịch bệnh lần thứ nhất, lần thứ 2 kết thúc, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không đã sớm tổng kết, đánh giá, đưa ra phương hướng, đề xuất giải pháp với Quốc hội, Chính phủ từ cuối năm 2020. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, những chính sách dài hạn, ngắn hạn nên kéo dài, khả năng hết năm 2021.

Nhận định về hàng không Việt Nam, ông Nề khẳng định: "Hàng không Việt Nam không nằm ngoài bức tranh thảm khốc chung của hàng không thế giới. Rõ ràng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, khiến hành khách đi lại bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng 61%.

"Dự kiến doanh thu năm 2021 tương ứng 40-50% so với năm 2019, thời điểm trước lúc dịch bệnh xảy ra và dự báo hàng không thế giới chỉ phục hồi vào năm 2024", ông Nề cho hay.

Cũng theo ông Nề, khi hàng không tưởng chừng phục hồi, dịch bệnh quay lại lần thứ 3, lần thứ 4 đúng mùa cao điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng, 80-90% máy bay đắp chiếu tại sân bay, doanh thu tụt dốc chỉ còn 10-20%.

Báo cáo 6 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách giảm 50% so với 2019, điều hành bay 6 tháng đầu năm giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển hành khách đạt 13,5 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem