Sau lùm xùm điều hành xuất khẩu gạo, giá gạo lên đỉnh cao nhất trong 2 năm
Sau lùm xùm điều hành xuất khẩu gạo, giá gạo lên đỉnh cao nhất trong 2 năm
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 02/06/2020 12:19 PM (GMT+7)
Xuất khẩu gạo thuận lợi nhờ nhiều khách hàng tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây là cơ sở để Bộ NNPTNT xây dựng phương án tăng diện tích sản xuất lúa thu đông lên 800.000ha.
Xuất khẩu gạo thuận lợi, giá cao nhất trong vòng 2 năm
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ 15 ngày sau khi xuất khẩu gạo được phép trở lại trạng thái bình thường theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (từ 1/5), khối lượng gạo xuất khẩu đã đạt 525.842 tấn, trị giá 276,479 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu gạo từ ngày 1/1 đến 15/5 đạt 2,613 triệu tấn, tương ứng với kim ngạch 1,258 tỉ USD.
Bộ NNPTNT đánh giá, xuất khẩu gạo là điểm sáng trong 5 tháng đầu năm, gạo trở thành mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, đạt 1,4 tỉ USD, tăng 18,9%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần cuối tháng 5 (28 - 31/5/2020), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất trong vòng 2 năm qua do một số khách hàng đẩy mạnh mua dự trữ trong bối cảnh dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 450 - 460 USD/tấn, nhiều khách hàng từ Cuba, Malaysia, Philippines đã tăng mua gạo từ Việt Nam để làm đầy kho dự trữ.
Mức giá này tăng khoảng 10 USD/tấn (hơn 2%) so với một tháng trước đó. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng gần 1 năm qua. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện cao hơn khoảng 30%.
Trái ngược với thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống còn 370-375 USD/tấn, sau khi đạt 385-389 USD/tấn.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm cũng giảm xuống 489 – 490 USD/tấn do khách hàng chuyển hướng sang mua gạo Ấn Độ và Việt Nam.
Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ hiện rẻ hơn gần 30% so với gạo cùng loại của Thái Lan và rẻ hơn trên 15% so với gạo Việt Nam.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan (TREA) cho biết giá gạo ở nước này cao hơn giá gạo của những nước cạnh tranh do nguồn cung hạn chế và đồng baht tăng giá mạnh, tác động tới xuất khẩu.
Chủ tịch TREA Charoen Laothammathat dẫn số liệu của Cục Hải quan Thái Lan cho hay trong 4 tháng đầu năm nay, nước này xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo với tổng giá trị 43 tỷ baht (1,38 tỷ USD), giảm 32,1% về số lượng và 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Chủ tịch TREA, riêng trong tháng 4 vừa qua, Thái Lan xuất khẩu 643.852 tấn gạo với giá trị 14,55 tỷ baht, tăng tương ứng 23,7% và 32,7% so với tháng trước vì các nước ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á nhập khẩu nhiều gạo hơn của nước này do lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
TREA dự kiến trong tháng 5, xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm khoảng 500.000 tấn do các nước nhập khẩu gạo trì hoãn đơn đặt hàng, trong khi các nước cạnh tranh như Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan quay trở lại thị trường này.
TREA hy vọng năm 2020 sẽ xuất khẩu được 7 - 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,2 tỷ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại Thái Lan. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 7 năm qua kể từ năm 2013 khi Thái Lan chỉ xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo.
Tăng diện tích lúa thu đông
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, vụ lúa hè thu 2020 ở các tỉnh Nam bộ gieo trồng hơn 1,6 triệu ha, giảm 29.000 ha; sản lượng ước đạt hơn 9,1 triệu tấn, tăng 44.000 tấn so với vụ hè thu 2019.
Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống hơn 1,53 triệu ha, giảm 30.000 ha; sản lượng ước đạt 8,7 triệu tấn, tăng 31.000 tấn.
Hiện, các tỉnh ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa hè thu, giá lúa đầu vụ tương đối cao. Tại Đồng Tháp, giá bán lúa tươi vụ hè thu 2020 tại ruộng cao hơn vụ đông xuân 2019-2020 từ 1.000-1.200 đồng/kg. Đối với lúa IR50404 với giá 5.517 đồng/kg và lúa chất lượng cao giá 6.000 đồng/kg.
Theo nông dân trồng lúa, mức giá này đang cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi trừ hết chi phí lúa Hè Thu lãi hơn 30 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, xuất khẩu gạo của tỉnh từ đầu năm đến nay tăng 20% về sản lượng, tăng 12% giá trị.
Đồng Tháp sẽ chỉ đạo thực hiện xuống giống các vụ lúa sớm, theo đó lúa thu đông sẽ thu hoạch trước khi lũ chính vụ đổ về, lúa đông xuân thu hoạch trước Tết Nguyên đán.
Dự kiến từ nay đến tháng 9, các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch xong vụ hè thu. Qua tính toán, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước, thì lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu khoảng 2,3-2,5 triệu tấn…
Từ kết quả của vụ hè thu, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã xây dựng 2 phương án sản xuất vụ lúa thu đông.
Cụ thể, phương án 1, diện tích gieo sạ 750.000 ha, tăng 25.800 ha so với cùng kỳ 2019; sản lượng ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 215.000 tấn.
Phương án 2, dự kiến xuống giống 800.000 ha, tăng 75.800 ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn. Song, sản xuất lúa vụ thu đông thường có lợi nhuận thấp so với các vụ lúa khác trong năm và độ rủi ro cao do mưa lũ gây thiệt hại...
Tuy nhiên, dự báo mùa lũ năm nay ở mức thấp, đồng thời giá bán lúa thương phẩm vụ đông xuân và hè thu 2020 khá cao, nên lợi nhuận cũng tăng và nhiều dự báo giá lúa vẫn tiếp tục ổn định nên nhiều ý kiến đề xuất nên triển khai phương án 2 để nắm bắt cơ hội gia tăng lợi nhuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.