Thanh tra Viện Kiểm sát sẽ thanh tra đột xuất đơn vị có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực
Thanh tra Viện Kiểm sát sẽ thanh tra đột xuất đơn vị có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực
Nguyễn Hoà
Thứ tư, ngày 20/01/2021 10:26 AM (GMT+7)
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa có định hướng chương trình công tác thanh tra năm 2021. Đáng chú ý, sẽ tăng cường thanh tra đột xuất với những đơn vị, địa phương có nhiều hạn chế, yếu kém…
Văn bản do Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Trâm vừa ký ban hành yêu cầu lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị chủ động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm.
Xem xét xử lý kỷ luật công chức, viên chức, người lao động có vi phạm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Theo đó, thực hiện phương châm "Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả", Thanh tra VKSND các cấp chủ động tham mưu Viện trưởng VKSND cấp mình xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021.
Công tác thanh tra phải thực chất, hiệu quả; quá trình thanh tra cần lắng nghe ý kiến giải trình của đơn vị được thanh tra để có đánh giá, kết luận thuyết phục; chỉ ra ưu nhược điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, vi phạm (nếu có).
Với công tác thanh tra theo kế hoạch, tiếp tục thực hiện phương châm công tác thanh tra theo chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao, nhằm đảm bảo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đều phải được tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Trong đó, lựa chọn những đơn vị có kết quả công tác chưa đạt, còn xảy ra hạn chế, thiếu sót hoặc nội bộ đơn vị có dấu hiệu mất đoàn kết để tiến hành thanh tra, kiểm tra trước…
Với công tác thanh tra đột xuất, tăng cường thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo, kiểm sát viên trong thực thi công vụ.
Tăng cường thanh tra đối với đơn vị, địa phương có nhiều hạn chế, yếu kém, đơn vị có dấu hiệu vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài.
Tăng cường thanh tra đối với đơn vị có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; có vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết các nguồn tin về tội phạm, vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt là vi phạm trong giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Cùng với đó, tăng cường đơn vị để xảy ra án oan sai, bỏ lọt tội phạm; vi phạm trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự… nhằm làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo, kiểm sát viên để xảy ra vi phạm.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng.
VKSND Tối cao yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền nếu vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham nhũng.
VKSDN Tối cao cũng yêu cầu, đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung kiểm tra, xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo do các cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chuyển đến, các vụ việc báo chí phản ánh, lãnh đạo VKSND Tối cao chỉ đạo.
Đối với đơn tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung phản ánh về người, vụ việc cụ thể thì xem xét có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm.
Tin cùng sự kiện: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.