Sẽ phải ban hành 15 Nghị định, Thông tư để Luật Đất đai sửa đổi hết cảnh "chồng chéo, trùng lặp"
Sẽ phải ban hành 15 Nghị định, Thông tư để Luật Đất đai sửa đổi hết cảnh "chồng chéo, trùng lặp"
An Linh
Thứ năm, ngày 01/02/2024 18:16 PM (GMT+7)
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2024 tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của báo giới về tiến trình rà soát các văn bản Luật, văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư, Quyết định…) có liên quan, trùng lặp đối với Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, có hiệu lực từ năm 2025, lãnh đạo Bộ TN&MT khẳng định Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành và các bên liên quan phối hợp để rà soát, nhằm sửa đổi toàn diện, tránh trùng lặp, chồng chéo ảnh hưởng đến thực hiện Luật Đất đai từ năm 2025.
Theo ông Ngân, Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định nội dung, thẩm quyền của Thủ tướng, của Chính phủ, của Bộ trưởng, của UBND cấp tỉnh. Với tính chất phức tạp, phạm vi rộng và có ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực khác liên quan, nên cần phải rà soát các luật, văn bản dưới luật, bãi bỏ các điều, quy định còn trùng lặp, chồng chéo để Luật Đất đai sửa đổi đi vào đời sống, có hiệu lực, hiệu quả thực thi ngay.
Lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết sau khi rà soát các luật, văn bản dưới luật, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành 9 Nghị định liên quan đến Luật Đất đai, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu trình Thủ tướng 6 Nghị định, Bộ Tài chính tham mưu ban hành 2 Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu ban hành 1 Nghị định.
Ngoài Nghị định, theo ông ngân, các bộ ban ngành dự kiến sẽ ban hành thêm 6 Thông tư, trong đó Bộ TN&MT sẽ ban hành 4 Thông tư, Bộ Tài chính 1 Thông tư và Bộ Nội vụ sẽ ban hành 1 Thông tư để hướng dẫn chi tiết các điều, quy định liên quan đến Luật Đất đai sửa đổi.
Ngoài ra, đối với Nghị định hiện hành của Chính phủ có liên quan đến đất đai, các bộ ngành có liên quan cũng phải tiếp tục rà soát để báo cáo Chính phủ sửa đổi. Về các địa phương, ông Ngân cho biết các tỉnh cũng phải rà soát văn bản thuộc thẩm quyền để không cản trở các quy định của pháp luật.
"Luật Đất đai có 18 nội dung thẩm quyền của UBND tỉnh phải quy định chi tiết, 1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân phải ban hành", ông Ngân nhấn mạnh.
Trước đó, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội ngày 18/1, với 87,63% số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Do có nhiều chính sách đặc thù, là Luật có tác động lớn đến đời sống người dân nên Luật Đất đai sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 tức là gần 1 năm để các cơ quan Bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định, pháp luật bãi bỏ, sửa đổi các văn bản quy định chồng chéo, trùng lặp nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai sửa đổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.