Tạm đình chỉ giải quyết tin báo liên quan vụ Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết

Phạm Tăng Chủ nhật, ngày 06/06/2021 19:04 PM (GMT+7)
Liên quan vụ việc Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết (Thái Bình), có tin tố giác việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, xảy ra tại Công an TP.Thái Bình, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã vào cuộc.
Bình luận 0

"Quyết định không khởi tố vụ án là chưa thận trọng"

Cụ thể, trước đó liên quan đến vụ việc Đường Nhuệ (tức Nguyễn Xuân Đường, SN 1971, Thái Bình) bị vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm (Giám đốc Công ty Lâm Quyết) và vợ là bà Phạm Thị Quyết tố chiếm giữ Công ty Lâm Quyết, lấy đi nhiều tài sản, Công an TP.Thái Bình đã vào cuộc làm rõ các thông tin.

Vợ chồng ông Lẫm tố giác, khoảng giữa tháng 10/2017, Đường Nhuệ có hành vi cho người đến Công ty Lâm Quyết, không cho công nhân làm việc, đuổi hết công nhân ra khỏi công ty, chiếm giữ đồ đạc, tài sản làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, đe doạ đánh, giết và đưa hình ảnh gia đình ông Lẫm lên mạng xã hội.

Sau khi xác minh thông tin, ngày 29/3/2018, ông Cao Giang Nam - Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình đã ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 12 liên quan đến tố giác của ông Lẫm, bà Quyết.

Tạm đình chỉ giải quyết tin báo tội phạm liên quan vụ Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết - Ảnh 1.

Năm 2018, Công an TP.Thái Bình có quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giác của vợ chồng ông Lẫm, các tố giác này liên quan việc Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết.

Theo quyết định số 12 ngày 29/3/2018 do ông Cao Giang Nam ký, sau khi kiểm tra, xác minh tố giác thấy "hành vi không cấu thành tội phạm", Công an TP.Thái Bình quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giác của vợ chồng ông Lẫm.

Trong một vụ án khác mà vợ chồng ông Lẫm bị xét xử là vụ "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", ngày 11/5/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm, xét kháng cáo của vợ chồng ông Lẫm trong vụ án này.

Liên quan đến việc Đường Nhuệ bị vợ chồng ông Lẫm tố cáo chiếm giữ công ty, lấy đi đồ đạc, tài sản, cáo trạng của VKSND tỉnh Thái Bình cáo buộc, vợ chồng ông Lẫm gian dối, nại ra lý do Đường Nhuệ chiếm đoạt Công ty Lâm Quyết làm mất giấy biên nhận đã trả tiền cho ông Tới.

Về phía 2 bị cáo Lẫm, Quyết, họ khai đã trả tiền đầy đủ cho ông Tới, có giấy biên nhận, tuy nhiên do Đường Nhuệ chiếm giữ công ty nên đã mất giấy tờ.

Trước các thông tin này, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận định tại thời điểm phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào tháng 5/2020, rằng quá trình điều tra, các bị cáo Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết đã khai báo và tố cáo lên cơ quan điều tra việc Đường Nhuệ và các đối tượng khác đã chiếm đoạt công ty từ 3 đến 19/10/2017 và chiếm đoạt toàn bộ tài sản là máy móc thiết bị và các phương tiện làm việc tại văn phòng công ty.

Tạm đình chỉ giải quyết tin báo tội phạm liên quan vụ Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết - Ảnh 2.

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong phiên xử phúc thẩm diễn ra vào tháng 5/2020 nhận định, Công an TP.Thái Bình không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này là chưa thận trọng, thiếu căn cứ. (Ảnh: Hiện trạng Công ty Lâm Quyết sau khi nhóm người của Đường Nhuệ rời đi khỏi công ty)

Đặc biệt có chiếm đoạt cả giấy tờ trong đó có giấy biên nhận ông Đỗ Văn Tới về việc thanh toán xong khoản tiền 900 triệu đồng tuy nhiên không được cơ quan điều tra Công an TP.Thái Bình khởi tố vụ án.

Về nội dung này, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm nhận thấy, theo bản kết luận xác định giải quyết nguồn tin tội phạm số 12 ngày 29/3/2018 của cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình kết luận: Không có căn cứ xác định anh Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc, tài sản Công ty Lâm Quyết.

Tuy nhiên sau đó, theo biên bản khám nghiệm hiện trường tại Công ty Lâm Quyết, sơ đồ hiện trường cũng do công an TP.Thái Bình lập ngày 15/5/2018 đã thể hiện rõ ràng việc tố cáo của Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết là có căn cứ.

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình xác định không có dấu hiệu tội phạm và quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này là chưa thận trọng, thiếu căn cứ.

Bởi lẽ, theo các biên bản khám nghiệm của cơ quan điều tra thể hiện rõ ràng hiện trường bị xáo trộn, có dấu hiệu không bình thường song cơ quan điều tra mô tả, ghi nhận mà không tiến hành điều tra có việc xâm phạm nơi ở, nơi làm việc của Công ty Lâm Quyết hay không, đồng thời cũng không xác định có việc này xảy ra hay không để làm căn cứ khởi tố vụ án và khởi tố bị can.

Tạm đình chỉ giải quyết tin báo tội phạm liên quan vụ Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết - Ảnh 3.

Có nhiều nhân chứng là người công nhân lao động ở xưởng của Công ty Lâm Quyết khẳng định Đường Nhuệ có cho người xuống chiếm giữ Công ty Lâm Quyết.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài việc các bị cáo khai báo và tố cáo Nguyễn Xuân Đường, hàng loạt các nhân chứng khác là những người công nhân lao động tại nhà xưởng của Công ty Lâm Quyết đều khẳng định: Có việc Đường và nhóm đối tượng tới công ty, đuổi hết mọi người ra khỏi công ty đồng thời chiếm giữ công ty từ 3/10/2017 tới 19/10/2017.

Quá trình điều tra, các bị cáo đã cung cấp cho cơ quan điều tra nhiều tài liệu trong đó có USB, ghi âm những cuộc đối thoại giữa bị cáo Lẫm và Đường Nhuệ. Trong nội dung có việc Đường ép ông Lẫm phải chuyển nhượng công ty để trừ nợ nếu không sẽ dùng vũ lực đe dọa nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Một trong những nội dung của cuộc hội thoại trên với khoảng thời gian trên 10 phút có nội dung người đối thoại là Lẫm – Đường thể hiện việc Đường Nhuệ chiếm công ty, thậm chí Đường còn đăng trên facebook cá nhân hình ảnh gia đình ông Nguyễn Văn Lẫm, nhờ mọi người chia sẻ nếu ai tìm được ông Lẫm thì liên lạc với mình, sẽ thưởng 1 tỷ đồng cho người nào tìm được vợ chồng ông Lẫm về cho Đường.

HĐXX nhận thấy, cơ quan điều tra cũng không thực hiện việc điều tra quyết liệt nội dung này xem có sự việc xảy ra hay không, cũng ko tiến hành đối chất những người tố cáo với Nguyễn Xuân Đường.

Tạm đình chỉ giải quyết tin báo tội phạm liên quan vụ Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết - Ảnh 4.

Theo biên bản khám nghiệm hiện trường tại Công ty Lâm Quyết, sơ đồ hiện trường cũng do công an TP.Thái Bình lập ngày 15/5/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng đã thể hiện rõ ràng việc tố cáo của Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết là có căn cứ.

HĐXX sau đó đã tuyên bố tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung lại.

Tạm đình chỉ tin báo liên quan vụ Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết

Trở lại vụ việc Công an TP.Thái Bình không khởi tố hình sự đối với các tố giác của vợ chồng ông Lẫm, thông tin mà Dân Việt nắm được, sau khi có tố giác "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội", xảy ra tại Công an TP.Thái Bình, năm 2020 Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã vào cuộc xác minh.

Theo đó, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ và đã ra quyết định trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định âm thanh, giọng nói ra văn bản đối với các file âm thanh do người tố giác cung cấp.

Cơ quan này cũng đã có công văn yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan để làm căn cứ giải quyết nguồn tin theo quy định.

Sau khi tiến hành giải quyết nguồn tin về tội phạm trên, theo quyết định số 67/VKSNDTC-C1(P6) của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội", xảy ra tại Công an TP.Thái Bình.

Lý do được đưa ra, đến thời điểm quyết định tạm đình chỉ số 67 được ban hành, các vấn đề được Cơ quan điều tra VKSND tối cao đặt ra vẫn chưa có kết quả.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 6/2/2021, sau khi VKSND tỉnh Thái Bình hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 12 ngày 29/3/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình, Công an TP.Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Xâm phạm chỗ ở của công dân" để điều tra theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem