Sân khấu Lệ Ngọc gây "sốt vé" ở nhà hát TP.HCM

Minh Thi Thứ sáu, ngày 26/06/2020 07:31 AM (GMT+7)
Bất ngờ mang 3 vở diễn đến TP.HCM, sân khấu Lệ Ngọc đã và đang tạo ra một "cơn sốt vé" giữa Sài Thành, nhiều suất được đặt thêm nhưng dàn nghệ sĩ đã làm việc hết công suất.
Bình luận 0

Chỉ hơn 1 tuần kể từ ngày bắt đầu mở cổng bán vé, hơn 4.200 vé đã được phát hành, 10 suất diễn của sân khấu Lệ Ngọc tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh với  các vở diễn "Cây tre thần", "Thị Nở - Chí Phèo" đã bán hết.

Sân khấu Lệ Ngọc gây "sốt vé" ở nhà hát TP.HCM - Ảnh 1.

Vở Cây tre thần của sân khấu Lệ Ngọc.

Từ ngày 25/6 đến 4/7, khán giả TP.HCM sẽ có dịp thưởng thức những vở kịch mới của sân khấu Lệ Ngọc - một sân khấu xã hội hóa khá nổi bật của Hà Nội.

Lần Nam tiến này, sân khấu Lệ Ngọc phối hợp Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM và Viện nghiên cứu trang phục Việt giới thiệu chương trình biểu diễn nghệ thuật "Tìm về văn hóa cội nguồn" với 16 buổi diễn tại Nhà hát TPHCM (Quận 1).

Theo NSND Lệ Ngọc, trước tấm lòng nhiệt tình, sự đam mê kịch nói của khán giả TP.HCM, mặc dù biết dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các sân khấu lớn nhỏ, song chị và đoàn kịch vẫn dũng cảm đưa 3 vở mới vào Nam. Trước hết là thỏa mãn cơn đói về văn hóa sau mùa dịch, thứ hai, nghệ sĩ Thành Lộc khuyên chị cùng cả đoàn nên vào Nam diễn đổi gió cho khán giả.

Sân khấu Lệ Ngọc gây "sốt vé" ở nhà hát TP.HCM - Ảnh 2.

Lần này, đoàn mang 3 vở kịch thể tài khác nhau: "Cây tre thần" (tác giả Lê Thế Song phóng tác từ truyện dân gian Cây tre trăm đốt, NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn); "Thị Nở - Chí Phèo" (tác giả Lê Chí Trung phóng tác từ truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, NSND Lê Hùng đạo diễn); "Hoa sen lửa" (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: Thanh Lê, cố vấn nghệ thuật: NSND Lê Hùng) về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân để dự thi và tri ân hình tượng người chiến sĩ trong thời Covid.

"Khán giả TP.HCM đã quen với dàn diễn viên sân khấu Lệ Ngọc khi cách đây 2 năm, đoàn công diễn hai vở "Kim Tử"  và "Ngũ biến hầu đồng". Ai cũng nghĩ 2 vở này khó ăn khách, không ngờ khán giả TP.HCM lại rất mê. Chính vì thế, chúng tôi mang tiếp 3 vở vào đây. 

Sân khấu Lệ Ngọc gây "sốt vé" ở nhà hát TP.HCM - Ảnh 3.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ vê quyết tâm chinh phục khán giả của sân khấu Lệ Ngọc.

Đặc biệt, mảng nghệ thuật dân gian rất nhiều người thích. Vở "Thị Nở - Chí Phèo" ở phía Bắc quá thành công, người ta lấy thành đề tài trong nhà trường để học sinh viết luận. Thế nên nhiều trường đại học và học sinh cấp 3 đã mua hầu hết các suất diễn. Khi vào đây, trường Đại học Bách khoa TP cũng đặt mua vé. Còn "Cây tre thần" dành cho các em thiếu nhi cũng đã hết sạch vé. Cả 3 vở đều bán chạy, mỗi ngày 2 suất và nhiều nơi đặt thêm nhưng nghệ sĩ, diễn viên đã làm hết công suất", NSND Lệ Ngọc chia sẻ.

Giải mã lý do tạo nên cơn sốt vé này, nghệ sĩ Lệ Ngọc phân tích: "Nhờ sân khấu chúng tôi đi theo hướng mới, mà người xem cũng có cảm giác họ đang cùng đi trên hành trình văn hóa Việt. Tôi chỉ mong sân khấu kịch làm sống lại vẻ đẹp ngàn đời của văn hóa Việt.

Sân khấu Lệ Ngọc gây "sốt vé" ở nhà hát TP.HCM - Ảnh 4.

Thi thoảng, cũng có những thắc mắc về con đường mà chúng tôi đang đi, vì giữa sự phát triển và đào thải không ngừng của vô số loại hình nghệ thuật mang "đậm chất giải trí", liệu sân khấu kịch có tìm được chỗ đứng cho riêng mình.

Ở thời điểm bắt đầu, đơn giản bởi chúng tôi đam mê cháy bỏng và sống nhiệt huyết hết mình với cuộc đời nghệ sĩ; nhưng hơn cả thế, khi đã bước vào con đường nghệ thuật, chúng tôi biết mình được trao một sứ mệnh đặc biệt: "Làm sống lại sân khấu kịch, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt".

Để đạt được điều đó, mỗi sản phẩm của chúng tôi tạo ra phải là sự cộng hưởng của đam mê, sự sáng tạo, cả tài năng và sự đầu tư bài bản về mọi mặt từ khi bắt đầu dựng vở cho đến lúc cánh màn nhung được mở ra, vở diễn được "trình làng" trên sân khấu. Bạn biết đấy, khi ta hết lòng vì một điều gì đó thì việc hy sinh bao nhiêu, được mất những gì sẽ chẳng còn quan trọng, chỉ cần "những đứa con tinh thần" được tạo ra đáng để xem, để nghe và để trải nghiệm".

Sân khấu Lệ Ngọc gây "sốt vé" ở nhà hát TP.HCM - Ảnh 5.

Một cảnh trong vở Thị Nở - Chí Phèo

Thực thế, bằng đam mê và quyết tâm đưa khán giả trở lại với kịch nói, sân khấu Lệ Ngọc đã làm được điều mà không phải đoàn kịch nhà nước hay nhà hát kịch nào làm được: Vở kịch "Thị Nở - Chí Phèo" đã có hơn 35 buổi diễn phục vụ hơn 17.500 lượt khán giả Việt Nam, Hàn Quốc, Pháp, Ý… "Cây tre thần" là vở kịch mang màu sắc thần tiên đã có 20 suất diễn tại Hà Nội phục vụ hơn 10.000 lượt khán giả trong dịp Tết thiếu nhi. Đặc biệt, "Hoa sen lửa" là vở kịch về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, dựa vào các chất liệu của đời thực. 

Tham gia biểu diễn trong chương trình có: NSND Lệ Ngọc, các nghệ sĩ Văn Hải, Thanh Bình, Lâm Cương, Hương Thủy, Anh Đào, Diệu Linh, Tùng Linh, Huy Hoàng, Đức Tâm... và khách mời đặc biệt là nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng. Chính anh cũng đảm nhận thiết kế trang phục cho chương trình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem