Sẽ chi bao nhiêu tỷ bảo tồn loài cá kỳ lạ nhất hành tinh ở Cà Mau?

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 21/02/2020 13:27 PM (GMT+7)
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã có đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ về việc nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ để khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi ở huyện Ngọc Hiển, loài cá từng được mệnh danh là kỳ lạ nhất hành tinh. Dự kiến, đề tài này sẽ chi hàng tỷ đồng để bảo tồn, phát triển loài cá biết leo cây này.
Bình luận 0

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Tấn Thanh - Giám đốc Sở Khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh Cà Mau, thông tin: “Trước đó, đoàn công tác của Bộ Khoa học và công nghệ có đến làm việc với tỉnh Cà Mau. UBND tỉnh đã đề xuất Bộ KHCN hỗ trợ thực hiện 13 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Sau đó, Bộ KHCN đồng ý hỗ trợ tỉnh Cà Mau thực hiện 12 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ để khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi ở huyện Ngọc Hiển”.

Theo ông Thanh, đề tài này này xuất phát từ việc huyện Ngọc Hiển đề xuất với Sở KHCN nghiên cứu khôi phục cá thòi lòi, trong điều kiện loài cá này đang bị người dân khai thác quá mức, nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên.

img

Cà Mau đề xuất nghiên cứu bảo tồn loài cá thòi lòi, loài cá kỳ lạ nhất hành tinh. Ảnh: Chúc Ly.

Từ đề xuất đó, Sở đã rà soát, liên hệ với các viện khoa học, trường trong khu vực phía Nam để chuyển giao công nghệ cho UBND huyện Ngọc Hiển phát triển cá thòi lòi. Tuy nhiên, các viện khoa học, trường chưa có nghiên cứu về đề tài này. Do đó, tỉnh có đề xuất đặt hàng nghiên cứu khoa học về đề tài.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tỉnh Cà Mau đã gửi phiếu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ cho Bộ KHCN. Để từ đó, Bộ có cơ sở thực hiện các quy trình nhằm đi đến tìm được chủ nhiệm và đơn vị chủ trì thực hiện đề tài.

img

Tại tỉnh Cà Mau, cá thòi lòi sinh sống chủ yếu dưới tán rừng ngập mặn và vùng bãi bồi mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển). Ảnh: Chúc Ly.

Theo đó, mục tiêu của đề tài là xác định cơ sở khoa học và thực tiến để xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá thòi lòi góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi tại tỉnh Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL có điều kiện sinh thái tương tự.

Cụ thể, đánh giá hiện trạng nguồn lợi cá thòi lòi tại địa phương; xác định đặc điểm sinh thái phân bố và đặc điểm sinh học của cá thòi lòi; xác định điều kiện lưu giữ và thuần dưỡng cá thòi lòi; xây dựng quy trình sản xuất giống và quy trinh nuôi thương phẩm cá thòi lòi; xây dựng các mô hình tuyên truyền, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi.

Thời gian thực hiện đề tài bảo tồn, phát triển loài cá thòi lòi biết leo cây này trong 36 tháng (tháng 4.2020 đến 3/2023), tổng kinh phí dự kiến là 8 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học của Bộ KHCN là 7,2 tỷ đồng, ngân sách sự nghiệp khoa học của địa phương (đối ứng) là 800 triệu đồng.

img

img

Người dân bắt cá thòi lòi ở rừng ngập mặn bằng sà di (một dụng cụ tự chế). Ảnh: Chúc Ly.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, đề tài bảo tồn, phát triển loài cá thòi lòi được đặt ra là hết sức cấp thiết đáp ứng được các mục tiêu của chương trình vảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp Quốc gia và quy hoạch phát triển du lịch bền vững ĐBSCL. Đồng thời đề tài bảo tồn, phát triển loài cá thòi lòi đáp ứng được các mục tiêu của quy hoạch về phát triển khoa học và công nghệ; phát triển kinh tế xã hội; phát triển du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Nếu đề tài bảo tồn và phát triển loài cá thòi lòi được thực hiện thì đây là nghiên cứu đầu tiên trong cả nước về lĩnh vực và đối tượng cá thòi lòi này. Kết quả nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống cá thòi lòi không những được ứng dụng tại tỉnh Cà Mau mà còn có thể ứng dụng cho cả vùng ĐBSCL.

Ở Việt Nam, loài cá thòi lòi thường phân bố ở các vùng cửa sông và rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL. Tại tỉnh Cà Mau, cá thòi lòi sinh sống chủ yếu dưới tán rừng ngập mặn và vùng bãi bồi mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển). Loài cá thòi lòi này vốn được nhiều người ví von là loài cá kỳ lạ nhất hành tinh, khi vừa biết lặn, chạy trên mặt nước, trên cạn, vừa biết leo cây. Những năm qua, săn, bắt cá thòi lòi là nghề đem lại thu nhập cao cho nhiều người dân.

Tuy nhiên, cùng với phát triển du lịch, nhu cầu về cá thòi lòi theo đó cũng tăng cao, việc đánh bắt loài cá thòi lòi ở các cửa sông, rừng ngập mặn đang có nguy cơ làm cạn kiệt loài cá này. Vì vậy, việc tỉnh Cà Mau đưa vào thực hiện đề tài bảo tồn, phát triển loài cá thòi lòi là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển bền vững kinh tế-xã hội địa phương.

Cá thòi lòi được nhiều người dân huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) bẫy, bắt trong các cánh rừng ngập mặn bán cho thương lái với giá bình quân 100.000 đồng/kg. Cá thòi lòi khi đưa vào các nhà hàng, khu du lịch bán cho du khách hoặc đưa lên thực đơn chế biến có giá thấp nhất là 400.000 đồng/kg...Qua đây cho thấy, cá thòi lòi không chỉ gây hiếu kỳ, tò mò cho khách du lịch mà còn là loài cá có thể nhân, nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem