Làm cách nào để tăng cường kỹ năng chuyển đổi số cho lao động?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 04/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động ở tất cả các ngành nghề phải nâng cao kỹ năng chuyển đổi số. Điều này sẽ hỗ trợ lao động thích ứng với thị trường lao động, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập.
Bình luận 0

Lao động nông thôn tận dụng công nghệ nâng cao kỹ năng nghề, thực hiện chuyển đổi số

Hai năm nay, dù phải trải qua những biến động từ tình hình dịch bệnh, nhưng Hợp tác xã Tâm Trà Thái của chị Hoàng Thị Tân (Tp. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn làm nên ăn ra, phát triển mở rộng quy mô không ngừng. Lý do là bởi chị Tân đã tận dụng tốt những cơ hội từ chuyển đổi số mang lại.

Chị Tân cho biết, sau khi được tham gia các lớp tập huấn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Hội Nông dân tỉnh, chị ứng dụng được các kỹ năng bán hàng online, tham gia kênh bán hàng trực tuyến lớn khác. Nhờ vậy doanh số bán hàng tăng cao, việc kết nối đối tác trong nước và nước ngoài cũng đơn giản hơn kể cả trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành. 

Ngoài ra, chị Tân cũng từng được Hội Nông dân, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên tạo điều kiện tham gia lớp đào tạo quản lý cho giám đốc các hợp tác xã theo Đề án đào tạo nghề cho Lao động nông thôn. Kết thúc lớp học, chị không chỉ được học cách thức tổ chức sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời chị còn học được cách thức quản lý tài chính trong hợp tác xã.

kỹ năng chuyển đổi số

Chị Hoàng Thị Tân chia sẻ về hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi số trong Hợp tác xã Tâm trà thái. Ảnh: N.T

Mới đây, tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với việc làm của người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số”, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra những cơ hội tuyệt vời cho lao động Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

TS. Lục Mạnh Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội cho biết kinh tế - xã hội phát triển là cơ hội tuyệt vời để gia tăng việc làm, hoàn thiện hệ thống an sinh - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những tác động tích cực trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Anh Vũ - Cán bộ Chương trình của HSF tại Việt Nam nêu rõ: Thị trường lao động Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ về mặt công nghệ. Càng ngày càng có nhiều việc làm được tạo ra từ quá trình chuyển đổi số. Các mô hình kinh tế mới cũng dần xuất hiện bắt kịp với nhu cầu của thế giới.

"Chuyển đổi số là tiến trình không thể đảo ngược. Việc làm trong nền kinh tế đang ngày càng gắn với số hóa nhiều hơn, đòi hỏi người lao động buộc phải nắm được các kiến thức và kỹ năng số. Người lao động không nắm vững kiến thức và kỹ năng số sẽ đứng trước khả năng mất việc làm hoặc phải chuyển sang việc làm khác kém hơn do ngày càng nhiều chỗ làm việc được số hóa. Người nắm vững kiến thức và kỹ năng số sẽ có nhiều cơ hội có việc làm tốt hơn".

PGS.TS Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động và Xã hội

"Người lao động ngày càng có nhiều lựa chọn để tham gia thị trường lao động. Đây là cơ hội nhưng cũng tạo ra các khó khăn cho đa số lao động Việt Nam, đất nước có tỷ lệ lao động trẻ cao, nhưng yếu về kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng chuyển đổi số. Nếu không cải thiện được tình hình này, thì trong tương lai, các cơ hội việc làm sẽ chuyển thành khó khăn và hệ quả là sự trì trệ của nền kinh tế", ông Vũ nói.

Quan tâm tới việc nâng cao kỹ năng nghề chuyển đổi số cho lao động 

PGS.TS Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế cho rằng để lao động có thể tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số thì người lao động cũng cần có kỹ những kỹ năng nghề nghiệp tốt. 

Ông Tiến cho rằng, trong một số lĩnh vực đặc thù như: hóa chất, dệt may, công nghệ thông tin, nông nghiệp... thì việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và giúp lao động thích ứng với chuyển đổi số có vai trò cực kỳ quan trọng. Điều này không chỉ giúp lao động không bị loại khỏi thị trường lao động mà còn góp phần tận dụng lao động khi dân số Việt Nam già hóa, và nâng cao thu nhập cho người lao động.

kỹ năng chuyển đổi số

Lao động tự do áp dụng kỹ năng chuyển đổi số (ứng dụng thanh toán online) trong buôn bán. Ảnh: N.T

Thực tế hoạt động sản xuất trong ngành nông nghiệp đã cho thấy, việc hỗ trợ lao động chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hóa nông nghiệp. Nhờ chuyển đổi số, nông nghiệp Việt Nam dần bước khỏi sự lạc hậu, năng suất lao động, thu nhập của lao động cũng vì thế mà tăng cao.

"Phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, nhất là lao động trẻ là yêu cầu khách quan của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay. Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và đổi mới đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để phát triển kỹ năng nghề cho người học, người lao động ngay trong nhà trường, theo hướng mở và linh hoạt", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến nên chuyển từ đào tạo chuyên sâu sang đào tạo diện rộng, chuyển từ chú trọng kiến thức, kỹ năng hẹp sang đa kỹ năng, bao gồm cả các kỹ năng mềm, kỹ năng số, để hình thành năng lực thích ứng cho người học trong bối cảnh chuyển đổi số. Chuyển đổi, nâng cao năng lực quản trị nhà trường theo hướng quản trị số… Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động và quản lý hoạt động đào tạo nghề nghiệp cả trong nhà trường và trong doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem