SLNA và câu chuyện “ngược đời" từ Đông Á Thanh Hoá

Thứ năm, ngày 28/11/2024 13:10 PM (GMT+7)
Khi SLNA tạm xếp thứ 13/14 đội sau 9 vòng đấu V.League 2024/2025 thì đội bóng xếp đầu bảng là Đông Á Thanh Hóa.
Bình luận 0

SLNA cần học hỏi điều gì từ Đông Á Thanh Hoá?

Đông Á Thanh Hóa hiện có một đội hình kết hợp giữa cầu thủ trụ cột, lực lượng đào tạo tại chỗ và ngoại binh giỏi, trong đó các nhân tố trẻ được đôn lên một cách hợp lý và phát huy rất tốt trong một đội hình giàu thể lực, kinh nghiệm và sức trẻ, ngoại binh dàn đều 3 tuyến. Dù nhiều cầu thủ trụ cột rời đi, nhưng Đông Á Thanh Hóa vẫn giữ được "công thần" Văn Thắng, Văn Lợi, Thanh Long, Ngọc Tân…, đôn lên các nhân tố trẻ như Ngọc Mỹ, Xuân Hoàng…, sử dụng ngoại binh dàn đều như trục xương sống gồm Gustavo (từng thi đấu cho SLNA), Antonio là tiền vệ công cự phách và Rimario - cựu vua phá lưới V.League. Thi đấu thăng hoa nên Ngọc Tân, Thái Sơn vừa được gọi lên ĐT Việt Nam, trong khi Ngọc Mỹ vừa ghi liên tiếp 2 bàn thắng được hy vọng sẽ là tài năng mới đầy hy vọng của bóng đá Việt…

SLNA cần học hỏi điều gì từ Đông Á Thanh Hoá? - Ảnh 1.

SLNA và Đông Á Thanh Hoá đang ở 2 vị thế trái ngược. Ảnh: VPF.

Xem xét "mô hình" thành công này, dễ thấy cách làm của Đông Á Thanh Hóa hiện nay chính là "bản sao" của chính SLNA thời hoàng kim chưa xa (năm 2001, năm 2011). Có khác chăng là do cho phép nhiều trụ cột rời đi, nên hiện tại Đông Á Thanh Hóa vẫn phải sử dụng nhiều cầu thủ nội không do họ đào tạo như A Mit, Đinh Viết Tú…

Vậy, phải chăng các nhà lãnh đạo - nhà đầu tư SLNA nên thực lòng, thực tâm nhìn lại chính mình, trở lại với cách làm đã từng đưa đội bóng chủ sân Vinh thành công trong quá khứ, dù điều kiện, thực lực mỗi thời mỗi khác.

Sau 9 vòng đấu không thành công (6 hòa, 3 thua) và xếp áp chót BXH tạm thời, SLNA đang đặt ra yêu cầu tăng cường lực lượng là việc không thể trốn tránh hay im lặng. Chúng tôi từng nêu vấn đề thay thế, bổ sung ngoại binh chất lượng cho vị trí trung vệ ngoại, cần thiết phải tính chuyện mua cầu thủ Việt kiều và cầu thủ nhập tịch, để ít nhất trong đội hình có đủ cầu thủ nước ngoài (3 như quy định), có thêm cầu thủ Việt kiều và cầu thủ nhập tịch, nghĩa là phải trên con số 3 như hiện nay để đủ sức đối đầu với các đội bóng mạnh.

SLNA cần học hỏi điều gì từ Đông Á Thanh Hoá? - Ảnh 2.

SLNA cần xem lại cách làm bóng đá từ chính Đông Á Thanh Hoá. Ảnh: VPF.

Ngoài ra, việc treo cho Olaha tấm băng đội trưởng là điều không sai, nhưng đó chắc chắn không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài, mà phải có một cầu thủ nội đàn anh, đầu đàn được giao trọng trách đó, như truyền thống đẹp của đội bóng. Trong một đội hình có cầu thủ kinh nghiệm, từng trải dẫn dắt thì dàn trẻ sẽ tự tin, phát huy được năng lực như cách Đông Á Thanh Hóa đang làm tốt, như Ngọc Mỹ (nhiều cầu thủ trẻ SLNA từng đối đầu ở các giải trẻ gần đây) đang nổi lên.

Trái lại, mới lên chơi ở V.League, nhiều cầu thủ trẻ SLNA rõ ràng "ngợp" nhiều thứ nên mắc lỗi là chuyện không thể trách cứ. Nhiều cầu thủ không thể đủ thể lực chơi trọn vẹn 90 phút theo yêu cầu, rồi dẫn đến quá sức, gắng sức, vừa vào sân đã phải thay ra…Rèn luyện, trưởng thành ở đâu chưa biết, chỉ biết nhiều cầu thủ trẻ chỉ chơi tốt được vài ba trận, còn lại là ghế dự bị và kết quả là đội bóng không đạt được điều gì, cá nhân cầu thủ lại càng không mảy may có triển vọng vươn lên. Thực tế 2 mùa giải bết bát của SLNA cho thấy rõ điều đó.

Nói gọn lại, SLNA hãy trở lại như cách làm từng đưa đến thành công vang dội trước đây, tức là có đầu đàn, có trụ cột các tuyến, có ngoại binh giỏi các tuyến, duy trì được thành tích đào tạo trẻ góp cho đội 1, giữ được thành tích đội bóng dù ngày càng khó hơn. Đó là khi các đội bóng khác về Thành Vinh để học "mô hình SLNA", còn hiện nay chuyện ngược đời, như dòng chảy ngược là chính SLNA phải đi tìm mô hình thành công của Đông Á Thanh Hóa hay những nơi khác để nhìn lại mình, đặng học hỏi và giữ hạng.

Châu Phú (Theo Báo Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem