“Đại bàng” tham gia vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Tây Ninh mở rộng thị trường xuất khẩu

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 14/05/2024 18:45 PM (GMT+7)
Đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh không chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi mà còn giúp Tây Ninh đảm bảo nguồn cung sản phẩm chăn nuôi cho thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bình luận 0

Vài trò quan trọng của an toàn dịch bệnh

Ở xã Tân Phú (huyện Tân Châu), ông Nguyễn Văn Duy bắt đầu nuôi gà từ năm 2014. Các lứa gà được ông chăn nuôi gối đầu nên tổng đàn gà trong chuồng lúc nào cũng có hàng ngàn con.

Trải qua cả chục năm làm nghề, ông Duy ý thức rõ việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bởi nếu dịch bệnh xảy ra, thiệt hại rất lớn. Vì thế, việc phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm luôn được ông tuân thủ đúng quy trình.

Người dân xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học ở Tây Ninh. Ảnh: BTN

Người dân xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học ở Tây Ninh. Ảnh: BTN

Ông Duy hiện đang có 3 trại nuôi gà bán công nghiệp, quy mô mỗi trại khoảng 3.000 con mỗi lứa. Con giống được ông nhập về từ các trại uy tín. Gà con khi nhập về, ông tiêm ngừa đầy đủ, nhất là vaccine phòng bệnh cúm gia cầm. "Công tác vệ sinh chuồng trại luôn đảm bảo sạch sẽ cũng giúp trại nuôi phòng, chống tốt dịch bệnh cho đàn gà", ông Duy nói.

Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, trước năm 2015, dịch cúm gia cầm xảy ra nhiều đợt trên toàn tỉnh, gây thiệt hại rất lớn. Sau đó, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới xuất khẩu. Từ năm 2016 đến nay, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch cúm gia cầm.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, việc được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch là lợi thế rất lớn khi diễn biến dịch bệnh đang phức tạp. Sản phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Vì thế, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chăn nuôi. Không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, an toàn dịch bệnh còn góp phần tái cơ cấu chăn nuôi, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 71 cơ sở an toàn dịch bệnh và 16 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh trên gia cầm, gia súc.

Một cơ sở chăn nuôi gà trại lạnh ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Tường

Một cơ sở chăn nuôi gà trại lạnh ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Tường

Đầu năm 2024, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh động vật giai đoạn 2024-2030.

Trong đó, giai đoạn 2024-2025, tỉnh phấn đấu có 3 vùng cấp huyện (Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; 1 vùng cấp huyện (Dương Minh Châu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle;

Giai đoạn 2026-2030, Tây Ninh duy trì các vùng đã đạt an toàn dịch bệnh; phấn đấu có 5 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; 2 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương hoàn thành 1 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện (ở huyện Tân Châu) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trong tháng 5 này. 3 vùng còn lại là Tân Biên, Gò Dầu và Bến Cầu dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2024, ông Xuân chia sẻ.

An toàn dịch bệnh giúp mở rộng thị trường xuất khẩu

Giữa năm 2023, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Ninh.

1 tháng sau khi ký kết hợp tác, tháng 7/2023, dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tại xã Tân Hội (huyện Tân Châu) có diện tích hơn 39,5ha, quy mô sản xuất giống gia cầm và chăn nuôi gà với quy mô 20 triệu quả trứng/năm, với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng.

Tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh gồm dự án Tổ hợp nhà máy chế biến thực phẩm DHP tại huyện Trảng Bàng; và 6 dự án nhà máy Khu chăn nuôi UDCNC DHN 1, 2, 3, 4, 5 và 6 tại huyện Tân Châu. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh gồm dự án Tổ hợp nhà máy chế biến thực phẩm DHP tại huyện Trảng Bàng; và 6 dự án nhà máy Khu chăn nuôi UDCNC DHN 1, 2, 3, 4, 5 và 6 tại huyện Tân Châu. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, đến nay, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến Lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tổ chức vào ngày 19/5/2024.

Tỉnh Tây Ninh cũng đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục gửi Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Tân Châu, tạo điều kiện cho Tập đoàn Hùng Nhơn xây dựng kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, chăn nuôi dẫu có phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh phát sinh thì nhà đầu tư vẫn e ngại. Huyện Tân Châu được định hướng hình thành 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 4 vùng có chăn nuôi.

Việc huyện Tân Châu được công nhận vùng an toàn dịch bệnh tới đây sẽ tạo tiền đề tốt để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trên địa bàn huyện, hình thành các chuỗi liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu thì phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến.

Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh ý nghĩa của an toàn dịch bệnh tại buổi họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh ý nghĩa của an toàn dịch bệnh tại buổi họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Như vậy, đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh không chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư.

Từ đó, tỉnh sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, có liên kết chuỗi và hướng đến xuất khẩu. Đây là hướng đi góp phần tái cơ cấu chăn nuôi và mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững,

Hiện nay tỉnh Tây Ninh có 2 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources xuất khẩu trứng gà đi Hong Kong và Maldives; Công ty Vinamilk cũng đang xuất đến 60 quốc gia.

Trong thời gian tới, một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đang đầu tư để hướng đến xuất khẩu. "Chính vì thế, việc giữ vững vùng an toàn dịch bệnh đồng nghĩa với việc giữ vững và mở rộng thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước", ông Chiến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem