Sau thời gian dò 'đáy', cổ phiếu ngành phân bón bất ngờ tăng giá đồng loạt
Sau thời gian dò 'đáy', cổ phiếu ngành phân bón bất ngờ tăng giá đồng loạt
Quốc Hải
Thứ bảy, ngày 26/09/2020 18:17 PM (GMT+7)
Sau thời gian dài dò “đáy” do dịch Covid-19 cũng như tình trạng hạn, mặn kéo dài, cổ phiếu hàng loạt doanh nghiệp (DN) ngành phân bón như Bình Điền (BFC); Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM)…, bất ngờ đồng loạt tăng giá trong các phiên giao dịch gần đây.
Tăng ấn tượng nhất trong nhóm các cổ phiếu nói trên là mã chứng khoán DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau). Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/9, giá cổ phiếu DCM đạt mức 10.250 đồng/CP, tăng 94% so với mức đáy 5.300 đồng/CP từ cuối tháng 3.
Hàng loạt cổ phiếu tăng giá ấn tượng
Không chỉ có DCM, mã chứng khoán DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ,) cũng đạt 16.750 đồng/CP, tăng khoảng 47% so với vùng giá khoảng 11.000 đồng/CP hồi cuối tháng 3.
Tương tự, kết thúc phiên giao dịch 26/9, cổ phiếu BFC của Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng cán mốc 16.300 đồng/CP sau gần một năm quanh quẩn ở mức 10.000 -11.000 đồng/CP, mức giá này tăng khoảng 48% so với mức "đáy" hồi cuối tháng 3.
Có thể thấy, giá cổ phiếu nhóm ngành phân bón thời gian gần đây có phần khởi sắc được các công ty chứng khoán lý giải là do hưởng lợi nhờ giá dầu giảm.
Trong đó tại Đạm Phú Mỹ, chỉ sau 6 tháng, lợi nhuận đạt được của DN này gần cán đích kế hoạch cả năm. Cụ thể, kết thúc quý 2, DPM đạt doanh thu thuần tới 2.178 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019; nhưng lợi nhuận sau thuế của DN này đạt tới 308 tỷ đồng, tăng tới… 749% so với cùng kì năm 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DPM đạt 3.876 tỷ đồng doanh thu và 415 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 11% và 361% so với cùng kì.
Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, DPM hoàn thành 42% mục tiêu về doanh thu và 96% mục tiêu về lợi nhuận.
Đà tăng trưởng mạnh của DPM chủ yếu đến từ hiệu suất các nhà máy cao hơn cùng kỳ do cụm thiết bị NH3 phải bảo dưỡng kéo dài trong 72 ngày trong năm 2019 và hưởng lợi từ diễn biến giá khí đầu vào giảm mạnh. Năm 2020, dự kiến Nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ hoạt động đầy đủ công suất, điều này sẽ giúp DPM duy trì tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020.
Cũng không thua kém đàn anh, trong quý 2, doanh thu Đạm Cà Mau đạt 1.930 tỷ đồng, giảm 3,5% nhưng lãi ròng quí 2 lại tăng tới 137% so với cùng kì, đạt 266 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu DCM đạt 3.276 tỷ đồng, giảm 5% nhưng lợi nhuận sau thuế là 360 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Còn tại "ông lớn" phân bón Bình Điền, trong quí 2 DN này đạt lãi trước thuế gấp 5 lần cùng kì, với hơn 88 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 1.063 tỷ đồng doanh thu, giảm 15% so với cùng kỳ; nhưng lại đạt tới 96 tỷ đồng lãi trước thuế, tương ứng tăng 289% so với nửa đầu năm 2019.
Bên cạnh việc hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào (giá dầu giảm), hầu hết các DN phân bón kể trên đều có "sức khỏe tài chính" khá lành mạnh, nên cổ phiếu các DN này cũng là điểm đến được lựa chọn của giới đầu tư.
Chẳng hạn Đạm Phú Mỹ đang nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền (tính đến 30/6) là 3.311 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn là 1.145 tỷ đồng. Tổng cộng hai khoản này chiếm tới 38% tổng tài sản của DPM. Cũng "xông xênh" không kém là Đạm Cà Mau, DN này đang nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền (tính đến 30/6) là 564 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn là 1.902 tỷ đồng; hai khoản này hiện đang chiếm khoảng 26% tổng tài sản của DN.
"Ông lớn" Bình Điền thì ít hơn, DN này đang nắm giữ lượng và đầu tư tài chính ngắn hạn là 305 tỷ đồng, chiếm khoảng 9% tổng tài sản.
Kỳ vọng "sóng mạnh" vào những tháng cuối năm
Có thể nói, thời gian qua ngành phân bón đã gặp phải rất nhiều khó khăn, không chỉ dịch bệnh Covid-19 phức tạp ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu; tình trạng hạn, mặn kéo dài khiến sức cầu phân bón từ người nông dân cũng suy giảm. Một khó khăn không nhỏ khác là việc toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào không được khấu trừ đã làm đội lên chi phí sản xuất kinh doanh, khiến giá phân bón tăng hơn 5%, dẫn đến sản phẩm của doanh nghiệp nội địa giảm ưu thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Điểm khả quan là với ngành phân bón là hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 6320 đến Bộ Công thương, trong đó nêu rõ: "Để tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất phân bón, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT theo qui định. Trong đó có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%, để trình các cấp có thẩm quyền trong thời điểm thích hợp".
Như vậy, ròng rã nhiều năm trời kiến nghị, các DN phân bón đã nhận được câu trả lời rõ ràng từ Bộ Tài chính về việc đồng tình sửa đổi chính sách thuế cho ngành phân bón.
Tuy nhiên, việc khi nào mới sửa đổi thì vẫn còn phải chờ vì trong công văn của Bộ Tài chính, vẫn còn có câu… "để trình các cấp có thẩm quyền trong thời điểm thích hợp…".
Dù vậy, thông tin này một phần cũng đã giúp cho DN ngành phân bón có cách nhìn lạc quan hơn về triển vọng phát triển trong thời gian tới, khi chính thức được tháo gỡ khó khăn về VAT.
Ngoài việc trông chờ những chính sách tháo gỡ khó khăn từ phía Nhà nước, các DN phân bón thời gian qua cũng tích cực tìm hướng đi trong xuất khẩu, nhờ đó kết quả kinh doanh trong quý 3 này được dự báo sẽ rất khả quan.
Mới nhất, Đạm Cà Mau cho biết, trong quý 3, DN này đã triển khai xuất khẩu các đơn hàng lớn với tổng lượng xuất khẩu đạt 120.000 tấn đi các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Brazil, góp phần đáng kể vào sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
"Tận dụng cơ hội từ thị trường thế giới, chủ động trong kế hoạch triển khai hoạt động xuất nhập khẩu, Đạm Cà Mau đã phối hợp với các đối tác, nhà phân phối lớn tham gia các phiên đấu thầu quốc tế và thu được kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong quá trình triển khai kế hoạch năm 2020.
Qua đó, không chỉ mang về hàng chục triệu USD doanh thu, cải thiện hiệu quả kinh doanh của công ty mà còn góp phần trực tiếp giảm áp lực tồn kho, cân bằng cán cân cung cầu của ngành phân bón nội địa nói chung và tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu phân bón Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới", đại diện DCM, cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.