Tại TP.HCM có mô hình trồng rau muống nước VietGAP hướng đến xuất khẩu

An Hải Thứ sáu, ngày 06/12/2024 10:18 AM (GMT+7)
Vùng trồng rau muống nước VietGAP tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) định hướng sản xuất an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và hướng đến xuất khẩu.
Bình luận 0

Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Công tác khuyến nông hướng đến liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp

Chương trình Khuyến nông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025 được xây dựng, cũng trên cơ sở đề ra các mục tiêu quan trọng liên quan đến việc xây dựng các mô hình trình diễn hiệu quả.

Qua đó, nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, tạo mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần tham gia chuỗi. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao nhận thức, hành vi của người sản xuất, chế biến và tiêu dùng; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

Tại TP.HCM có mô hình trồng rau muống nước VietGAP hướng đến xuất khẩu - Ảnh 1.

Vùng trồng rau muống nước VietGAP tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: A.H

Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã bám sát các chỉ tiêu kế hoạch của các địa bàn nông nghiệp trọng điểm trong thành phố cụ thể như các huyện: Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ… phù hợp với định hướng của địa phương. Cụ thể, tại địa bàn huyện Củ Chi đã thực hiện Kế hoạch phát triển nâng cao chất lượng vùng trồng rau muống nước VietGAP trên địa bàn xã Bình Mỹ năm 2024.

Hiện nay trên địa bàn xã Bình Mỹ có 188 hộ sản xuất rau muống, với tổng diện tích canh tác 208,23ha. Toàn xã có 12 tổ hợp tác sản xuất rau muống nước với 178 thành viên.

Diện tích gieo trồng rau muống nước trên địa bàn xã khoảng 2.811,6ha/năm; năng suất bình quân 20 - 24 tấn/ha/vụ, thu hoạch rau muống trung bình 10 - 12 vụ/ha/năm. Giá rau muống nước 5.000 - 10.000đồng/kg. Doanh thu 1ha rau muống nước khoảng 1,650 tỷ đồng/ha/năm.

Việc tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đối với các hộ trồng rau muống nước trên địa bàn xã Bình Mỹ sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu vùng sản xuất rau muống nước Bình Mỹ an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.

Đến nay tổ chức chứng nhận VietGAP đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 59/188 hộ dân sản xuất rau muống nước tại xã Bình Mỹ đạt 31,38% chỉ tiêu kế hoạch.

Nâng cao chất lượng vùng trồng rau muống nước VietGAP

UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 2839/KH-UBND ngày 3/4/2024 nhằm phát triển nâng cao chất lượng vùng trồng rau muống nước VietGAP trên địa bàn xã Bình Mỹ năm 2024. Mục đích của kế hoạch là phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung trên địa bàn huyện phù hợp với Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng thương hiệu vùng sản xuất rau muống nước Bình Mỹ an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm rau muống nước, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

Tại TP.HCM có mô hình trồng rau muống nước VietGAP hướng đến xuất khẩu - Ảnh 2.

Huyện Củ Chi đang hướng đến xây dựng thương hiệu rau muống nước Bình Mỹ. Ảnh: A.H

Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã chỉ đạo trạm Khuyến nông huyện Củ Chi bám sát và xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với mục đích và yêu cầu mà kế hoạch số 2839 đề ra, nhằm hoàn thiện và mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn của huyện Củ Chi.

Cụ thể, ngành Khuyến nông Thành phố đã triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất rau muống nước theo quy trình VietGAP; Hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người trồng và môi trường

Đơn vị này cũng tổ chức tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng và cất giữ an toàn phân, thuốc bảo vệ thực vật. Bước đầu chọn hộ xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông về trồng rau muống nước gắn với ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học trên địa bàn xã Bình Mỹ.

Khuyến nông TP.HCM còn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đăng ký mã số vùng trồng rau muống nước an toàn, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm rau muống nước Bình Mỹ.

Hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm rau muống nước. Qua đó, tạo vùng nguyên liệu rau muống nước theo tiêu chuẩn VietGAP, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem